Xác định đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nên Thăng Bình đã tập trung quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này. Bằng nguồn vốn Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay huyện đã tập trung đầu tư xây dựng được 504 công trình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội với tổng giá trị là 993 tỷ đồng (trong đó ngân sách TW và tỉnh đầu tư 600 tỷ đồng, ngân sách huyện đã đầu tư 393,4 tỷ đồng). Đặc biệt, giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn, huyện Thăng Bình vẫn đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ từ các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện. Kết quả đã đầu tư bê tông xi măng và thâm nhập nhựa được 72 km đường ĐH và 22,5 km đường ĐX được xây dựng và nâng cấp; trên 147 km đường dân sinh được bê tông hóa, nâng tổng số km thực hiện được 485,5/1.390km giao thông nông thôn (đạt tỷ lệ 34,9%). Nhiều tuyến đường liên xã quan trọng được xây dựng kiên cố đã đem lại niềm vui cho hàng ngàn hộ dân trong huyện, mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: tuyến đường Đông Trường Giang đi Bình Hải, Bình Dương-Duy Nghĩa, đường Quán Gò-Bình Nam, Bình Phú-Bình Quế, cầu Thăng Hoa và các tuyến đường nội thị thị trấn Hà Lam…
Giao thông - thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng phát triển đáng kể, huyện còn chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống thủy lợi nội đồng. Nhiều tuyến đường được sửa chữa, xây dựng mới nối huyện liền xã, xã liền xã, thôn liền thôn. Các công trình thủy lợi phần lớn đã được nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới, bảo đảm chủ động tưới, tiêu, nâng diện tích chủ động nước tưới đạt 60% so với diện tích canh tác, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phát triển VH-XH, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo quốc phòng- an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn. Tiêu biểu về hiệu quả như công trình Hồ Đông Tiển tưới tiêu cho gần 750 ha lúa, hoa màu của các xã cánh Tây của huyện, đồng thời còn cung ứng nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân thuộc vùng dự án, phục vụ nuôi trồng thủy sản, cải tạo môi trường sinh thái trong vùng,…
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, trên địa bàn huyện vẫn triển khai thi công các công trình đã có trong kế hoạch. Huyện uỷ, UBND Huyện đã tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh, của các ngành TW và huy động nội lực trong huyện, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng ban, các ban quản lý dự án, các địa phương, nên việc triển khai các dự án đầu tư đảm bảo quy trình, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ở Thăng Bình còn một số tồn tại như: Công tác quản lý đầu tư còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt công tác chuẩn bị mặt bằng (BTTH-GPMB lập các thủ tục thu hồi đất, giao đất) chưa được quan tâm đúng mức ngay ban đầu, nên khi triển khai thực hiện phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần. Công tác giám sát, đôn đốc kiểm tra của chủ đầu tư, của một số Ban quản lý dự án chưa thật chặt chẽ, chưa thường xuyên nên chất lượng một số hạng mục chưa đảm bảo, tiến độ thi công một số công trình còn chậm… Ngoài ra, công tác giám sát ngoài hiện trường thi công thực hiện chưa nghiêm, công tác bảo trì chất lượng công trình ở các địa phương còn nhiều hạn chế.
Với mục tiêu đầu tư hạ tầng ở các tuyến giao thông trọng điểm đảm bảo tính liên kết và đồng bộ giữa các xã, thị trấn, kết nối với các đường quốc lộ, tỉnh lộ và đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Nghị quyết 06-NQ/HU của Huyện ủy Thăng Bình xác định: Giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020 huyện ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn chỉnh các tuyến giao thông huyện, xã đảm bảo khớp nối với các tuyến giao thông ĐT và Quốc lộ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhu cầu dân sinh. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình bê tông hóa GTNT, đảm bảo bình quân mỗi năm thực hiện từ 30-40km. Đồng thời đầu tư các tuyến phục vụ phát triển công nghiệp, làng nghề, du lịch và các tuyến giao thông nông thôn phục vụ dân sinh và sản xuất, chú trọng hỗ trợ đầu tư đạt 20% số xã nông thôn mới. Trước mắt, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh tiếp tục triển khai các công trình giao thông trọng điểm như: dự án đường và cầu Xuân An; các công trình giao thông : Đường dẫn cầu Cửa Đại, Đường Cứu nạn cứu hộ, đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất ; tuyến Quốc lộ 14E nối dài đến đường Thanh niên ven biển; tuyến đường Bình An-Bình Quế, Kế Xuyên-Tây Giang.
Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở huyện Thăng Bình đã được trải nhựa khang trang. (Ảnh Đ.A)
Để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ trong những năm đến, Thăng Bình đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu, đó là: Tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng các công trình. Trước hết, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2013-2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở này, tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy hoạch chi tiết ngành, vùng, địa phương theo hướng phát triển bền vững. Tập trung mọi biện pháp huy động các nguồn lực, trong đó chú trọng công tác xã hội hóa và lồng ghép các chương trình, ưu tiên bố trí cho những dự án, công trình mang tính đột phá, có sức lan toả lớn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững. Đẩy mạnh huy động vốn thông qua giải pháp khai thác quỹ đất và vận động thu hút rộng rãi các nguồn vốn trong xã hội bằng hình thức xã hội hóa với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Kết hợp đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó lựa chọn một số dự án áp dụng theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Quản lý khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, thực hiện khai thác quỹ đất, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn là giải pháp trước mắt và lâu dài của huyện. Tăng cường vận dụng cơ chế đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn của tỉnh theo Quyết định 29 của UBND tỉnh để đầu tư các tuyến ĐH còn lại trên địa bàn huyện; tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình bê tông hóa GTNT đến năm 2015. Thông qua sự hỗ trợ của các Sở, ngành của tỉnh và Bộ, ngành ở Trung ương để tiếp cận đối tác, vận động tài trợ tranh thủ các nguồn vốn. Đồng thời, tăng chi thường xuyên cho hoạt động duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng đã đầu tư, bảo đảm hiệu quả sử dụng lâu dài. Triển khai tốt công tác xúc tiến đầu tư; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư; làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, chính sách và môi trường đầu tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của huyện, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó xây dựng mạng lưới giao thông thực sự đã trở thành động lực để Thăng Bình phát triển. Đây là những thành quả mang tính đột phá, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để địa phương tiếp tục phát triển trong những năm đến.