Chi tiết tin

A+ | A | A-

Nghề mới ở Thăng Bình

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 15:01 | 12/02/2015 Lượt xem: 1952

Cùng với các làng nghề truyền thống: làng rau Hưng Mỹ xã Bình Triều, chế biến nước mắm Cửa Khe xã Bình Dương, nghề hương ở thị trấn Hà Lam được huyện Thăng Bình duy trì và phát triển; trong 3 năm gần đây, tại thôn Liễu Trì xã Bình Nguyên có một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đem lại giá trị kinh tế cao, mà chủ nhân là một chàng trai mới ngoài 30 tuổi.


Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ sáng tạo trên chất liệu gỗ của anh Trần Ngọc Nhựt. Tác phẩm được tặng giải C “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2014” . Ảnh T.Ư
Say mê với nghề điêu khắc gỗ
Tốt nghiệp đại học Kinh tế Đà Nẵng chuyên ngành quản trị kinh doanh, nhưng anh Trần Ngọc Nhựt, trú tại xã Bình Nguyên không đi theo con đường mình đã lựa chọn mà rẽ sang một hướng mới. Đó là nghề điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ. “Cơ duyên đến với nghề này là sau khi ra trường, trong những lần phụ giúp cha việc buôn bán, chế biến gỗ, đi nhiều nơi tôi rất yêu thích những tác phẩm mỹ nghệ được sáng tạo từ gỗ, nhìn những bức tượng phật Quan Âm, tượng long lân quy phụng ... được chạm trỗ rất tinh xảo từ những khối gỗ vô tri,  tôi quyết định mua gỗ về thuê thợ gia công làm nên những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ”. Anh Nhựt giãi bày. Để niềm say mê với nghề gỗ mỹ nghệ trở thành hiện thực và để tự khẳng định mình, anh xin phép gia đình được khăn gói đến làng mộc Kim Bồng (Hội An) để học nghề. Với một lòng quyết tâm học hỏi và với sự dạy bảo tận tình của những nghệ nhân tài hoa của làng mộc Kim Bồng, anh Nhựt đã làm ra được những sản phẩm đơn giản. Khi cầm dùi đục đẽo, gọt giũa hay cắt tỉa, là anh quên hết thời gian, công việc này như có sức hút kỳ lạ đối với anh.
     Từ việc làm được những sản phẩm dễ trong những tháng đầu học nghề, sau gần một năm, anh Nhựt đã sáng tạo được những tác phẩm khó hơn. Tác phẩm điêu khắc Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã được anh đầu tư khá công phu trong 6 tháng ròng rã bằng cả một tấm lòng tôn kính người mẹ huyền thoại của dân tộc Việt Nam – người có chồng, 9 con và 2 cháu ngoại đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Riêng việc đi tìm chất liệu gỗ đã mất 2 tháng, anh lặn lội lên Phước Sơn, đến các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum để mua. 4 tháng còn lại, anh anh sáng tạo tượng Mẹ Thứ cả ngày lẫn đêm để chạy đua với thời gian. Dưới bàn tay điêu luyện của anh Nhựt, tượng Mẹ Thứ có chiều cao 1,7 mét và chiều rộng 1,8 mét trở nên sống động, khắc họa chân dung người Mẹ của sự hy sinh cao cả vì đất nước và được cả nước tri ân. Tác phẩm Mẹ Thứ của anh Nhựt đã được Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2014 tặng giải C. “Đây là tác phẩm dự thi đầu tay rất có giá trị với tôi, tôi tự hào về tác phẩm này, dù có nhiều khách hàng trả giá tác phẩm Mẹ Thứ lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng tôi không có ý định bán mà thường đem trưng bày tại các hội chợ, đó là kỷ niệm đẹp khó quên trong nghề”. Anh Nhựt tâm sự.
   Giá trị từ những khối gỗ vô tri
Có trong tay nghề mới, với sự trợ giúp vốn liếng của gia đình (Công ty TNHH lâm sản Ngọc Trị) anh Nhựt đã tự tin xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại thôn Liễu Trì xã Bình Nguyên nơi có tuyến quốc lộ 1A đi qua để thuận lợi trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tính đến thời điểm này, cơ sở đi vào hoạt động chỉ mới 3 năm nhưng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nhựt sản xuất đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Mặt hàng tượng, lục bình, táo, măng cụt…đã có mặt hầu hết tại các hội chợ trong nước và các tỉnh Nam Ninh, Vân Nam và Đông Hưng của Trung Quốc. “Trong thời gian qua, anh Nhựt đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Từ gỗ vườn tạp, cơ sở của Nhựt đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và có tính thẩm mỹ cao”. Ông Đỗ Võ Bán, Trưởng Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Thăng Bình nói.

