Chi tiết tin

A+ | A | A-

Lúa chịu mặn, hướng đi mới cho vùng Đông Thăng Bình

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 10:17 | 23/09/2014 Lượt xem: 814

Biến đổi khí hậu đã làm cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Nam nói chung và ngành nông nghiệp Thăng Bình nói riêng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đó là tình trạng khô hạn, ngập úng và nhiễm mặn…diễn ra thường xuyên và mức độ càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Quảng Nam có 10 nhóm đất chính. Trong đó nhóm đất mặn có diện tích khoảng 13.234 ha, chiếm 1,27% tổng diện tích. Đất mặn phân bố chủ yếu ở các vùng ven biển, các khu vực cửa sông ở các huyện Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành. Đất được hình thành do nước mặn theo thủy triều tràn vào đã gây hiện tượng đất nhiễm mặn, một số nơi hình thành do sú vẹt. Hiện nay hầu hết diện tích đất mặn được trồng từ 1 đến 2 vụ lúa. Những nơi chủ động tưới tiêu thì cho năng suất khá, nhiều nơi nuôi trồng thủy sản có hiệu quả. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu bộ giống lúa và cơ cấu cây trồng thích hợp cho vùng đất bị nhiễm mặn. Hàng năm, diện tích lúa thường bị nhiễm mặn dao động từ 3.800ha đến 6.000ha.

Con sông Trường Giang đi qua huyện Thăng Bình dài 25 km; qua 7 xã gồm: Bình Giang, Bình Dương, Bình Đào, Bình Triều, Bình Sa, Bình Nam và Bình Hải, với diện tích lúa khoảng 2.071 ha. Trong nhiều năm qua, diện tích nhiễm mặn trên địa bàn huyện ngày một tăng lên, nhất là vụ sản xuất Hè Thu hằng năm. Hiện tại diện tích nhiễm mặn lên đến 500 ha, ở các mức độ khác nhau.

Trước những khó khăn trong sản xuất lúa dọc sông Trường Giang, vụ Đông Xuân 2013 - 2014, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thăng Bình phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế đã đưa vào sản xuất thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn có triển vọng tại thôn Bình Hòa, xã Bình Giang. Ngày 07/4/2014 Viện lúa Quốc tế IRRI, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Nam và hơn 60 nhà nghiên cứu lúa chịu mặn trên thế giới đã tiến hành thăm vùng sản xuất lúa bất lợi tại xã Bình Giang, thăm mô hình sản xuất lúa chịu mặn, đã có đánh giá rất cao. Các Tổ chức này có cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng ta trong vấn đề nghiên cứu các giống lúa chịu mặn trong thời gian đến.

Để có thể đưa giống lúa chịu mặn vào sản xuất tại huyện nhà, trước hết, đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp huyện cần đề xuất các đề tài nghiên cứu liên quan đến sản xuất lúa chịu mặn trên địa bàn huyện. Hội đồng khoa học công nghệ huyện ưu tiên xét chọn để triển khai thực hiện sớm nhất.Việc liên kết với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học Nông nghiệp trên toàn quốc về vấn đề liên quan đến sản xuất lúa chịu mặn cũng cần được chú trọng, trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu trong thời gian qua. Các ngành chức năng quan tâm giúp địa phương có cái nhìn toàn diện hơn trong việc sản xuất lúa chịu mặn dọc sông Trường Giang trong bối cảnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích sản xuất lúa hiện nay, vì những vùng đất nhiễm mặn này chỉ sản xuất duy nhất là cây lúa hoặc bỏ hoang. Về lâu về dài còn phải tập trung nghiên cứu biện pháp sản xuất lúa tổng hợp trên đất nhiễm mặn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay chúng ta mới chỉ đi những bước đầu tiên là thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn có triển vọng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân sản xuất lúa trong vùng nhiễm mặn dọc sông Trường Giang về tình hình nhiễm mặn do biến đổi khí hậu, cùng với ngành nông nghiệp huyện nhà tổ chức lại sản xuất trên chính mảnh ruộng của họ để mang lại hiệu quả kinh tế cao  và bền vững. Đây là kết quả bước đầu trong vấn đề nghiên cứu giống lúa chịu mặn ở huyện nhà, song là tiền đề để ngành nông nghiệp huyện có định hướng cho việc phát triển lúa chịu mặn dọc sông Trường Giang trong thời gian đến./.

Tác giả: Nguyễn Xuân Vũ - Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện

Nguồn tin: Từ Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031213150