Chi tiết tin

A+ | A | A-

Tăng cường tuyên truyền, định hướng khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 10:57 | 13/01/2022 Lượt xem: 2434

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được coi là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Khởi nghiệp không chỉ là con đường chinh phục ước mơ của mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong giai đoan hiện nay.

Trong những năm qua, phong trào thanh niên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn cấp trên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là phong trào xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp; phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia, đã hình thành một số mô hình, dự án do ĐVTN làm chủ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thanh niên, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xác định việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Những năm qua, tổ chức Đoàn, Hội đã không ngừng đổi mới các nội dung, phương thức hoạt động để đến gần hơn với thanh niên; chăm lo, hỗ trợ những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, thiết thân nhất của thanh niên. Ban Thường vụ Huyện Đoàn Thăng Bình đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện tới 100% Đoàn các xã, thị trấn tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế; đồng thời, phối hợp, hướng dẫn thanh niên xây dựng phương án, đề án, dự án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại các cơ sở. Tổ chức phát động phong trào thanh niên khởi nghiệp; xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài ra, Huyện Đoàn, Hội LHTN huyện đã tổ chức diễn đàn đối thoại với thanh niên nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay của bản thân mình trong việc tham gia phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đã tập hợp và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia lập thân, lập nghiệp; tính đến nay, toàn huyện đã có 30 mô hình thanh niên khởi nghiệp, tiêu biểu như mô hình hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Thăng Bình của anh Trần Hữu Tịnh, mô hình sản xuất nước mắm cửa Khe đạt chuẩn OCOP của anh Võ Nguyên Tùng, mô hình chuyên nuôi và cung cấp gà ác, trứng gà ác của HTX Thanh niên Bình Phục do anh Lâm Phụng Điệp làm Giám đốc,...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Các mô hình kinh tế của thanh niên cơ bản vẫn chưa được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, các nguồn vốn vay còn quá ít, chính sách ưu đãi còn hạn chế; quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, mở rộng và phát triển sản xuất còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; thanh niên còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và kiến thức về thị trường... Các mô hình kinh tế của thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với các tiềm năng thế mạnh của huyện. Sản phẩm đầu ra từ các mô hình còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ,…




Câu lạc bộ khởi nghiệp huyện Thăng Bình




Anh Trần Hữu Tịnh điều khiển hệ thống sản xuất nước uống

đóng chai Sức sống mới của HTX Thanh niên Thăng Bình


Để tiếp tục thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thời gian tới Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tập trung vào đẩy mạnh việc tập huấn, tuyên truyền về khởi nghiệp, kịp thời tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Tăng cường việc tạo môi trường tìm kiếm, hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân với các mô hình phát triển kinh tế để tạo nên “chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh”. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chương trình hành động của Trung ương Đoàn về“Thanh niên khởi nghiệp”; phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, định hướng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, các thông tin, cơ chế, chính sách, xu thế, yêu cầu về khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo cho ĐVTN trong toàn huyện.

Các cấp bộ Đoàn cần tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong phát triển kinh tế; khai thác hiệu quả và thiết thực những thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong quá trình tuyên truyền, định hướng cho ĐVTN về những chính sách mới của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp; về những gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN. Qua đó, góp phần động viên, cổ vũ mạnh mẽ ĐVTN thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thiết thực triển khai việc tuyên truyền, định hướng tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, duy trì hiệu quả hoạt động của các loại hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp. Huyện Đoàn và Hội LHTN cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp nhằm hỗ trợ hiệu quả cho ĐVTN trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng; hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp khả thi của ĐVTN. Tổ chức các buổi đối thoại, diễn đàn, toạ đàm, trao đổi, gặp gỡ, nói chuyện giữa ĐVTN khởi nghiệp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành… để khuyến khích, động viên và có các chính sách, cơ chế hữu hiệu hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Các tổ chức Đoàn và Hội LHTN tập trung phát triển các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống; định hướng phát triển làng thanh niên, HTX thanh niên và các hình thức hợp tác trong sản xuất kinh doanh... Đẩy mạnh liên kết, phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách và xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp… giúp thanh niên vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng và phát triển các hình thức tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: Hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên; thành lập Câu lạc bộ hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn cần thường xuyên tổ chức các chương trình, các buổi tọa đàm, đối thoại, trao đổi, nói chuyện,… giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp và ĐVTN; tổ chức các cuộc gặp gỡ, tham quan, giao lưu, học hỏi giữa ĐVTN với các doanh nhân thành đạt, doanh nhân trẻ…để không ngừng khơi dậy, thôi thúc tư duy và thắp sáng quyết tâm khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo trong đông đảo ĐVTN. Thường xuyên làm tốt công tác biểu dương, tôn vinh và lan toả các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu của ĐVTN, các dự án khởi nghiệp thành công của tuổi trẻ để ghi nhận, vinh danh các gương doanh nhân trẻ tiêu biểu, các mô hình ĐVTN làm kinh tế giỏi, những cách làm hay, phương pháp đổi mới sáng tạo hiệu quả để nhân rộng.

Tác giả: Trung Hiếu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031201755