Bình nguyên cách Trung tâm huyện Thăng Bình 2 km về phía Bắc. Xã có diện tích đất nông nghiệp 366,02 ha. Trong đó, đất lúa 206 ha; đất trồng cây màu, rau, đậu các loại 53,73 ha và một số diện tích trồng các loại cây khác. Xã có địa hình dốc từ Tây sang Đông, là vùng ít ngập lụt do lượng nước mưa chảy qua mương Lùm ra sông Ly Ly nên tiêu úng nhanh.
Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cùng với sự quyết tâm trong việc lãnh chỉ đạo của UBND xã Bình Nguyên và sự đồng thuận, hưởng ứng cao của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã đã triển khai thực hiện mô hình trồng Dưa gang trái vụ tại tổ 14, thôn Thanh Ly 2, diện tích 6,8 ha. Đây là mô hình chuyển đổi rất mới trong vụ Thu Đông 2014 trên đất lúa chủ động nước hay nói đúng hơn là mô hình luân canh cây trồng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa tăng độ phì nhiêu cho đất để vụ lúa Đông Xuân 2014-2015 cho năng suất cao hơn.
Tuy việc sản xuất dưa gang trái vụ hết sức khó khăn, đầu vụ gặp thời tiết nắng nóng, mưa nặng hạt vào cuối vụ đã gây không ít cản trở cho người dân. Dưa gang là cây mình nước nên khi mưa nặng hạt dễ bị gãy đỗ, nắng nóng làm thân khô héo, phát sinh sâu bệnh làm cho không ít hộ sản xuất lo ngại. Nhưng với sự quyết tâm, chịu khó tìm tòi, học hỏi của người dân cùng với sự hướng dẫn trực tiếp về mặt kỹ thuật của cơ quan chuyên môn huyện và Ban nông nghiệp xã, mô hình đã bước đầu thu được kết quả khá khả quan. Qua hoạch toán của Ban nông nghiệp xã và người sản xuất tính cho 1 sào (500m2), tổng chi phí đầu vào (giống, phân bón...) 1.070.000 đồng, năng suất trung bình 900 kg/sào, giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, tổng thu 5.400.000 đồng, lãi được 4.330.000 đồng. Tính lãi cho cả mô hình (6,8 ha) đạt hơn nửa tỷ đồng.

Có thể nói đây là mô hình chuyển đổi, luân canh cây trồng rất thành công trong vụ Thu Đông 2014 tại xã Bình Nguyên, góp phần nâng cao được thu nhập đáng kể cho người dân, sử dụng được công lao động nhàn rỗi giữa vụ, tăng độ màu mỡ cho đất. Tuy vậy, dẫu biết rằng trồng rau màu trái vụ sẽ cho giá trị kinh tế cao nhưng thị trường vẫn không ổn định, rất cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp. Đồng thời, quy trình kỹ thuật sản xuất cần phải được cải tiến, chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt để gia tăng năng suất. Có như vậy, mô hình mới được bền vững, được nhân rộng cho hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người dân ở vùng quê nông thôn./.