Được sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ Phòng Nông nghiệp huyện, gia đình ông Phan Đức Hoan ở Bình Dương đã tiến hành khảo sát, chọn địa điểm để xây dựng lồng bè. Cụ thể, để có được một lồng bè hoàn chỉnh gồm 6 lồng nuôi liền kề kết thành lại một bè. Mỗi lồng có diện tích 5m x 5m, ngập sâu 2,5m. Cùng với đó, kích thước lưới lồng được chia làm 3 giai đoạn: 2 lồng cỡ dưới 1ly dùng để nuôi cá con, giai đoạn mới thả đến 1 tháng tuổi; 2 lồng cỡ lưới 1,5 ly dùng để nuôi cá từ giai đoạn 1 đến 3 tháng tuổi; 2 lồng cỡ lưới 2 ly dùng để nuôi cá từ giai đoạn sau 3 tháng đến khi thu hoạch. Các lồng cá này được kết lại với nhau thành một bè bằng khung sắt mạ kẽm, dùng các thùng phuy để giúp bè nổi trên mặt nước. Sau thời gian 6 tháng triển khai nuôi trên sông, loài cá điêu hồng thích nghi tốt với nguồn nước sông, lượng thức ăn đầu tư ít hơn khi nuôi loài cá này trong ao, điều đó cho thấy lượng thức ăn tự nhiên phong phú, môi trường nước sông phù hợp tốt cho cá phát triển. Là người theo sát đàn cá từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch, chị Nguyễn Thị Lành, vợ anh Hoan đã tìm hiểu tập tính, khả năng phù hợp trên sông đối với loài cá này, chị Lành cho biết: “nuôi trên lồng thả trên sông nên dòng nước chảy gây khó khăn cho việc sử dụng thuốc, hóa chất để xử lý bệnh. Các loại bèo tự nhiên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống cho cá, chị cho rằng , nếu hạn chế được điều này thì lợi nhuận sau thu hoạch sẽ tăng lên đáng kể”.

Mô hình nuôi cá Điêu Hồng trên sông Trường Giang
Còn tại xã Bình Triều, mô hình của anh Phạm Văn Nhất được triển khai trên diện tích 150 mét vuông, với cách bố trí lồng bè tương tự như mô hình tại Bình Dương. Cuối tháng 4 năm 2016 anh Nhất tiến hành thả cá con, sau thời gian 5 tháng, trừ kinh phí đầu tư ban đầu, anh Nhất thu về gần 30 triệu đồng/vụ. Đó là những hiệu quả ban đầu với mô hình nuôi thử nghiệm cá Điêu hồng trên sông tại huyện Thăng Bình.
Tại hội thảo đầu bờ, đánh giá mô hình nuôi cá Điêu Hồng trên sông Trường Giang tại Bình Dương và Bình Triều được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tổ chức, đã có nhiều nông dân có kinh nghiệm nuôi cá trong ao đến tham quan và tìm hiểu. Tại hội thảo này, những người có niềm đam mê nuôi cá đã thẳng thắn đóng góp ý kiến để hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi cá.
Theo ông Nguyễn Phước Hùng ở tổ 17 thôn 4 xã Bình Triều, người có kinh nghiệm nhiều năm làm kinh tế trên sông cho biết, đây là loài cá dễ thích nghi với môi trường nuôi trên lồng bè, tuy nhiên để đạt hiệu quả tốt nhất thì phải cần rất nhiều yếu tố, nuôi cá hiện nay cần chú ý đến nguồn nước, nguồn thức ăn, kĩ thuật nuôi, đặc biệt giá cả các loại thức ăn, đây là điểm mấu chót mang lại hiệu quả cho người nuôi sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm nuôi cũng rất quan trọng, không phải nuôi trên sông là nuôi chổ nào cũng được, nuôi cá phải phù hợp với hướng gió, mùa vụ chứ không phải đơn giản là chỉ đặt trên sông nuôi là xong chuyện. Vấn đề mà nhiều người dân quan tâm nhất đó chính là nguồn nước sông Trường Giang hiện nay, có thực sự đảm bảo an toàn cho cá sinh trưởng và phát triển, đó là chưa kể hiện nay, trên sông các loại thực vật như rau muống, bèo, phát triển kín tại một số khu vực, ảnh hưởng đến d trên sôòng chảy, đặc biệt là tạo môi trường cho cá Điêu Hồng phát triển.
Cá Điêu Hồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới, loài cá này mau lớn, thịt ngon, có năng suất cao khi thu hoạch được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Việc chọn cá Điêu Hồng nuôi thử nghiệm trên sông Trường Giang là một giải pháp đúng đắn trong việc tận dụng tài nguyên nước trên sông để người nông dân vùng Đông huyện Thăng Bình phát triển kinh tế. Vấn đề này cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cho người dân về mặt kĩ thuật; qua đó tạo dựng sự liên kết với các đơn vị thu mua sau mỗi mùa vụ; giúp người nuôi cá ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập./.