Đúng là như vậy! Báo chí tập trung nhiều ở thành phố. In báo ra phần lớn phát hành ở thành phố. Phóng viên thì khó có điều kiện đi về vùng sâu, vùng xa, nếu không có được thông tin chính xác về các sự kiện, thậm chí “Không thấy giấy mời!, không có xe đưa đón!” như nhiều ý kiến đây đó. Quảng Nam thì không chỉ trải rộng nhiều vùng mà việc đi lại cũng chưa phải dễ dàng vào thời kỳ đó. Ông Phúc nói đúng! Vì với một phong tào làm giao thông nông thôn rầm rộ như vậy, xã thôn nào cũng hứng khởi. Nhà nước đầu tư xi măng, thậm chí mua chịu xi măng của các nhà máy để đáp ứng nhu cầu quá bức thiết của người dân. Huyện nào, xã nào, thôn xóm nào cũng rầm rập người, máy san ủi, trộn bê tông làm đường. Nhiều người thân ở thành phố, chủ nhật về quê cũng hăng hái đóng góp thêm tiền để bà con mua thêm cát sạn, xăng dầu hoặc cho cánh nông dân là bà con mình uống nước nửa buổi khi làm đường. Dân Quảng hoãn việc đồng áng, chuyện nhà, đóng góp công sức, tiền mua vật tư làm đường. Theo tôi, phong trào nông dân làm giao thông nông thôn trong nhiều năm ở Quảng Nam là một phong trào thực chất xuất phát từ quyền lợi thiết thân của họ…
Nhưng, lại cũng có mặt trái của nó.
Làm đường ở nông thôn thiếu hẳn một quy hoạch chi tiết: Không xác định được cao trình chuẩn trên từng địa bàn. Cứ ủi, dọn bằng nền con đường đã có rồi đổ bê tông lên, để “mùa mưa không bị bùn” là được. Không có rãnh thoát nước, không lề đường. Đến khi nhà nước đầu tư các con đường nhựa liên xã chạy qua, thì những con đường bê tông đó thấp hẳn và đọng nước như ao tù, hư lở nhiều đoạn do nền đường quá sơ sài. Nhiều đoạn đường thưa thớt dân cư lại không đúng vật tư “đối ứng”, phải để lại, vì địa phương không có ngân sách.
Nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý, không giám sát, khiến định mức xi măng bị cắt xắn tùy tiện dẫn đến chất lượng nhiều con đường quá kém, lề đường, rãnh thoát nước không đủ tiêu chuẩn... Quản lý giao thông nông thôn cũng là bài toán không đơn giản ở địa phương. Đường nhỏ, yếu như nêu trên lại chịu những loại xe ben, xe tải trọng tải lớn đi vào. Lập ba-ri-e thì bị phê bình là ngăn sông cấm chợ. Không thì đường lại hư hỏng, thiếu kinh phí bão dưỡng. Nhiều vùng nông thôn như vậy, sau khoảng 5-10 năm đường sá lại hư hỏng, lô nhô lở loét.
Từ thành công ban đầu, trong hơn một thập niên qua, mỗi năm Quảng Nam đầu tư tiếp hàng trăm tỷ đồng phân bổ về các huyện để hoàn thiện mạng lưới giao thông cho các khu dân cư mới, cho vùng sâu vùng xa. Nhưng thực tế ở nhiều địa phương, quy hoạch chi tiết về giao thông vẫn chưa làm xong, nên vẫn “bổn cũ soạn lại”. Trong khi nhiều nơi ở các xã trọng điểm xây dựng nông thôn mới, đường sá mở ra 7-9 mét, thì có những con đường mới làm cũng chỉ…3 mét. Ngân sách đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng những con đường cũ (như nói trên) lại đặt trên vai địa phương và…bí vì tiền! Mà tiền này thì chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện hay ngành giao thông lại càng không có. Tôi dự nhiều cuộc họp Hội đồng nhân dân cấp xã hoặc nghe các anh chị làm việc ở nhiều địa phương, khi đề cập đến câu chuyện này, cũng…bó tay! Mà ở địa phương, theo tôi quan sát, “tư duy nhiệm kỳ” hiện nay là một biểu hiện khá phổ biến.
Để giải quyết bài toán này, theo tôi, vẫn có cách!
Trước hết, đề nghị phần thu lệ phí giao thông dành cho xe máy hiện nay, nên dành lại cho cấp xã để dùng làm quỹ bão dưỡng đường giao thông nông thôn. Thứ hai, địa phương vẫn có cách làm riêng mình là vận động các hộ, gia đình có xe tải, xe ô tô tại chỗ hoặc thường đi về ủng hộ vào quỹ bảo dưỡng giao thông nông thôn của địa phương. Vấn đề là cách vận động và quản lý sao cho minh bạch, công bằng. Đặt biệt, cần phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân cấp xã trong việc đề xuất chủ trương và giám sát thực hiện!