Trong 3 năm qua, phong trào NDSXKD giỏi trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì và phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định kinh tế, đời sống của hội viên. Tổng số hộ NDSXKD giỏi là 13.786 hộ đạt 37,09% so với tổng số hộ nông dân. Trong đó: cấp TW: 3 hộ, cấp tỉnh: 237 hộ, cấp huyện: 1.308 hộ, và cấp xã: 12.238 hộ. So sánh với giai đoạn 2009 – 2011 tăng 3.106.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị
Qua phong trào ND TĐSXKD giỏi giai đoạn 2012 – 2014 cho thấy: Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng năm đã trừ chi phí lên đến hàng 100 triệu đồng. Đã có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình như: chị Nguyễn Thị Hà ở xã Bình Quý với mô hình chế biến nông sản, trang trại hằng năm trừ chi phí sản xuất lãi ròng từ 400 - 500 triệu đồng; anh Lê Đức Rí ở xã Bình Minh với mô hình đánh bắt xa bờ tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với 2 tàu công suất lớn (01 tàu có công suất 450CV và 01 tàu công suất trên 700CV), và sử dụng 90 lao động thường xuyên với thu nhập khoảng 200 triệu/lao động/năm. Mô hình chế biến hải sản của anh Nguyễn Văn Kiệt ở xã Bình Minh đã giải quyết từ 30 - 70 lao động tại chỗ và thu nhập của mỗi lao động từ 3 – 4 triệu đồng/ tháng. Anh Huỳnh Công Phượng ở xã Bình Tú với mô hình trồng nấm Linh Chi kết hợp dịch vụ nấu ăn và máy gặt đập liên hợp; anh Lê Duy Đức ở xã Bình Nam đã khai thác lợi thế của đất hoang hóa phát triển mô hình chăn nuôi gà và trồng sen nuôi cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hộ gia đình anh Trần Văn Diên ở xã Bình Chánh nuôi bò lai nhốt chuồng trên 11 con, trong đó có 1 con đực giống; anh Trần Khương ở xã Bình Triều đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển nuôi cá lót bạc trên cát để nuôi cá tràu lai, sản lượng hàng năm đạt trên 20 tấn và lãi ròng trên 100 triệu đồng và luôn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 lao động, giúp đỡ kinh nghiệm sản xuất và vốn không lấy lãi cho 2 hộ nông dân nghèo. Hộ Trần Công Thư với mô hình nuôi tôm Thẻ chân trắng phương pháp công nghiệp, tại Bình Hải, cho doanh thu năm đạt hàng tỷ đồng, thu hút 5 lao động thường xuyên, bình quân lương đạt 3,5 triệu đồng/lao động…
Phong trào đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn... để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; một số hộ nông dân SXKD giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của mỗi vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn trồng đậu phụng tại Bình Nam, Hợp tác xã rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại Hưng Mỹ - Bình Triều; cánh đồng mẫu lớn với quy mô 30 đến 40 ha tại Bình Tú, Bình Giang để sản xuất lúa giống ...Qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo động lực thúc đẩy hàng trăm hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới như nuôi dế, thỏ, nhông, trồng hoa, cây cảnh…, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Tại Bình Triều, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tân được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã trồng được hoa Ly, hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng, hộ gia đình ông Mai Văn Chiến – Bình Nam đã mạnh dạn đầu tư mở trang trại nuôi thỏ và sản phẩm thỏ thịt của ông đã có mặt tại các siêu thị lớn tại Đà Nẵng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước. Thông qua phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân toàn huyện đóng góp hàng tỷ đồng và hàng ngàn ngày công cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó đã làm mới và sửa chữa 14 km đường giao thông nông thôn, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn… Qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn. Các hộ nông dân SXKD giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.500 lao động, trong đó có trên 500 lao động có việc làm thường xuyên; hơn 600 lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn; giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 1.231 lượt hộ nông dân; giúp gần 200 hộ nông dân thoát được nghèo bền vững. Ngoài ra, phong trào đã động viên, vận động hội viên đóng góp các hộ nông dân giỏi làm được 3 nhà tình nghĩa và giúp cho trên 121 hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở và có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất. Hàng năm, đã đóng góp hàng tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương. Nhiều nông dân SXKD giỏi đã trở thành hạt nhân đoàn kết và nhân tố hòa giải có uy tín trong cộng đồng cư dân nông thôn.
Từ kết quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và giảm nghèo bền vững đã nói lên vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội và toàn thể hội viên nông dân trong toàn huyện trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, 2 tập thể và 22 cá nhân đã được UBND huyện khen thưởng.