Chi tiết tin

A+ | A | A-

Bún phở khô Thành Mỹ- sự lựa chọn phù hợp

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 10:08 | 23/09/2014 Lượt xem: 840

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông mà lúa là loại cây chủ lực, anh Mỹ hiểu rất rõ lợi thế của việc phát triển nghề bún trên quê mình. Với anh, việc theo đuổi nghề bún truyền thống là lựa chọn đúng đắn, mô hình sản xuất này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh.

Đi dọc tuyến đường từ ngã ba Ngọc Phô - Bình Chánh, đến tổ 2 thôn An Bình, cách Uỷ Ban nhân dân xã Bình Chánh khoảng 300 mét, sẽ bắt gặp ngôi nhà khang trang gắn với cơ sở sản xuất Bún phở khô Thành Mỹ. Chủ nhân cơ sở sản xuất là anh Huỳnh Văn Mỹ, hiện là Chi hội Phó Chi hội Cựu chiến binh thôn An Bình, xã Bình Chánh. 

  Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông mà lúa là loại cây chủ lực, anh Mỹ hiểu rất rõ lợi thế của việc phát triển nghề bún trên quê mình. Với anh, việc theo đuổi nghề bún truyền thống là lựa chọn đúng đắn, mô hình sản xuất này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh.        

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, năm 1987, anh về quê xây dựng gia đình, vợ chồng anh đã chọn làm nghề bún tươi kết hợp trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Nghề bún đã giúp gia đình anh có cuộc sống khá ổn định.

    Theo anh, để làm nên thương hiệu Bún Phở khô Thành Mỹ phải hội tụ được nhiều yếu tố. Trong đó, với anh, chủ trương của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhằm tạo cơ chế, tạo điều kiện để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư trong sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng.

  Năm 2008, thực hiện chủ trương của huyện, anh may mắn được tham gia đợt học tập kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất bún phở khô tại tỉnh Hà Tây. Trong quá trình tham quan học tập, anh nhận thấy cần phải xây dựng mô hình này trên quê hương. Nguyện vọng đó đã thôi thúc anh đi Hà Nội 2 đợt nữa để tiếp tục học tập thêm kinh nghiệm thực tiễn. Được UBND xã Bình Chánh đã hỗ trợ cho anh vốn vay và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hỗ trợ 10 triệu đồng để anh mua sắm thêm máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất. Nhờ đó, tháng 6 năm 2008 cơ sở sản xuất bún phở khô của anh chính thức đi vào hoạt động.

       Ban đầu, cơ sở đã gặp không ít khó khăn như nguồn vốn ít ỏi, việc mua sắm máy móc, thiết bị và nguyên liệu sản xuất chưa đầy đủ; kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế nên sản phẩm chưa đạt yêu cầu; nhiều nơi chưa quen dùng bún phở khô. Nhưng với lòng yêu nghề, niềm say mê lao động, ý chí quyết tâm, tính cần cù, siêng năng, chịu khó, anh Mỹ đã tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đã học tập vào sản xuất. Dần dần, công nghệ sản xuất đã cho ra sản phẩm bún trắng, dai, đảm bảo chất lượng. Từ đó, anh không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới và cải tiến công nghệ sản xuất để sản phẩm mỗi ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thế nhưng, trong anh vẫn canh cánh mối lo về thị trường tiêu thụ ổn định cho mặt hàng mới, đồng thời ấp ủ mãi mơ ước xây dựng một thương hiệu.

Thế rồi, chủ trương đúng đắn của UBND huyện Thăng Bình là nhịp cầu bền vững tạo nên sự kết nối. Sản phẩm bún, phở khô của anh được lần lượt có mặt tại các Hội chợ Thương mại - Du lịch tại Hội An, Hội chợ Xuân tỉnh Quảng Nam, năm 2008; Hội chợ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (2008-2012); Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại huyện (năm 2013) và các lần Hội chợ nhân tổ chức festival Quảng Nam, festival Huế,… Nhờ đó, “Bún phở khô Thạnh Mỹ”đến với mọi nhà một cách tự nhiên như một sự lựa chọn phù hợp cho mỗi gia đình. Bởi bún không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hợp khấu vị mà còn tiện lợi, dễ bảo quản! Đến nay, sản phẩm chiếm ưu thế ở nhiều thị trường trong và ngoại tỉnh.

          Tháng 8 năm 2013, anh đã mở lớp dạy nghề (3 tháng) cho lao động các xã Bình Trị, Bình Tú, Bình Đào, Bình Nguyên. Hiện nay, cơ sở hoạt động thường xuyên, mỗi ngày sản xuất từ 200 - 300 kg gạo tương đương với 250 - 295 kg bún phở khô; giải quyết cho 4 lao động, thu nhập bình quân đầu người từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng. Không chỉ thế, gia đình còn kết hợp chăn nuôi đàn heo thịt, heo nái và gia cầm. Qua thực tế, mô hình này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế; mỗi năm, thu nhập bình quân từ 100 - 120 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình anh được nâng lên, con cái có điều kiện để ăn học đến nơi đến chốn, trưởng thành và giúp ích cho xã hội.

          Hiện nay, tuy hệ thống máy móc và trang thiết bị tại cơ sở hiện nay đã khá đầy đủ, nhưng để phát triển, mở rộng mô hình sản xuất thì cần trang bị thêm một số máy móc như máy đùn bún, máy bỏ bột, máy sấy…Để có khối lượng bún phở khô đáp ứng tiêu thụ mỗi ngày từ 500 – 1.000 kg và đặc biệt giải quyết sự khan hiếm hàng trong mùa mưa, anh còn dự kiến mua một xe tải nhỏ trọng tải 1 tấn để đưa hàng đến các tỉnh xa hơn và có thể xuất khẩu hàng sang nước Lào. Đồng thời, sẽ kết hợp mở rộng chăn nuôi đàn heo thịt và nái lên từ 30 - 40 con để tăng thu nhập,…

Thiết nghĩ, nếu được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tạo động lực thúc đẩy lòng yêu nghề, kích thích sáng tạo lao động, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tạo cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất phát triển làng nghề truyền thống , anh Mỹ sẽ sớm thực hiện được mơ ước chính đáng của mình.

Tin tưởng rằng cơ sở sản xuất bún phở khô Thành Mỹ sẽ luôn là điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế gia đình từ sản phẩm làng nghề truyền thống cần được đầu tư nhân rộng; sự góp mặt của thương hiệu này trong cuộc hội nhập và phát triển kinh tế đất nước hôm nay sẽ góp thêm cơ hội để nhiều người tìm hiểu sâu hơn mảnh đất Thăng Bình vốn giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. 

Tác giả: Phan Thị Chính - Phó chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện

Nguồn tin: Từ Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031213274