Chi tiết tin

A+ | A | A-

Làm giàu từ mô hình nuôi cá lóc trên ao trải bạt

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:21 | 01/10/2014 Lượt xem: 954

Từ hoàn cảnh lâm vào tình trạng thất nghiệp, phải tha phương cầu thực kiếm sống qua ngày, các anh đã tìm đến với mô hình nuôi cá lóc trên ao trải bạt và thành công với mô hình này. Ở vùng cát Thăng Bình, Quảng Nam thì nguồn thu nhập tính trên đơn vị diện tích mà các ao nuôi cá này đem lại thực sự là con số lý tưởng, vượt xa sự mong đợi của bà con nông dân…Xin giới thiệu về hai người nông dân đã thành công với mô hình kinh tế này.

Thăng Bình là huyện vùng cát của tỉnh Quảng Nam. Trong tổng số hơn 38.000 ha diện tích đất tự nhiên của toàn huyện thì diện tích đất cát chiếm đến 1/3 diện tích với khoảng 13.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng Đông. Đất cát bạc màu, lại gặp khí hậu khắc nghiệt nên sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Tính trên một đơn vị diện tích, nguồn lợi thu về từ trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế không cao. 
                  Mô hình nuôi cá trên ao trải bạt
     Bài toán tìm cách nâng giá trị kinh tế trên vùng đất cát này luôn là nổi trăn trở của chính quyền và người dân địa phương. Chuyện làm giàu với mô hình nuôi cá lóc trên ao trải bạt của những người nông dân từng thất nghiệp, từng phiêu bạc xa quê kiếm sống ở xứ người thực sự là câu chuyện ấn tượng trên vùng cát Thăng Bình, Quảng Nam.
     Từ người làm thuê trở thành ông chủ!
     Anh Trần Khang ở tổ 13 thôn 3 xã Bình Triều từng lâm vào cảnh bí bách, không có cách xoay xở nào khác ngoài việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên mảnh đất khô cằn, nghèo khó; anh quyết định ly hương, vào miền Nam làm thuê kiếm sống tại Đồng Tháp bằng nghề nuôi cá thuê. Năm 1996, anh về quê, cưới vợ và sau đó hai vợ chồng một lần nữa phải ly hương kiếm sống. Trong suốt quá trình làm thuê cho chủ với nghề nuôi cá lóc tại đồng bằng sông Cửu Long, anh và vợ đã mày mò, học hỏi được những kinh nghiệm quý giá.
     Với một số vốn ít ỏi và hành trang kiến thức thu thập được, anh Khương đã đào ao, nuôi cá trên vùng cát Bình Triều trong sự ngạc nhiên, hoài nghi của bao người.
     Tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Khương nói: “Ban đầu, khó khăn nhiều lắm. Mới về địa phương, lần đầu tiên nuôi cá, ai cũng nghĩ sao ông này dám cả gan, liều lĩnh; trên đất cát khô cằn mà đi nuôi cáLúc đó, tôi không dám thả nhiều vì không có vốn, ban đầu thả chỉ 1000 đến 2000 con cá, lấy ngắn nuôi dài. Sau thấy có hiệu quả, tiếp tục mở rộng. Nguồn vốn ban đầu chỉ có khoảng 20 triệu đồng”.
