Chi tiết tin

A+ | A | A-

Liên kết trồng sắn - Hướng đi mới ở các xã vùng Tây của huyện.

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 14:35 | 08/10/2015 Lượt xem: 1832

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp phải lấy giá trị và hiệu quả kinh tế làm mục tiêu hàng đầu, đồng thời phải gắn với mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Do vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ở những chân ruộng không chủ động nước tưới đã trở thành nhu cầu cấp bách ở các xã vùng Tây của huyện Thăng Bình.

Ảnh: Sắn KM94 cho năng suất cao.

          Đầu năm 2015, Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Quảng Nam phối hợp với 4 xã Bình Quý, Bình Định Nam, Bình Định Bắc, Bình Trị triển khai thực hiện "Mô hình liên kết sản xuất sắn và bao tiêu sản phẩm" với diện tích hơn 200 ha ở những chân ruộng lúa không chủ động nước tưới. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 100% hom sắn giống KM94; Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Quảng Nam hỗ trợ 100% phân hữu cơ, ngoài ra các hộ tham gia mô hình còn được tập huấn kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc cây sắn.

          Giống sắn KM94 có thời gian sinh trưởng từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 6 tháng đến 10,5 tháng, chiều cao cây trung bình 230cm, chiều cao khi phân cành 63cm và có 165 lá. Điều này cho thấy, giống sắn KM94 có khả năng chịu hạn tốt. Thời gian sinh trưởng của giống sắn KM94 tương đối ngắn so với các giống sắn khác nên phù hợp với quỹ thời gian còn lại trong năm, giảm áp lực làm đất từ vụ Đông Xuân sang vụ Hè thu; thời gian thu hoạch vào cuối tháng 9 và trong tháng 10 nhưng vẫn đảm bảo năng suất và sản lượng, nhất là hàm lượng tinh bột.

Tham gia mô hình nhiều nông dân cho biết: Sắn KM94 có khả năng chịu hạn tốt, nhưng ở giai đoạn đầu phải cung cấp một lượng nước nhất định để sắn phát triển và có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: Đất rừng; đất trồng luân canh, xen canh với các loại cây công nghiệp, cây thực phẩm; đất hoang hóa... Trong điều kiện thời tiết vụ xuân hè và hè thu 2015 nắng nóng kéo dài, ít mưa, không thuận lợi cho việc bón phân thâm canh cho cây sắn, nhưng củ sắn có chiều dài trung bình 26,2cm; đường kính củ đạt 2,7cm; trung bình mỗi cây có 8 củ, đạt khối lượng đạt 2kg; năng suất củ tươi ước đạt từ 24 đến 30 tấn/ha; giống sắn KM94 phù hợp trồng trên chân đất lúa không chủ động nước tưới ở các xã vùng Tây của huyện. Trồng sắn KM94 cho thu nhập gần 1,5 triệu đồng/ sào. Qua đó, cho thấy mô hình trồng sắn KM94 trên đất lúa nước trời tại các xã vùng Tây của huyện là phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

          Ông Lê Văn Khoa- Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Quảng Nam cho biết: Để trồng sắn đạt hiệu quả kinh tế cao khi chọn giống bà con phải chọn lấy hom giống ở những cây đủ già, đặc ruột, sạch sâu bệnh, nhặt mắt, cây phát triển tốt, có đường kính cây trên 1,5m; chặt thành đoạn hom dài từ 15-20cm, đảm bảo có từ 4-5 mắt trở lên, tránh làm tổn thương lớp vỏ. Sau khi chặt hom, đem trồng ngay, trong trường hợp chưa trồng được thì có thể áp dụng một trong các biện pháp sau để bảo quản hom như chôn hom xuống đất, để nơi râm mát; có thể dùng bẹ chuối buộc xung quanh bó hom hoặc dựng đứng hom và phủ rơm, rạ lên trên. Khi trồng cắm hom thẳng đứng, phần cắm xuống đất chiếm khoảng 1/3 chiều dài của hom. Hiện nay, một nỗi lo lớn của bà con nông dân là khi được mùa là mất giá, mất mùa lại được giá; tuy nhiên nếu bà con nông dân áp dụng trồng giống sắn KM94 sẽ được Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Quảng Nam ký hợp đồng bảo hiểm giá và cam kết thu mua toàn bộ sản lượng sắn của bà con theo giá thị trường- ông Khoa nói.

          Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện thì từ hiệu quả của mô hình trồng sắn KM94 trên những chân ruộng không chủ động nước tưới, trong những năm tới Phòng NN&PTNT huyện sẽ tập trung hướng dẫn các địa phương giữ giống để nhân rộng mô hình, đồng thời tiếp tục yêu cầu Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Quảng Nam hỗ trợ phân bón vi sinh và ký hợp đồng định giá sản phẩm trước với bà con nông dân; Phòng NN&PTNT huyện sẽ tập huấn kỹ thuật để bà con nông dân yên tâm sản xuất trong những vụ tiếp theo.

Ngoài lợi ích về kinh tế, sản xuất sắn KM94 còn góp phần chuyển đổi về cơ cấu về giống, cây trồng tại địa phương, tạo ra những vùng sản xuất thâm canh sắn theo hướng bền vững trên những vùng sản xuất lúa nước trời kém hiệu quả, để tăng hiệu quả sử dụng đất trong năm. Ngoài ra, còn cải tạo đất tốt hơn, cắt cầu nối sâu bệnh khi chuyển vụ, góp phần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ manh muốn thành sản xuất lớn mang tính hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các giống mới có năng suất cao để tăng hiệu quả kinh tế, thay thế dần các giống địa phương có năng suất thấp và đã thoái hóa. Tại hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình liên kết trồng sắn và bao tiêu sản phẩm vừa được Phòng NN&PTNT huyện tổ chức tại xã Bình Quý, bà con nông dân mong muốn trong những năm tới cần triển khai thực hiện mô hình trồng sắn sớm, nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng cho cây sắn góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả cho người sản xuất; Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Quảng Nam đầu tư phân bón, chăm sóc phải kịp thời, đầy đủ đáp ứng theo giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, đồng thời thu mua sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch... để bà con yên tâm sản xuất.

Tác giả: Minh Tân

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031209041