Huyện Thăng Bình có diện tích đất nông lâm nghiệp 24.986 ha, diện tích đất trồng lúa chủ động nước 7.390ha. Trong đó, diện tích liên kết sản xuất lúa giống hàng năm trên 400 ha. Trong những năm gần đây, công tác xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa luôn được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, đã xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu đảm bảo tốt hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ phục vụ cho sản xuất, trình độ thâm canh cây lúa của người nông dân ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của huyện, phòng Nông nghiệp & PTNT đã hỗ trợ các HTX xây dựng được 02 cơ sở sấy lúa giống và nhiều sân phơi có quy mô lớn.

Lúa bố, mẹ được cấy theo hàng
Có điều kiện sản xuất thuận lợi cùng với định hướng của lãnh đạo UBND huyện, phòng Nông nghiệp & PTNT trong việc tăng được thu nhập cho người nông dân, sản phẩm có đầu ra ổn định. Vụ Đông Xuân 2014 – 2015, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Thăng Bình đã liên hệ Công ty giống cây trồng Syngenta phối hợp với Ban Nông nghiệp xã Bình Tú tổ chức sản xuất thí điểm 02 ha lúa lai trên cánh đồng mẫu tại thôn Tú Ngọc B.
Đây là mô hình rất mới đối với người nông dân, bước đầu triển khai gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của các cơ quan chuyên môn huyện cùng với chính quyền địa phương, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người sản xuất nên bước đầu mô hình cho kết quả khả quan.
“Khi nghe chủ trương sản xuất lúa lai, tôi cũng phân vân lắm, không biết người dân mình làm có được hay không nữa. Vì bên Công ty giống có bảo hành năng suất nên tôi mới mạnh dạn vận động bà con nông dân cùng nhau quyết tâm thực hiện, thực sự lúc đó tôi không hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của mô hình quá mới mẻ này, lại được làm ngay trên chân đất quê mình” ông Toàn – tổ trưởng tổ 15, thôn Tú Ngọc B, đồng thời cũng là tổ trưởng của mô hình ngậm ngùi kể lại.

Lúa trong giai đoạn hình thành hạt
Khi được hỏi về kết quả thực hiện mô hình. Ông Toàn phấn khởi tiếp tục chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2014 – 2015, mô hình sản xuất lúa lai triển khai với diện tích 2,2 ha, năng suất bình quân 15 tạ/ha, giá Công ty thu mua 31.000 đồng/kg nên 1 ha thu được 46.500.000 đồng, vị chi 1 sào (500 m2) cũng thu được 2.325.000 đồng, chưa tính đến tiền lúa bố, 1 sào cũng được 50 kg, giá bán 5.000 đồng/kg, tổng thu 1 sào được 2.575.000 đồng. So với sản xuất lúa đại trà, 1 sào bình quân thu được 310 kg là tương đối cao, với giá lúa hiện nay 5.500 đồng/kg, nên giá trị thu được cũng chỉ 1.750.000 đồng/sào. Như vậy, thu nhập sản xuất lúa lai cao hơn sản xuất lúa đại trà khoảng 700.000 đồng/sào, đã trừ các khoản tăng thêm như: Phân bón, nhân công. Trong số các hộ nông dân tham gia mô hình, tiêu biểu nhất là hộ chú Phương có diện tích 800m2, thu được đến 6.100.000 đồng, tính ra 1 sào ruộng nhà chú Phương cũng thu về được 3.800.000 đồng”.
Qua trao đổi với người nông dân trực tiếp tham gia mô hình, chúng tôi thực sự yên tâm bởi sản phẩm đầu ra được Công ty giống thu mua toàn bộ, theo giá trị của hợp đồng. Nhân viên kỹ thuật của Công ty chia sẻ với chúng tôi: “…vì đây là vụ đầu tiên triển khai sản xuất lúa lai tại huyện Thăng Bình, người nông dân chưa quen với kỹ thuật sản xuất, một số hộ chưa tuân thủ đúng theo quy trình nên năng suất chưa cao, phấn đấu trong các vụ kế tiếp, phải đưa năng suất bình quân đạt từ 19 – 22 tạ/ha, nâng tổng thu nhập cho người sản xuất từ 64.000.000 đồng/ha đến 73.000.000 đồng/ha”. Có lẽ, đây là mức thu nhập đáng mong đợi từ những người nông dân trồng lúa.
Bên cạnh việc đem lại thu nhập đáng kể cho người sản xuất lúa, bởi đầu ra sản phẩm luôn có giá trị cao và ổn định, không lo nghĩ gì đến thị trường tiêu thụ. Người nông dân được tập huấn, biết thêm nhiều kỹ thuật sản xuất mới, tổ chức triển khai thực hiện được chặt chẻ hơn, có kỷ luật hơn. Đây là điều rất cần thiết trong việc nhân rộng, áp dụng chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp sau này.
Đây là hướng đi mới của ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình. Tuy bước đầu gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Để chương trình liên kết sản xuất lúa lai trên địa bàn huyện được nhân rộng, sản xuất có tính chuyên nghiệp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, rất cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo, phải tổ chức đào tạo, tập huấn… Đồng thời, tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” và người sản xuất cần phải quyết tâm hơn trong khi thực hiện. Có như vậy, mới từng bước góp phần cải thiện được đời sống cho cư dân nông thôn./.