     Trên mảnh vườn, ao sau nhà, anh xúc cát đổ vào bao, xếp thành từng ô rồi lót bạt, bơm nước giếng khoan vào ao nuôi cá. Thời gian đầu, dù tự tin với những kỹ thuật nuôi cá lóc được tích lũy sau nhiều năm, anh Trần Khương vẫn cẩn thận vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trong điều kiện nuôi của vùng đất cát miền Trung. Để ý tới từng sự thay đổi, khác biệt qua mỗi ngày về điều kiện thời tiết, đến số lượng, chất lượng nguồn thức ăn, quan sát từng chi tiết thay đổi, từng phản ứng của đàn cá với điều kiện nuôi và chăm sóc mỗi ngày. Anh đã bổ sung vào kho kinh nghiệm của mình những thông tin quý giá.
     Thức ăn cho cá chủ yếu là các loại cá nhỏ được mua từ biển Hội An và Thăng Bình. Đây là nguồn thức ăn dồi dào nhưng giá thành lại rẻ, giúp cá lóc nhanh lớn. Đặc biệt, để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ cá lóc, anh Khương còn dành riêng một bể để nuôi cá trê lai và cũng thu được nguồn lợi đáng kể. Thị trường tiêu thụ cá lóc khá ổn định, trong đó nhiều đầu mối và khách hàng quen ở Đà Nẵng. Riêng cá giống, anh mua ở các tỉnh phía Nam và luôn chủ động nguồn cá giống để nuôi gối đầu cho vụ sau.
     Với đồng vốn ít ỏi và số lượng cá giống ban đầu chưa nhiều, vụ đầu tiên, sau 5 tháng chăm sóc, anh Khương đã thu được 6 tạ cá thịt; các thương lái tìm đến thu mua hết.
     Thấy hiệu quả kinh tế của mô hình, anh tiếp tục đầu tư, quy hoạch, đắp thêm bờ bao, bố trí thêm những ao nuôi cá khác trong vườn, nâng tổng diện tích ao nuôi lên đến 500 m2. Có kinh nghiệm nuôi vững vàng, những vụ nuôi tiếp theo sau đó cũng liên tiếp thắng lớn, anh thuê thêm đất để đầu tư nuôi. Hiện nay mỗi vụ (từ 5 – 8 tháng), anh thả hơn 100.000 cá giống và nuôi gối vụ. Bình quân mỗi năm, anh có doanh thu gần 2 tỷ đồng, trừ các chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Các ao nuôi của anh giải quyết việc làm cho 6 lao động, với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.. Anh Khương là người đầu tiên làm mô hình này ở Bình Triều, với doanh thu mỗi năm từ 1,5 – 2 tỷ đồng.
     Chuyện gia đình anh Trần Khương thành công với mô hình nuôi cá lóc trên ao trải bạt ở xã vùng cát Thăng Bình, Quảng Nam đã làm nức lòng người dân trong vùng. Từ chỗ ngạc nhiên, thậm chí là hoài nghi, bà con nông dân gần xa đã đến chia vui và học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao này. Sau nhiều năm học tập kinh nghiệm và làm theo mô hình của anh Trần Khương, các hộ nông dân đầu tư nuôi cá lóc ở vùng cát Thăng Bình, Duy Xuyên đã bước đầu gặt hái được những thành công, đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn trước.
     Bằng chính thu nhập từ nghề nuôi cá lóc, từ chiếc xe máy “cà tàng” lúc mới khởi nghiệp, gia đình anh Khương đã sắm được ô tô để thuận tiện hơn cho việc mua bán, vận chuyển thức ăn cho cá.
     Làm giàu cho mình và giúp nhiều người khác thoát nghèo một cách bền vững, anh Trần Khương đã góp phần đưa vùng cát Thăng Bình, Quảng Nam trở thành địa phương có phong trào nuôi cá lóc trên ao trải bạt phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao.
     Trong cái rủi, có cái may