Anh Trần Ngọc Nhựt đang truyền nghề cho thanh niên trong huyện. Ảnh T.Ư
Đến cơ sở sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ của anh Trần Ngọc Nhựt vào một ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí lao động ở đây khá nhộn nhịp, 6 người thợ và khoảng 10 thanh niên học nghề đang khẩn trương hoàn thành những sản phẩm của mình để kịp đưa đi giới thiệu và bán tại các hội chợ vào dịp đầu xuân Ất Mùi. Anh Nguyễn Văn Hiếu quê ở Bình Triều, người thợ gắn bó với cơ sở của anh 3 năm qua vừa tiện vừa cho biết: “Để làm ra được những sản phẩm này, người thợ cần có con mắt tinh tế, có tư duy sáng tạo, đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo mới có những sản phẩm đẹp và giá trị”.
     Theo anh Nhựt, gỗ để làm tượng trước tiên phải được phơi khô để tránh việc tượng bị nứt nẻ sau này. Sau đó gỗ sẽ được cưa theo hình dáng và kích thước tương ứng với sản phẩm cần làm. Đối với loại tượng có kích thước lớn thì người thợ ghép nhiều khúc gỗ lại với nhau rồi dùng bột gỗ để trít các khe hở. Tiếp theo là giai đoạn tạo dáng. Người thợ dùng đục đẽo để tạo dáng tổng quát của tượng sau đó sẽ đi dần vào các chi tiết như tay chân, mắt, mũi, miệng… Cuối cùng là giai đoạn đánh bóng tượng. Tượng sau khi được đánh bóng trông  đẹp hơn nhờ vào mặt gỗ nhẵn thín sạch sẽ, nổi rõ từng vân gỗ.
     Đến nay, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nhựt đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho giới sành đồ gỗ mỹ nghệ tại huyện Thăng Bình và tỉnh Quảng Nam. “Tùy vào sở thích và nhu cầu của khách mà chúng tôi sản xuất ra nhiều loại sản phẩm có kích cỡ khác nhau, có loại chỉ từ 200 – 500.000 đồng như trái táo, trái măng cụt hoặc từ 1-2 triệu đồng/1 sản phẩm nhưng cũng có loại giá trị lên tới hàng chục triệu đồng/sản phẩm. Thậm chí những sản phẩm, có giá trị nghệ thuật cao lên tới hàng trăm triệu đồng/sản phẩm, như tượng Di Lặc, tượng Quan Công …Các sản phẩm này được làm rất kỳ công trên chất liệu gỗ tốt, đòi hỏi người làm không chỉ có tay nghề cao mà còn phải có trí tưởng tượng, óc thẩm mỹ, sự khéo léo trong nghệ thuật điêu khắc, tạo thế, dáng với nhiều đường nét tinh xảo, sắc sảo”. Anh Nhựt giới thiệu.
     Trong câu chuyện nghề, chúng tôi còn được biết hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Nhựt tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập thợ cả 12 triệu đồng/người/tháng, thợ trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí khuyến công, năm 2014, anh Nhựt phối hợp với Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Thăng Bình mở lớp đào tạo, truyền nghề cho những thanh niên có đam mê sáng tạo các sản phẩm trên gỗ. “Tôi có một nguyện vọng sẽ thu hút và đào tạo nghề cho các lao động nông thôn trong và ngoài địa bàn huyện, trong đó có cả những lao động khuyết tật vào làm việc tại cơ sở của tôi để giúp các thanh niên nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định”. Anh Nhựt bộc bạch.
     Từ những khối gỗ tạp vô tri, vô giác có giá trị thấp nhưng qua bàn tay kỳ diệu của anh Trần Ngọc Nhựt và những người thợ, đã trở thành những tác phẩm có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao, gửi gắm thông điệp vui đến với mọi người và góp phần làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

Tác giả: Thúy Ưu

Nguồn tin: http://thangbinh.gov.vn/

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031413606