Gia đình ngư dân Đặng Thanh Chung, xã Bình Hải chuẩn bị cho chuyến lưới ghẹ lúc ban chiều.
Đang mùa biển động nhưng không khí giao thương hải sản tại bến cá trung tâm xã Bình Minh (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) vẫn sôi động vào những ngày qua. Sau khi bán xong thành quả của chuyến biển trong ngày, ngư dân lại tất bật chuẩn bị các công đoạn cần thiết cho chuyến biển tiếp theo. “Thu được 1 tạ ghẹ vào thời điểm cuối mùa là thành quả tương đối lớn của gia đình chúng tôi. Hết tháng này là khoảng ghẹ bước vào mùa sinh sản rồi. Mình tranh thủ, tận dụng thời gian đánh bắt những chuyến lưới ghẹ cuối cùng của năm” - ngư dân Đặng Thanh Chung (thôn Đồng Trì, xã Bình Hải), chủ phương tiện QNa 04339 có công suất 40CV theo nghề lưới ghẹ từ hơn 10 năm qua cho biết. Với 1 tạ ghẹ thu được trong chuyến biển từ đêm đến sáng ở vùng biển ven bờ, gia đình anh Chung bán được 3 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 1,5 triệu đồng. Nghề lưới ghẹ của ngư dân các xã bãi ngang thường bắt đầu khi vụ sản xuất chính của ngư dân vào mùa. Sau khoảng thời gian cao trào đánh bắt (từ tháng 4 đến tháng 11), ngư dân theo nghề lưới ghẹ chuyển sang đánh bắt cá chai, cá trích, cá hố. Thành quả thu được không lớn nhưng cũng trang trải được nhiều khoản phí sinh hoạt. “Đến hết tháng 11, ghẹ không xuất hiện nữa mà tránh vào các rạn, các bãi để làm “gạch”, bước vào mùa sinh sản. Chúng tôi vẫn đều đặn đánh bắt hải sản ven bờ vì đó là sinh kế duy nhất của gia đình chúng tôi từ bao năm nay” - anh Chung nói.
Tại các xã bãi ngang ven biển của huyện Thăng Bình, chỉ có ngư dân các xã Bình Minh và Bình Dương là tham gia sản xuất tại các vùng biển xa. Tương tự ngư dân xã Bình Hải, ngư dân của xã Bình Nam cũng lấy nghề lưới ghẹ làm chủ đạo sản xuất ven bờ. Trung bình mỗi chuyến biển từ đêm đến sáng thu được vài chục ký ghẹ. Tùy thời điểm ghẹ bán được giá cao thấp khác nhau nhưng ngư dân cũng thu được vài trăm nghìn sau khi khấu hao giá thành sản xuất. Nhiều ngư dân thành thật san sẻ, họ đang hưởng lộc biển ban cho. “Nghề đánh bắt ghẹ không khác các nghề khai thác hải sản khác là mấy vì đều dùng lưới để sản xuất. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi phải khéo léo và có thủ thuật riêng. Tùy theo con nước lặng yên hay chảy xiết mà thả lưới nông sâu, dày mỏng khác nhau. Gỡ ghẹ thu được đòi hỏi phải nhanh mà khéo để ghẹ đừng mất đi càng của chúng. Chỉ có vậy mới bán ghẹ được giá chứ không thì chẳng ai mua cho” - ngư dân Đỗ Viễn Vọng (thôn Phương Tân, xã Bình Nam) theo nghề lưới ghẹ bằng chiếc thuyền nan gắn máy cho biết.
Theo lời kể của ngư dân, vào thời điểm đầu vụ, họ sản xuất nhàn rỗi từ 9 - 10 giờ đêm đến khoảng 5 - 6 giờ sáng. Còn mùa biển động, vất vả hơn, họ phải thả lưới ghẹ từ 6 - 7 giờ đêm đến 8 - 9giờ sáng. Sự khác nhau của nghề này còn biểu hiện ở phương tiện khai thác, có thể là thuyền thúng gắn máy hoặc phương tiện có công suất vài chục mã lực. Ngư trường có thể sát ngay ven bờ hoặc vùng biển xung quanh Cù Lao Chàm. Ghẹ thu được cũng có nhiều giá bán khác nhau, chênh lệch đến vài chục nghìn đồng/kg. “Mình còn khai thác được ngày nào thì cứ khai thác thôi chứ nguồn ghẹ ngày càng giảm đi trông thấy. Nghề này cũng lênh đênh lắm, ngày được, ngày mất…” - anh Chung cho biết thêm.