Con trai cả của bà là anh Nguyễn Công Nhựt, tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại thành phố Hồ Chí Minh, sau 4 năm lăn lộn, kiếm sống ở chốn Sài thành với một mức thu nhập tương đối nhưng vẫn không đủ trang trải cho mức sống quá cao ở thành phố. Trăn trở với ước mơ làm giàu và trách nhiệm của người con cả trong gia đình, anh đã quyết định về quê làm kinh tế và cùng đứa em trai phụng dưỡng mẹ già. Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế, gia đình anh nhận thấy nghề làm bánh tráng thủ công không đem lại năng suất và thu nhập cao khi mỗi ngày chỉ làm được 10-20 kg gạo. Với trình độ của một kỹ sư, anh nhận thấy để nâng cao năng suất sản phẩm chỉ có thể áp dụng những tiến bộ của công nghệ máy móc hiện đại.
Nhận được thông tin tư vấn và hỗ trợ của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, gia đình anh Nguyễn Công Nhựt đã bước đầu tìm hiểu thị trường bằng cách mua sản phẩm và bán lại cho các thị trường trong và ngoài huyện. Sau khi tìm hiểu được đầu ra của thị trường, gia đình đã bắt tay vào xây dựng nhà xưởng qua sự tham khảo từ các mô hình nhà xưởng của cơ sở bánh tráng cuốn Hương Huệ tại xã Bình Trị, hay cơ sở sản xuất của Anh Mười ở thị trấn Nam Phước. Anh Nguyễn Công Nhựt đã xây nhà xưởng với diện tích 144 m2, kinh phí đầu tư 100 triệu đồng, đồng thời để phát huy tối đa hiệu quả mô hình, anh đã đầu tư 40 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi heo ngay sau đó để tận dụng nguồn phế phẩm trong quá trình sản xuất bánh tráng cuốn.
Cuối tháng 4/2014, Anh Nguyễn Công Nhựt đã được cử đi học tập mô hình tại các tính phía Bắc như cơ sở sản xuất máy chế biến nông sản các loại của ông Bùi Đỗ Hậu tại huyện Thanh Oai, thăm làng nghề bánh tráng cuốn ở các huyện Thường Tín, huyện Hoài Đức và xã Minh Khai để tìm hiểu và học nghề tại đây. Sau gần 3 tuần tìm hiểu và học hỏi anh đã lựa chọn loại máy hấp trực tiếp sử dụng điện năng vì tính ưu việt và hiệu quả của nó. Ngay sau đó anh đã đặt mua máy của ông Bùi Đỗ Hậu - người đã được nhà nước công nhận nhiều bằng khen sáng tạo Việt.
Đến ngày 29/5/2014, máy đã được chuyển từ Hà Nội về, ông Bùi Đỗ Hậu đã trực tiếp vào lắp đặt máy tại cơ sở. Ngày 8/6/2014 cơ sở chính thức đi vào hoạt động, kinh phí thanh toán cho máy móc lên đến 120 triệu (trong đó 50% là nguồn khuyến công của huyện). Tuy nhiên hệ thống máy móc cần nhiều thời gian để nắm bắt về thông số kỹ thuật do vậy thời gian đầu bánh hư hỏng rất nhiều, cao điểm lên đến 50 - 80%. Tính đến ngày 25/6/2014 số gạo thử nghiệm thiết bị hỏng đến 6 tạ gạo. Đó là một con số không nhỏ sau khi gia đình anh đã đổ hết vốn liếng vào cơ sở sản xuất. Do vậy đã không ít lần anh Hậu đắn đo có nên chuyển giao lại máy móc cho ai không? Thế nhưng, trong số không ít lần ấy, các cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng đã không ngừng động viên, giúp đỡ gia đình, tư vấn kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của chú Hậu, cơ sở chế biến bánh tráng cuốn đã đi vào hoạt động ổn định. Đến nay cơ sở sản xuất đã bước đầu kinh doanh có hiệu quả. Tỉ lệ bánh sản xuất thành phẩm lên đến 85%. Lãi suất 500.000 - 700.000 đ/1 ngày. Trong thời gian tới cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng tiêu thụ và hứa hẹn sẽ đạt doanh thu, lợi nhuận cao hơn nữa.
Đến tham dự buổi nghiệm thu, đồng chí Phan Nghĩa, Bí thư Huyện ủy đã chia sẻ những tâm tư, trăn trở và có những phát biểu hết sức tâm huyết với thế hệ trẻ. Đồng chí cho rằng thế hệ trẻ nên cần những con người như thế, tâm huyết với gia đình, tâm huyết với quê hương, mong muốn những con người như anh Nguyễn Công Nhựt, những cơ sở sản xuất như bánh tráng cuốn Hai Nga không chỉ có một, mà còn nhiều, nhiều hơn nữa.
Hy vọng là những suy tư, trăn trở, những sự hỗ trợ lớn lao từ các cấp lãnh đạo huyện và sức mạnh nội tại từ nguồn động lực gia đình, cơ sở sản xuất bánh tráng cuốn Hai Nga sẽ không ngừng lớn mạnh, mảnh đất nghèo, một vùng quê gian khó sẽ không ngừng thay da, đổi thịt.