Chi tiết tin

A+ | A | A-

Nhân rộng mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 21:07 | 07/11/2018 Lượt xem: 3500

Huyện Thăng Bình vừa hỗ trợ 400 triệu đồng để xây dựng mô hình nhà lưới sản xuất rau sạch công nghệ cao do anh Phan Đức Tư (thôn 1, Bình Dương, huyện Thăng Bình) làm chủ. Mô hình kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân, tận dụng được diện tích bỏ hoang.

(Ảnh: Anh Phan Đức Tư (đầu tiên từ bên trái qua)
giới thiệu về mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao do mình làm chủ.)

Công ty Đầu tư và Xây dựng Nhà  Long Á hiện đang chiếm lĩnh thị trường xây dựng với nhiều công trình trọng điểm. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, ông chủ của công ty này là anh Phan Đức Tư tiếp tục đầu tư thêm về lĩnh vực nông nghiệp bằng cách xây dựng mô hình nhà lưới sản xuất rau sạch công nghệ cao. Đây là mô hình đầu tiên của huyện Thăng Bình nên kinh nghiệm lẫn kỹ thuật, anh Phan Đức Tư phải học hỏi ở ngoại tỉnh. Theo anh Phan Đức Tư, đời sống của người dân Bình Dương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đất đai cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp không ổn định. Bà con nông dân vì thế mà tha phương cầu thực, ruộng đất dần bỏ hoang nhiều vụ. Xuất phát từ vấn đề đó, anh quyết tâm thuê  lại 10ha đất ở khu vực nổng cát Trảng Trầm để đầu tư trồng cây ăn quả và rau công nghệ cao. Anh Phan Đức Tư cho hay: “Hiện nay thị trường tiêu thụ các loại rau sạch chủ yếu ở T.P Đà Nẵng. Ngoài diện tích sản xuất rau sạch công nghệ cao, diện tích ngoài nhà lưới, tôi đã trồng các loại cây ăn quả, thả cá và nuôi vịt trời”.

 Sản xuất rau trong nhà lưới, đó là một sản phẩm của công nghệ cao. Nó đòi hỏi người nông dân phải có nguồn lực về tài chính. Thứ hai, người nông dân phải có một đội ngũ lao động am hiểu về kỹ thuật để điều khiển toàn bộ hệ thống bằng máy móc hiện đại. Riêng đối với hệ thống nước phải được tưới trên từng loại cây trồng khác nhau, và tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng. Những loại cây ăn quả  trong nhà lưới như cà chua, ớt, dưa phải được thụ phấn để cho quả, nhưng trong nhà lưới thì không có côn trùng. Do đó, nông dân phải thả ong mật vào nhà lưới  để thụ phấn. Nếu khó khăn, thì trực tiếp người nông dân phải tự thụ phấn cho cây để đảm bảo cây có trái. Đó là những yếu tố đủ để cấu thành nên mô hình sản xuất công nghệ cao và cũng là trở ngại khi đầu tư vào nhà lưới. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình, với tiềm lực của người nông dân thì chưa đủ mà phải dựa vào doanh nghiệp.  Bởi doanh nghiệp sẽ đáp ứng được những tiêu chí  mà Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện đưa ra. Và trong quá trình khảo soát, anh Phan Đức Tư - Giám đốc Công ty Đầu tư và xây dựng Nhà Long Á, hiện là chủ trang trại Trảng Trầm (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) đủ điều kiện. Bởi không chỉ có nguồn vốn đầu tư, mà anh Tư còn có đam mê với sản xuất nông nghiệp sạch. Tháng 7.2018, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình phối hợp với chủ trang trại Trảng Trầm thực hiện mô hình nhà lưới sản xuất rau sạch công nghệ cao với diện tích 1.000m2. Trong đó, sản xuất rau bằng giá thể với diện tích 500m2; 300m2 sản xuất rau hữu cơ; diện tích còn lại sản xuất rau thủy canh. Kinh phí đầu tư lên đến 850 triệu đồng, trong đó huyện Thăng Bình hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn khuyến  nông. Theo ông Hồ Ngọc Quảng- Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình, đầu tư vào nhà lưới có ưu điểm nhất định, đó là cây trồng phát huy tối đa về năng suất. Trong điều kiện thời tiết có nhiều biến động  như hiện nay, nếu chỉ sản xuất truyền thống thì sẽ bị tác động của mưa, gió. Còn trồng cây trong nhà lưới cách ly được vi khuẩn gây bệnh và những tác động bất lợi của thời tiết. “Thăng Bình có nền nông nghiệp đa dạng với nhiều loại cây trồng. Vụ nào cũng có sản phẩm trồng trọt. Tuy nhiên, người nông dân chỉ lấy công để làm lời. Bởi sau khi đã trừ các chi phí như phân bón, thuốc, giống, nông dân không lãi là bao. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, người nông dân chấp nhận đánh đổi, và cho rằng đó là tập quán, đó là nghề. Nhưng để cải thiện được vấn đề này không phải một sớm, một chiều. Mặc dù trong thời gian qua, các ngành, các cơ quan, các địa phương đã tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, đối với người nông dân phải tai nghe, mắt thấy thì họ mới tin. Do đó, huyện Thăng Bình chọn xây dựng một mô hình như của anh Phan Đức Tư để thực hiện. Sự thành công của mô hình sẽ thiết phục được người nông dân. Và người nông dân có quyền lựa chọn quy mô lớn hoặc nhỏ để thực hiện”- Ông Hồ Ngọc Quảng nói thêm.

Ông Nguyễn Thanh Vinh - Phó chủ tịch UBND xã Bình Dương cho rằng , khi được UBND huyện đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới sản xuất rau sạch công nghệ cao, người nông dân sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế. Và mục đích cuối cùng là cung cấp được sản phẩm sạch đến với bà con nông dân. Tôi mong muốn thời gian đến, các ngành chức năng sẽ tiếp tục quan tâm để có thể nhân rộng, không chỉ có môt hình sản xuất rau sạch của anh Phan Đức Tư và nhiều mô hình hơn nữa. Người nông dân Bình Dương sẽ làm giàu trên chính quê hương./.

Tác giả: Giang Biên – Minh Tân

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031507430