Vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm
Trước đây, gia đình anh Cảnh và chị Tòa chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn do phải nuôi các con ăn học. Vợ chồng anh chị bắt đầu chăn nuôi từ năm 2006 với số lượng ít. Thấy chăn nuôi quy mô nhỏ không hiệu quả, anh đã bàn với gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Qua gần chục năm chăn nuôi lợn thịt, ước mơ thoát nghèo vươn lên làm giàu của chị Tòa dần trở thành hiện thực.
Chị Tòa cho biết: “Gia đình tôi xây dựng chuồng trại và bắt đầu nuôi heo từ năm 2005. Ban đầu, gia đình mua 05 con heo nái và hơn 10 con heo thịt về nuôi. Năm đầu tiên, gia đình vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm nên trừ chi phí, số tiền lời cũng không được bao nhiêu. Năm tiếp theo, gia đình có tăng thêm số lượng đàn nhưng do dịch lở mồm long móng, giá heo hơi bị đẩy xuống thấp nên bị lỗ nặng. Không nản lòng, những năm sau đó, gia đình vẫn đầu tư vốn liếng vào nuôi heo. Với bản chất của người nông dân chịu thương, chịu khó cùng với kiến thức ít ỏi học được từ lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi thú y do Hội Nông dân tổ chức, đã đem lại cho vợ chồng chị những thành quả nhất định. Đến nay, gia đình tôi duy trì nuôi 12 con heo nái, 3 con heo đực giống và hơn 50 con heo thịt”. Hiện nay gia đình anh chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố chia làm 3 khu vực, khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn con làm giống sau khi tách mẹ và khu nuôi lợn thịt siêu nạc. Các lứa heo con được sinh ra gối nhau nên chuồng nuôi heo thương phẩm nhà anh chị lúc nào cũng có khoảng 100- 150 con.
Theo tính toán của chị Tòa thì heo nái sinh sản mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 7-8 heo con, tổng cộng một năm, 12 heo nái sẽ sinh được hơn 190 heo con. Gia đình bà thường để lại một nửa heo con để nuôi thương phẩm, còn lại ông bán giống cho các hộ chăn nuôi. Với giá bán heo giống là 100 nghìn đồng/kg, mỗi con heo giống nặng 12kg, chị thu về được 1,2 triệu đồng/con. Đối với đàn heo thịt, gia đình chị thường nuôi khoảng 5 tháng, khi mỗi con đạt trọng lượng trung bình gần 1 tạ thì xuất chuồng. Giá heo siêu nạc thương phẩm sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị còn thu lãi hơn 100 triệu đồng. Chị Tòa chia sẻ: “Nuôi heo công nghiệp không dễ vì sức đề kháng của nó rất thấp nên dễ ngã bệnh. Theo dõi thấy heo chậm phát triển phải có hướng xử lý kịp thời, phát hiện được các triệu chứng của heo để phòng trừ dịch bệnh và cho ăn uống hợp lý”.

Đàn heo thịt được nuôi trên nền đệm lót sinh học của gia đình chị Tòa
Thành công với mô hình nuôi heo “sạch”
Một lợi thế của gia đình chị Tòa trong chăn nuôi quy mô gia trại là chồng chị- anh Cảnh sau khi học tập các khóa tập huấn, đào tạo và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, anh Cảnh đã trở thành “bác sĩ thú y” giỏi không chỉ cho đàn heo của mình mà còn phổ biến kinh nghiệm cho những hộ khác. Cũng theo chị Tòa thì chăn nuôi heo với quy mô lớn phải thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện về kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại phải bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát và nhất là công tác thú y, vệ sinh phòng dịch, thực hiện đầy đủ chế độ tiêm phòng các loại dịch bệnh cho cả đàn heo. Nguồn thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để heo chóng lớn và sinh sản tốt. Giá thức ăn chăn nuôi thường hay biến động, nhiều khi lên khá cao, người chăn nuôi dễ bị lỗ. Vì vậy, để giảm chi phí chăn nuôi, gia đình chị đã đầu tư xây một khu dự trữ và chế biến thức ăn thô. Cứ đến mùa thu hoạch lúa, bắp, khoai, gia đình chị lại mua dự trữ với một lượng lớn để xay làm nguồn thức ăn cho đàn heo. Chị Tòa cho biết thêm: “Nguồn thực phẩm như bắp, sắn bà con nông dân quanh vùng làm ra được nên gia đình mua vừa tiện lại vừa rẻ. Hơn nữa, chăn nuôi heo nái sinh sản cần bổ sung nhiều thức ăn thô hơn thức ăn công nghiệp có sẵn để heo mẹ không bị béo quá, gây khó đẻ trong quá trình sinh sản”.
Đến nay, gia đình chị cũng đã xây dựng thêm chuồng trại, sử dụng đệm lót sinh học để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Do làm ăn hiệu quả, có quy mô và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên mô hình nuôi heo gia trại của gia đình chị đang được UBND xã khuyến khích phát triển thành mô hình điểm về chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, bảo vệ môi trường. Với qui mô chăn nuôi khá lớn như vậy nhưng mọi công việc từ cho ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng... đều do hai vợ chồng chị tự tay đảm nhận mà không thuê mướn thêm nhân công. Về kinh nghiệm nuôi heo siêu nạc, chị Tòa thổ lộ: “Trong chăn nuôi để đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh thì chuồng trại phải được xây dựng mát mẻ, thông thoáng và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, phun hoá chất khử trùng tiêu độc, cách li với môi trường xung quanh. Đặc biệt ít có mùi hôi, ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Đồng thời quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ cho nhiệt độ của chuồng lợn hợp lý. Chính vì vậy gia đình tôi đã chủ động công tác này để bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn, tiêm ngừa dịch bệnh cho lợn đúng thời điểm và liều lượng”. Nhờ mạnh dạn áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm tích lũy và sự cần cù nên đàn heo của gia đình chị Tòa rất ít bị mắc bệnh, bình quân mỗi năm cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Chị Tòa đang giới thiệu quy trình công tác tiêm phòng, thú y trong cơ sở chăn nuôi của gia đình
Chia sẻ về việc tiêu thụ sản phẩm, chị Tòa cho biết: Thức ăn chăn nuôi lợn của gia đình chủ yếu bằng cám, ngô, khoai, rau… không có thuốc tăng trọng hay các chất tạo nạc, lợn thường xuyên được tiêm phòng cẩn thận nên chúng khoẻ mạnh, thịt lợn chắc. Nhận thấy, mô hình chăn nuôi của gia đình đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường, vừa phòng ngừa dịch bệnh đem lại hiệu quả cao, nên gia đình tôi đã vận động nhân rộng cho các hội viên nông dân trong xã thực hiện.
Với diễn biến phức tạp của bệnh dịch như hiện nay thì mô hình chăn nuôi heo sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường như của gia đình chị Tòa là một trong những giải pháp giúp người chăn nuôi giảm bớt rủi ro dịch bệnh cho đàn vật nuôi, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống cho người nông dân.