
Ảnh: Anh Lê Hữu Cầu đang cho bò ăn. (Ảnh: MT)
Lập gia đình năm 2001, với số vốn ít ỏi trong tay, anh Cầu đã trăn trở tìm hướng làm ăn mới với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó. Lúc bấy giờ ở địa phương đang phát triển phong trào nuôi bò, thế là anh bàn với vợ mua 2 con bò vàng (giống bò cỏ địa phương) về nuôi; tuy nhiên, sau một thời gian chăn nuôi anh thấy chưa có hiệu quả. Không nản chí, năm 2004, anh Cầu chuyển từ nuôi bò vàng sang nuôi bò lai Sind. Mỗi con bò lai Sind sau 2 năm nuôi anh Cầu lãi được hơn 10 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh Cầu tiếp tục tìm giống bò cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Với phương châm "vừa chăn nuôi, vừa học hỏi để rút kinh nghiệm cho những lần sau"; đầu năm 2012 anh lặn lội vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định ... để tìm giống bò mới về nuôi và tại tỉnh Quảng Ngãi anh nhận thấy ngoài nuôi bò lai Sind thì những nông dân ở đây còn nuôi bò lai Thái. Đây là giống bò có vóc dáng cao, to, lông mượt và hiền lành hơn so với bò lai Sind; nhưng trở ngại lớn nhất là giá thành bò lai Thái khá cao, anh Cầu cho biết: một con bò lai Thái sau khi sinh khoảng 1 năm có giá 21 triệu đồng nhưng trọng lượng thịt chỉ khoảng 40 kg gần bằng giá thành một con bò vàng trưởng thành có trọng lượng thịt hơn 140 kg. Chỉ những người thật sự quyết tâm chăn nuôi, phải hiểu được con bò và chịu được khó khăn mới dám đầu tư một số tiền lớn để mua một con bò về chăn nuôi vỗ béo - anh Cầu nói. Ngoài yếu tố về giá thành thì môi trường chăn nuôi lại là khó khăn khác, nếu bò không phù hợp với điều kiện sống ở địa phương thì việc chăn nuôi sẽ gặp khó khăn. Sau nhiều lần suy nghĩ bàn tính với vợ, anh quyết định mua 2 con lai Thái về nuôi thử nghiệm cùng với 3 con bò lai Sind đã nuôi trước đó để so sánh hiệu quả kinh tế giữa 2 loại bò này. Với tính hay lam hay làm, thức khuya dậy sớm với 2 con bò lai Thái và 3 con bò lai Sind, chỉ sau hai năm nuôi anh bán 2 con bò lai Thái được hơn 85 triệu đồng, lãi hơn 40 triệu đồng. Cầm những đồng lãi đầu tiên từ nuôi bò lai Thái, anh Cầu vững tin hơn vào con đường đã chọn. Anh Cầu cho biết: So với nuôi bò cỏ, hay bò lai Sind thì nuôi bò lai Thái đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ hơn, thức ăn đầy đủ hơn, nhưng hiệu quả kinh tế thì nuôi bò lai Thái cao hơn.
Mỗi ngày ngoài việc cho bò ăn cỏ tự nhiên, ăn rơm thì phải cung cấp thêm mỗi con bò 20 kg cỏ voi VA06; đây là nguồn cỏ bắt buộc phải có mới cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò phát triển. Để đáp ứng nguồn thức ăn phục vụ cho việc phát triển đàn bò, anh Cầu đã tận dụng 1.500 m2 đất vườn để trồng cỏ voi VA06, anh Cầu cho biết: Cỏ voi VA06 giống cây mía, cao xanh, ưu điểm của giống cỏ này thích hợp ở mọi vùng đất. Đây là giống cỏ chịu hạn tốt, sinh trưởng quanh năm, ít chăm sóc, sinh trưởng phát triển nhanh, giàu dinh dưỡng, một cây có thể đẻ nhiều nhánh, rễ chùm, phát triển rộng, ít bị sâu bệnh. Cỏ sau khi trồng 45 ngày thu hoạch lứa đầu tiên và có thể thu hoạch được 7 - 8 vụ trong năm. Ngoài ra, có thể trồng cỏ VA06 vào bất cứ mùa nào, tốt nhất nên trồng vào mùa mưa, cỏ dễ sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Giống như trồng mía, trên đất trồng cỏ anh Cầu lên liếp để tiện cho việc chăm sóc và tưới nước. Khi bắt đầu trồng anh Cầu đã cắt thân cỏ thành từng đoạn để tăng tỷ lệ sống. Về bón phân cho cỏ anh Cầu tận dụng phân của bò để bón, tiết kiệm được một phần chi phí. Cỏ không phải trồng lại thường xuyên, sau khi thu hoạch cỏ còn lại phần gốc sẽ tự tái sinh. Sau thời gian thu hoạch khoảng 1 năm, anh Cầu chặt bỏ gốc đã già cỗi, trồng mới lại nhằm đạt được năng suất cao.
Ngoài ra, trong chăn nuôi bò anh Cầu cũng rất chú trọng về khâu chuồng trại, vệ sinh thú y cho bò. Anh làm chuồng có lán che, máng ăn, máng uống quy củ và chia từng ô cho bò ăn; chuồng phải thoáng mát về mùa nóng, vào mùa lạnh phải che chắn hướng gió để giữ ấm cho bò. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” anh luôn học hỏi kỹ thuật trong chăn nuôi. Theo anh Cầu thì: nuôi bò là lấy công làm lãi, không tốn kém nhiều về kinh tế, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần. Hơn nữa bò là gia súc lớn nên sức đề kháng cao ít khi bị bệnh tật. Tuy nhiên, trong chăn nuôi để tránh rủi ro thất thoát cho đàn bò, tôi thường xuyên tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò vỗ béo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên tiêm phòng vắc-xin bệnh lở mồm long móng cho đàn bò. Nhờ vậy, đàn bò gia đình luôn khỏe mạnh và phát triển tốt - anh Cầu nói.
Với việc chủ động được nguồn thức ăn, chú trọng về khâu chuồng trại, vệ sinh thú y cho bò; đến nay, gia đình anh Cầu nuôi 5 con bò lai Thái, mỗi con bò đem về cho gia đình anh khoảng 50 triệu đồng sau 2 năm chăn nuôi. Để có được kết quả này, anh Cầu chia sẻ: Trước khi bắt tay vào nuôi bò thịt, anh đã dày công nghiên cứu và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm thực tế từ khâu chọn giống, làm chuồng trại, xử lý thức ăn, chất thải, cách nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng bệnh và vỗ béo bò... Đây là tiền đề, nền tảng giúp anh yên tâm chăn nuôi và thành công ngay từ lần chăn nuôi đầu tiên của mình.
Có thể thấy đây là mô hình chăn nuôi bò lai Thái đầu tiên trên địa bàn huyện, nhưng đã gợi ra một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi. Anh Lê Hữu Cầu mong muốn các cơ quan nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, đất trồng cỏ để anh có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi đàn bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Với những kết quả đã đạt được, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò lai Thái với bà con trong và ngoài xã.