
Ảnh: Tàu của ngư dân xã Bình Minh ra quân đánh bắt hải sản.
Cuối năm 2014, bằng nhiều nguồn vốn vay, ngư dân Bình Minh đã mạnh dạn cải hoán và đóng mới nhiều tàu có công suất lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại vươn khơi bám biển. Hiện nay, toàn xã Bình Minh có 54 tàu với công suất từ 250 cv đến 750cv, tăng 28 tàu so với năm 2014. Đầu năm 2015, đội tàu đánh bắt xa bờ của xã Bình Minh đã trúng đậm cá ngừ, cá cơm và mực. Một số tàu trúng mẻ lưới 500 triệu đồng, hay trong một chuyến ra khơi 7 ngày có tàu đánh bắt được 20 tấn, đến tháng 5.2015 sản lượng khai thác hải sản của xã Bình Minh đạt 5.500 tấn, tăng 1.200 tấn so với 4 tháng đầu năm 2014. Tổng thu nhập từ đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm 2015 đạt trên 120 tỷ đồng. Trong đó, mỗi tàu câu mực thu nhập từ 2 đến 2,5 tỷ đồng; mỗi tàu chụp mực và vây khơi thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng. Theo đó, mỗi ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ trong 4 tháng đầu năm 2015 có thu nhập trên 70 triệu đồng.
Đặc biệt, chủ phương tiện của các tàu có công suất lớn đa phần là những người trẻ, có trình độ kiến thức, năng động, mạnh dạn sáng tạo và được tập huấn áp dụng phương pháp đánh bắt xa bờ khoa học, hiện đại. Đặc biệt được tham gia khóa học về thuyền trưởng, máy trưởng và được tập huấn sử dụng thành thạo các loại máy tầm xa, máy định vị GPS, thông tin liên lạc tầm xa nên đã tạo rất nhiều thuận lợi cho việc đánh bắt và liên lạc, hỗ trợ cùng nhau.
Hiện nay, xã Bình Minh đã thành lập được 30 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Việc thành lập những tổ đoàn kết sản xuất trên biển như thế này đã góp phần vào sự hiệu quả của đội tàu đánh bắt xa bờ. Các tàu có thể thông báo cho nhau khi phát hiện luồng cá mới, cung cấp cho nhau các nguyên liệu, lương thực thực phẩm và hỗ trợ nhau khi có tình huống không may xảy ra.
Các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được đầu tư phát triển, theo đó đáp ứng được các nhu cầu về ngư lưới cụ, thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt cho các chuyến biển và các xưởng đông lạnh, xưởng chế biến hải sản khô. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy cho ngành khai thác hải sản xa bờ phát triển. Ông Trần Công Minh – Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết địa phương sẽ tạo điều kiện để ngư dân bám biển và làm giàu từ biển. Đồng thời, nhân rộng mô hình đội tàu vỏ thép, vỏ gỗ và tàu hậu cần nghề cá có công suất từ 700 cv trở lên; cùng với đó là là việc nâng cấp, trang bị thêm các loại máy dò tìm, máy định vị và các trang thiết bị phục vụ cho tàu đánh bắt xa bờ để mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa.
Hiện nay, việc áp dụng và lắp đặt sử dụng các thiết bị hàng hải hiện đại vào đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn huyện, trong đó có xã Bình Minh đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để phổ biến rộng rãi vẫn còn không ít khó khăn. Một trong những lý do mà ngư dân còn ngần ngại là các loại máy giá quá cao, nhất là máy của Nhật, Mỹ đều từ trên 300 triệu đồng. Các mô hình khuyến ngư lâu nay chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí quốc gia, để giải quyết khó khăn trước mắt cho ngư dân khi đóng tàu mới theo Nghị định 67, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngư dân cần nỗ lực để đồng bộ hóa trang thiết bị đánh bắt để vươn khơi xa bám biển dài ngày. Đối với ngư dân, kinh phí mua sắm các thiết bị hàng hải hiện đại nếu so với tỷ lệ đầu tư 6 - 7 tỷ đồng để đóng mới và cải hoán phương tiện đánh bắt xa bờ thì chưa phải là nhiều. Bởi nếu tàu được lắp đặt đồng bộ hóa cả 3 thiết bị trên sẽ dễ thành lập tổ hội khai thác trên biển, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, tránh được được rủi ro, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.