Huyện Thăng Bình xác định quy hoạch 3 vùng kinh tế gồm vùng Đông, vùng Trung và vùng Tây. Vùng Đông dọc theo sông Trường Giang đến ven biển. Định hướng là ưu tiên phát triển các ngành du lịch - dịch vụ, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Hiện khu vực này đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai các dự án lớn. Tiêu biểu như Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Quốc tế An Thịnh PPC, Khu đô thị và du lịch BRG…
Vùng Trung của huyện được xác định nằm trong khu vực phía Tây sông Trường Giang đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Định hướng phát triển tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ. Theo đó, huyện ưu tiên đầu tư các trục giao thông liên kết các vùng, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đang có nhiều chuyển biến, đã có 23 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất ở 5 cụm công nghiệp của vùng Trung, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Trong thời gian đến, huyện tiếp tục thu hút đầu tư và tập trung nguồn lực xây dựng thị trấn Hà Lam thành đô thị văn minh, đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020 để tạo tiền đề phát triển chung cho toàn vùng.
Vùng Tây Thăng Bình nằm ở phía Tây đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gồm 7 xã (Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Phú, Bình Chánh, Bình Quế), diện tích tự nhiên 136,99 km2, (chiếm tỷ lệ 33,23% diện tích toàn huyện); dân số 37.543 người (chiếm tỷ lệ 20,67% dân số toàn huyện). Đây là khu vực có địa hình bán sơn địa, phần lớn là đồi núi thấp, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như bố trí thủy lợi, giao thông, cơ giới hóa và dồn điền đổi thửa. Hơn nữa, tại vùng Tây Thăng Bình, hệ thống hạ tầng chưa phát triển so với vùng Đông và vùng Trung. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn.
Để cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế vùng Tây, huyện Thăng Bình định hướng phát triển nhiều lĩnh vực. Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế vùng Tây cả công, nông nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị và giá trị gia tăng trên cơ sở phát triển bền vững, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng Tây ngang bằng với vùng Trung, vùng Đông. Chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thông qua việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tại các cụm công nghiệp, xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, khôi phục một số làng nghề truyền thống và phát triển mới các làng nghề. Từng bước phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với du lịch cộng đồng.
Về nông nghiệp, ưu tiên phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, trang trại theo mô hình tập trung và kinh tế nông - lâm kết hợp, khai thác thế mạnh về trồng rừng sản xuất, trồng các loại cây nguyên liệu như giấy, các loại cây dược liệu, hồ tiêu. Về chăn nuôi, tập trung đầu tư nuôi gia súc như bò, dê. Giữ ổn định diện tích lúa nước để đảm bảo ổn định lương thực tại chỗ, đẩy mạnh sản xuất các loại cây màu như đậu phụng, ngô, sắn để cung cấp nông sản, hàng hóa tiêu dùng và tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc. Huyện sẽ hỗ trợ đầu tư phát triển các làng trái cây tại các khu vực có thể trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh: Thôn Đồng Dương (Bình Định Bắc) từ 1,5 – 2 ha; thôn Vinh Đông (Bình Trị) 2 ha; thôn Cao Ngạn (Bình Lãnh), thôn Linh Cang (Bình Phú) 2 ha...

Mô hình trồng tiêu (ở xã Bình Quế) cho giá trị kinh tế cao
Đối với công nghiệp-TTCN, thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động địa phương. Huyện sẽ quy hoạch phát triển cụm công nghiệp mới: Châu Xuân Tây (xã Bình Định Nam) với diện tích 50 ha, Rừng Lãm (10 ha), Dốc Tranh (10 ha); mở rộng cụm công nghiệp Quý Xuân (từ 6 ha lên 20 ha); nâng cụm công nghiệp Bình An (từ 10 ha lên 20 ha). Tập trung phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, cơ khí nông nghiệp gắn với nông nghiệp đất dốc. Nghiên cứu đưa thêm các nghề mới vào trong nông thôn khi kết nối được thị trường tiêu thụ (gia công đế dày, may mặc, gia công thẻ cắm hương, mây tre đan...)
Với nhiều di tích, thắng cảnh, vùng Tây có lợi thế phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch tâm linh để phát huy tiềm năng lớn của các hồ Cao Ngạn, Đông Tiển, Phước Hà, Phật viện Đồng Dương. Các địa danh chiến thắng Đồng Dương, căn cứ Huyện ủy Thăng Bình, đình Hiền Lộc cũng đã và đang được trùng tu, tôn tạo, qua đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa du lịch. Trên cơ sở du lịch các làng du lịch nông nghiệp, sinh thái, huyện sẽ định hướng xây dựng kết nối chương trình (tour) tham quan: Bãi tắm Bình Minh-Vinpearl Land Nam Hội An (Bình Minh)- Làng nghề nước mắm Cửa Khe- Làng rau sạch Hưng Mỹ - Phật viện Đồng Dương –Làng nghề đường bát thủ công Châu Xuân Đông- Làng trái cây Vinh Đông, Hồ Đông Tiển (Bình Trị); Cao ngạn (Bình Lãnh); Linh Cang, hồ Phước Hà, Hố Thác. Cùng với du lịch là phát triển thương mại. Địa phương ưu tiên xây dựng, nâng cấp các chợ theo cụm xã, tạo điều kiện thuận lợi giao thương, buôn bán giữa các khu vực trong và ngoài vùng. Đồng thời hình thành cụm thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm là xã Bình Trị để là đầu mối kết nối vệ tinh các chợ trong vùng.

Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc)
Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mà trọng tâm là giải quyết vấn đề giao thông, thông tin liên lạc, điện, các cơ sở y tế, giáo dục. Chú ý đến hạ tầng sản xuất nông nghiệp, như: giao thông nội đồng, cứng hóa kênh mương nội đồng, đường vào các khu vực sản xuất...
Tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị, cùng với những định hướng, cơ chế hỗ trợ, tạo động lực sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo ra cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong toàn vùng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo diện mạo nông thôn các xã vùng Tây ngày càng khởi sắc.