Từ cây trồng cạn ...
Cánh đồng rộng 12 ha ở thôn 2 xã Bình Đào do thiếu nước tưới nên vụ hè thu các năm trước nông dân trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp. Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, vụ Hè Thu năm 2015 nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng giống đậu phụng L23. Tham gia mô hình bà con nông dân được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 100% giống đậu phụng L23, 30% men TriCodema và được cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nên đậu phụng cho năng suất cao. Trên cánh đồng này gia đình ông Trần Đình Thu sản xuất trình diễn 750 m2 đậu phụng L23 theo đúng quy trình kỹ thuật. Qua quá trình sản xuất ông Thu nhận thấy giống đậu phụng L23 sinh trưởng và phát triển khá tốt trên chân đất lúa chuyển đổi. Giống đậu phụng này có thời gian sinh trưởng trung bình 90 ngày, chiều cao cây trung bình đạt 50 đến 55 cm; thời gian ra hoa tập trung và số cành cấp 1/cây là khá cao đạt 4,5 cành/1 cây, ít sâu bệnh gây hại hơn so với những chân ruộng trồng đậu phụng trên đất màu. Giống đậu phụng L23 cứ bình quân 100 hạt có trọng lượng 120 gram, cao hơn so với các giống đậu phụng đang gieo trồng hiện nay. “Riêng đối với vụ hè thu năm nay, mặc dù tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài nhưng năng suất đạt khá cao. Tính theo năng suất lý thuyết đạt 37 tạ/ha, nếu sản xuất giống đậu phụng mới L23 xen với đậu xanh sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn 4,5 lần so với cây lúa, số tiền lãi trên 1 ha chuyển đổi đạt hơn 42 triệu đồng”, ông Thu nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Khương - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện thì: “do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, nên một số vùng gặp khó khăn về nước tưới, vì vậy, mô hình trồng đậu trên đất lúa chuyển đổi sẽ là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng trong thời gian tới”. Bên cạnh đó, việc đưa những giống đậu phụng mới, cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho bà con nông dân tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Giống đậu phụng L23 còn khắc phục được thiệt hại do bệnh héo rủ gây ra. “Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng đậu phụng hoặc các loại cây trồng cạn khác như ngô, mè... ở các chân ruộng không chủ động nước tưới sẽ góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này các địa phương phải quy hoạch vùng chuyển đổi, về phía huyện sẽ hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất trình diễn, sau đó khuyến cáo nhân rộng mô hình” - ông Khương nói.
... đến nuôi cá nước ngọt.
Tháng 4.2015, gia đình anh Hồ Tấn Đình ở thôn Đồng Trì, xã Bình Hải được Phòng NN&PTNT huyện chọn thí điểm triển khai nuôi cá Diêu Hồng bằng lồng trên sông Trường Giang, với 12 lồng nuôi liền kề kết lại thành 1 bè, thả ngập sâu 2m dưới nước. Mỗi lồng anh Đình thả nuôi 30.000 con cá Diêu Hồng. Với tổng kinh phí thực hiện hơn 330 triệu đồng; trong đó, Phòng NN & PTNT huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại là nguồn kinh phí của gia đình. Anh Đình cho biết: “Nuôi cá Diêu Hồng bằng lồng trên sông mật độ nuôi lớn hơn, cá ít xảy ra bệnh tật, công quản lý, chăm sóc, thu hoạch thuận tiện hơn nuôi cá trong ao nước tĩnh, cá có tốc độ sinh trưởng nhanh bởi nguồn nước sạch, hàm lượng ôxy cao. Sau 4 tháng nuôi cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng cá đạt 0,5 kg/con, bước đầu cho thấy mô hình nuôi cá lồng trên sông đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Ảnh: Mô hình nuôi cá Điêu Hồng cho hiệu quả cao.
Nuôi cá Diêu Hồng trong lồng ít đầu tư về lao động, hằng ngày chỉ cho cá ăn từ 3 – 4 lần, mỗi tháng vệ sinh đáy lồng 1 lần, những ngày thời tiết thay đổi hoặc xuất hiện tảo lam chỉ cần di chuyển lồng đến nơi có dòng nước chảy. Lượng thức ăn đầu tư ít vì tận dụng được lượng thức ăn tự nhiên, môi trường nước sông phù hợp tốt cho cá phát triển. Sau 4 tháng thả nuôi tỷ lệ cá sống đạt 70%, cá có trọng lượng 0.5 kg/con với giá bán trên thị trường hiện nay từ 30.000 - 35.000đ/kg, dự kiến sau 1 vụ nuôi lãi hơn 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “thành công từ mô hình nuôi cá Diêu Hồng trong lồng này, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ khuyến khích các hộ nuôi theo quy hoạch chung, tránh tình trạng tự phát, phát triển nóng, đảm bảo phát triển theo hướng thâm canh bền vững. Địa điểm nuôi cá phải đảm bảo vệ sinh môi trường và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật”.
Ngoài 2 mô hình trên, vụ hè thu 2015 toàn huyện chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn được 102 ha, gồm: 28 ngô, 72 lạc, 2 mè. Tập trung ở các xã thiếu nguồn nước tưới như: Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Trị, Bình Sa, Bình Quý, Bình An, Bình Đào, thị trấn Hà Lam. Hầu hết diện tích chuyển đổi cho hiệu quả cao hơn trồng lúa. “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, thiếu nước tiếp tục diễn ra thì các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi phù hợp cần tiếp tục được nhân rộng nhằm tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất góp phần nâng cao thu nhập” - ông Vũ nói.