
Ảnh: Chị Lê Thị Cúc đang cắt lúa về cho bò ăn.
Gia đình chị Lê Thị Cúc, thôn Cẩm Sơn, xã Bình Lãnh có gần một mẫu ruộng. Nếu mỗi năm sản xuất được 2 vụ như những vùng khác thì cuộc sống của gia đình chị sẽ ổn định. Thế nhưng, từ nhiều năm nay gia đình chị chỉ có thể sản xuất được vụ Đông Xuân còn vụ Hè Thu thì gần như bỏ trắng. Vụ hè thu năm nay, chị Cúc quyết định sạ 2 sào lúa nhưng đến nay, sau hơn 3 tháng gieo sạ, trong khi tại nhiều địa phương khác sạ cùng thời điểm đã thu hoạch thì 2 sào ruộng của chị chỉ có thể cắt làm thức ăn cho bò.
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Lê Thị Cúc là gia đình ông Trần Văn Diệm, thôn 6 Cẩm Sơn, Bình Lãnh. Gia đình ông Diệm cũng có hơn 5 sào ruộng nhưng việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả vụ đông xuân nước để sản xuất cũng không đảm bảo, còn vụ hè thu thì phải bỏ trắng. “Từ bao đời nay chúng tôi sống trên mãnh đất này nhưng chỉ làm được một vụ, còn một vụ thì đồng khô cỏ cháy vì không có nước, chúng tôi phải tìm mọi cách làm thuê làm mướn để đảm bảo cuộc sống”, ông Diệm nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn thôn Cẩm Sơn, xã Bình Lãnh có 160 hộ dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp với diện tích gần 50 ha. Từ cánh đồng này đến đập thủy lợi Lam Sơn chỉ 2 km nhưng cứ đến vụ hè thu thì toàn bộ diện tích đất sản xuất thuộc cánh đồng này lại phải bỏ hoang. Theo ông Huỳnh Bá Hùng – trưởng thôn Cẩm Sơn, xã Bình Lãnh thì hơn bao giờ hết, người dân thôn nơi đây đang mong muốn có 1 đường ống để dẫn nước phục vụ sản xuất.
Xã Bình Lãnh là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thăng Bình, cuộc sống của đại đa số người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng với thực tế hiện nay thì rất nhiều người đã phải bỏ ra thành phố để tìm kiếm việc làm, cải thiện cuộc sống. Nhiều người cố bám trụ lại thì phải luôn thường trực với nỗi lo giáp hạt và một thực trạng buồn đó là có đất nhưng đành bỏ hoang.