     Cũng là  một điển hình cho gương nông dân sản xuất giỏi ở huyện Thăng Bình với nghề nuôi cá lóc là anh Nguyễn Đức Lân ở tổ 9, thôn Thanh Ly I, xã Bình Nguyên.
     Vốn là công nhân có bằng cấp chuyên môn về vận hành, điều khiển lò hơi, anh cứ nghĩ mình sẽ gắng bó lâu dài, đồng hành với sự phát triển của Nhà máy đường Quảng Nam. Tuy nhiên, không như anh mong đợi, công việc ở đây cứ thưa dần, thưa dần, nhà máy hoạt động cầm chừng và cuối cùng dừng hoạt động hẳn. Như hàng trăm người khác, anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Đắn đo  mãi, nhiều lúc anh nghĩ sẽ đi làm khu công nghiệp nhưng lại thôi, anh quyết định về nhà đào ao nuôi cá.
     Đào ao nuôi cá trong khoảng sân vườn trước nhà, anh Dương Đức Lân tự tay mình làm hết tất cả mọi việc để tiết kiệm chi phí đầu tư. Được người chú cho phần đá vỡ, không đủ quy cách xây dựng, anh một mình lên núi đưa đá về xây bờ bao quanh ao. Về vốn liếng ban đầu, vay được 40 triệu đồng, anh đầu tư mua con giống, mua thức ăn nuôi cá. Tuy nhiên, với số tiền ít ỏi đó cũng không thấm vào đâu so với số tiền cần thiết để mua thức ăn cho đàn cá đang lớn hàng ngày. Thế là, “túng thì phải tính”, vợ chồng anh Lân bàn với nhau phải kiếm thêm việc làm để kiếm đồng ra, đồng vào. Anh vẫn kiên trì bền bỉ tìm mọi cách, khắc phục mọi khó khăn, bền bỉ theo cho được nghề nuôi cá lóc với mong muốn thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
     Vụ đầu tiên, cả một ao nuôi mênh mông 200 m2, anh chỉ mới dám thả 1.500 con giống. Ao rộng, cá ít, mật độ nuôi quá thưa nên rất khó quản lý, chăm sóc lẫn thu hoạch. Rút kinh nghiệm, những vụ sau anh không đào ao sâu xuống đất như trước mà xây bể xi măng cạn, lót bạt chống thấm nước rồi thả cá vào nuôi. Qua thực tế, anh Lân nhận thấy nuôi cá lóc trong bể xi măng có thuận tiện hơn, dễ quan sát, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn cá hơn nhưng vẫn còn nhược điểm là chi phí xây dựng cao. Tiếp tục nghiên cứu, học hỏi và tham khảo các mô hình nuôi cá lóc khác, anh quyết định làm theo cách thức gọn nhẹ, ít tốn công, không phải đầu tư quá nhiều vốn về xây dựng cơ bản, việc chăm sóc, vệ sinh hàng ngày hay lúc thu hoạch cũng dễ dàng hơn rất nhiều; Có thể tùy ý thay đổi kích thước, diện tích ao nuôi tùy theo yêu cầu mùa vụ một cách đơn giản. Đó là mô hình dùng bao cát xếp thành bờ ao, lót bạt dưới đáy làm nền và vây lưới xung quanh ao nuôi.
     Để khép kín mô hình nuôi, đảm bảo tiết kiệm nguồn nước, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa; đồng thời giúp xử lý nước thải từ các ao nuôi cá lóc, anh Lân đã sử dụng 200 m2 đất vườn vào việc làm ao nuôi cá trê lai. Khi vệ sinh, thay nước cho cá lóc, phần thức ăn dư thừa từ hồ nuôi sẽ được xả trực tiếp vào ao nuôi cá trê lai và đây cũng là nguồn thức ăn chính của việc nuôi thêm cá trê lai.
     Hiện nay, bên cạnh việc tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của việc nuôi cá lóc trên ao trải bạt, gia đình anh Lân còn tận dụng thế mạnh của mô hình chăn nuôi để thả thêm bầy gà với hàng trăm con trong sân vườn nuôi cá lóc. Cùng với nuôi cá trê lai, việc nuôi kết hợp đàn gà trong vườn đã giúp cho gia đình anh tận dụng được tối đa nguồn thức ăn dư thừa, góp gần tăng thêm đáng kể nguồn thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình no ấm và bền vững.
*
*       *
     Từ thành công của mô hình nuôi cá lóc trên ao trải bạt của những người nông dân chân lấm, tay bùn như anh Trần Khương, anh Dương Đức Lân cho thấy sự đam mê học hỏi, tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của những người nông dân nông thôn hôm nay thật đáng trân trọng. Thiết nghĩ, đây là mô hình phù hợp đối với việc chuyển đổi ngành nghề, thay đổi diện mạo vùng quê trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, đưa kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Tác giả: Minh Quốc

Nguồn tin: http://thangbinh.gov.vn/

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031213330