Ở huyện Thăng Bình hiện nay, nghề làm hương đã phát triển ở nhiều địa phương như Bình Quý, Bình Phục, Bình Tú …. nhưng tập trung và phát triển nhất phải nói đến làng Hương ở Quán Hương, thị trấn Hà Lam, nơi nhiều hộ dân lấy nghề hương làm nghề chính mưu sinh của mình. Mặc dù làng nghề được hình thành cách đây hơn 200 năm, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhưng làng nghề ấy vẫn tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Là một trong những người thừa kế nghề truyền thống làm hương của cha ông và rất tâm huyết với nghề làm hương này, ông Võ Tấn Hiếu (tổ 11, thị trấn Hà Lam) luôn cố gắng phát huy và duy trì nghề truyền thống do cha ông để lại. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Hiếu đã đăng ký nhãn tên cho hương truyền thống của mình là hương “Tấn Hiếu” và đầu tư mua một máy xay để xay các loại bột quế, quỳnh đàm, tùng, trám, mai … đây là các loại hương vị làm cho cây hương được thơm hơn và một máy làm hương tự động. Một ngày cơ sở làm hương của ông Hiếu có thể sản xuất được 120 kg hương cung cấp ra thị trường. Ông Nguyến Tấn Hiếu cho biết: “Nghề này làm quanh năm nhưng người dân làm nhiều nhất là vào các tháng 11 và 12 âm lịch để phục vụ cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên Đán”.

Ảnh: Đường vào làng nghề Hương truyền thống Quán Hương. (Ảnh: T – M)
Để cho ra một cây hương tròn, đẹp những người thợ làm hương đã phải học hỏi kinh nghiệm từ các bậc cao niên ở trong làng, họ cũng đã tích luỹ kinh nghiệm từ các thế hệ trước và truyền lại cho con cháu mai sau. Với những người thợ làm hương ở Quán Hương, để có thể cho ra một sản phẩm tốt, người thợ thường rất chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên vật liệu, bao gồm: quế phải là loại quế ở Trà My nhưng để cho hương được thơm hơn phải dùng bột của vỏ cây quế; tiếp đến là các hương vị như quỳnh đàm, tùng, trám, mai … các hương vị này phải mua ở các tỉnh phía Bắc. Chu hương được mua ở Hà Nội thường được làm từ ruột tre Là Ngà chẻ nhỏ, nhưng phải phơi thật khô để khi đốt lên cây hương sẽ cháy đều và không bị tắt giữa chừng. Sau khi mua chu hương về, người thợ sẽ tiến hành công đoạn tạo màu cho chân của chu hương, thường là màu đỏ sẫm. Để có được màu sắc cho chân chu hương, người thợ sẽ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước sôi nóng, nước càng nóng thì màu chân chu hương càng tươi và giữ được lâu, nhúng chân chu hương qua một vài lần, sau đó đem phơi khô lại. Tiếp đến là chọn bột cưa, bột cưa phải chọn từ những cây gỗ xốp, mềm, thân tốt, không bị mối mọt, khô, ít hút nước. Để tạo độ kết dính cho hương, người thợ sử dụng một loại bột dẽo được làm từ vỏ cây Bời lời, một loại vỏ được lấy chủ yếu từ vùng rừng núi tỉnh Gia Lai.
Năm nay đã 92 tuổi nhưng cụ bà Nguyễn Thị Mẹo (tổ 11, thị trấn Hà Lam) vẫn nhớ tỷ mỷ về các quy trình làm và cho ra một sản phẩm hương truyền thống tốt nhất. Cụ Nguyễn Thị Mẹo cho biết: “Để làm ra một cây hương có chất lượng tốt thì các thành phần sẽ được trộn đều với nhau thường thì theo tỷ lệ 1/2 bột keo, 1/2 bột quế, quỳnh đàm, tùng, trám và 2 phần bột cưa; sau đó đem trộn với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ dẻo quánh là có thể bắt đầu công đoạn làm hương. Tuy nhiên, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các loại hương lại tùy thuộc vào bí quyết của từng người thợ. Thường thì người thợ sẽ pha chế các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền để tạo ra sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Sau công đoạn làm hương, hương thành phẩm sẽ được đem phơi nắng đến khi nào khô thì đóng gói và đem đi tiêu thụ”.
Trước đây, nghề làm hương truyền thống ở Quán Hương chủ yếu làm thủ công là nhúng hoặc se hương, đến năm 2009 chuyển từ nhúng hương sang dùng máy đạp, nhưng đến nay các phương pháp làm hương truyền thống đã được thay bằng những chiếc máy tự động, từ khâu trộn bột đến khâu làm hương; từ đó, hương cũng được sản suất ra nhiều hơn và cần ít lao động hơn. Nhờ vào nghề làm hương mà chị Dương Thị Kim Hoa (tổ 11, thị trấn Hà Lam), trước đây là hộ nghèo ở làng Quán Hương nhưng bây giờ chị cũng đã vươn lên thoát nghèo, chị Dương Thị Kim Hoa cho biết: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, chồng mất sớm nhưng nhờ vào nghề làm hương này mà tôi có điều kiện chăm lo cho hai đứa con ăn học đến nay đã tốt nghiệp Cao đẳng ra trường, có việc làm ổn định”. Không riêng gì gia đình chị Hoa mà ở Quán Hương đã có nhiều hộ nghèo như: hộ anh Phan Tiến Dũng, hộ chị Võ Thị Ánh Nguyệt, Lê Thị Quý … nhưng quyết tâm theo nghề đã vươn lên thoát nghèo, trong đó, có nhiều hộ đã giàu lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của làng hương Quán Hương từ 27% năm 2011 xuống còn 7,5% năm 2013.
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác tồn tại trên địa bàn huyện Thăng Bình, làng nghề hương truyền thống Quán Hương ở thị trấn Hà Lam cũng có giai đoạn đi xuống, trong làng chỉ còn có vài hộ sản xuất cầm chừng để duy trì làng nghề. Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống của UBND huyện Thăng Bình. Đặc biệt, tháng 10 năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận “Làng nghề Hương truyền thống Quán Hương” và đầu tư kinh phí xây dựng một nhà truyền thống, một cổng làng nghề và 1,2 km đường bê tông giao thông dẫn vào làng nghề. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã tổ chức các lớp tập huấn làm hương se, hương nhúng và tổ chức các chuyến tham quan học hỏi cách làm hương theo phương pháp mới ở Hà Tây - Hà Nội đã tạo khởi sắc cho làng Hương truyền thống Quán Hương. Hiện nay, ở làng nghề hương truyền thống Quán Hương cả 101 hộ đều làm hương với hơn 300 lao động. Để tăng sản lượng và chất lượng cho cây hương, hiện nay ở làng Hương truyền thống Quán Hương các hộ gia đình đã tự đầu tư trang bị được 45 máy làm hương tự động. Mỗi năm làng nghề sản xuất khoảng 800 tấn hương, bán ở khắp nơi trên cả nước; ngoài ra, mỗi năm, sản phẩm của làng hương Quán Hương còn được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện chọn để tham gia quảng bá trong ở các Hội chợ thương mại do tỉnh Quảng Nam tổ chức, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.
Để làng nghề Hương truyền thống Quán Hương phát triển trong thời gian đến, ông Đỗ Võ Bán – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Phòng sẽ tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất Hương ở làng Quán Hương có thể tham gia quảng bá sản phẩm Hương truyền thống ở các Hội chợ thương mại để tìm hướng đi mới cho làng nghề, giúp cho làng nghề có thể sản xuất và bán được nhiều hương hơn, góp phần tăng thu nhập cho người lao động./.