Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Nam - xã ven biển khó khăn của huyện Thăng Bình, điều kiện tự nhiên đất đai khô cằn nên việc phát triển cây nông nghiệp không được thuận lợi. Tận dụng lợi thế diện tích đất đồi rộng thuê của xã với 4.000 m2, ông Lê Duy Đức đã quyết định đầu tư trang trại chăn nuôi gà để phát triển kinh tế gia đình.
Cách đây 5 năm, phát hiện giống gà kiến thùng Minh Dư ở Bình Định cho giống khỏe mạnh, mau lớn ông đã đầu tư nuôi thử từ 700- 900 con gà thịt/lứa, sau một thời gian nuôi, dần dần thấy hiệu quả kinh tế cao cộng với có được kỹ thuật, ông Đức đã mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại nuôi gà. Hằng năm trang trại của ông nuôi khoảng 3 lứa gà với quy mô hàng nghìn con/lứa, có năm cao điểm ông nuôi được vài chục ngàn con. Đặc biệt với việc áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở trang trại của ông đã cho hiệu quả thấy rõ. Việc ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. Với phương thức chăn nuôi công nghiệp, trung bình 1.000 con gà ông sử dụng 3kg men đem ủ 2 ngày 3 đêm cộng với 12 kg cám để chế biến thức ăn với chi phí 2 triệu đồng/ngày. Chế phẩm men này phải được làm trước khi rắc từ 2 - 3 ngày. Để thực hiện đệm lót cho 80 m2 nền chuồng, trước hết, rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày 10cm rồi mới thả gà con vào. Riêng phần đệm lót, ông Đức chỉ tốn 750.000 đồng/80 m2, chỉ đầu tư 01 lần chi phí mua, rải trấu làm đệm chuồng, nhưng có thể sử dụng khoảng 3 tháng. Theo tính toán, trung bình sau khi trừ các khoản, 1.000 con gà thịt sẽ đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông nói: để làm kinh tế trang trại thành công, ngoài cái chung phải có ý chí làm giàu, dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ và kiên trì, người chăn nuôi cần phải có kỹ thuật, tích cực áp dụng khoa học công nghệ mới, có kinh nghiệm lựa chọn con giống, và quan trọng là kỹ thuật úm gà khi còn nhỏ và chú ý tiêm vắc xin theo đúng định kỳ. Chú trọng công tác tiêm phòng, trang trại của ông đã thuê dịch vụ thú y trọn gói với 6 lần nhỏ và tiêm phòng vắc xin cho một lứa nuôi, chi phí gần 1,7 triệu/1.000 con gà. Ông cho biết: Nuôi theo phương pháp sử dụng đệm lót sinh học này tỷ lệ gà sống đạt 98%. Theo ông Đức, trước đây việc chăm sóc đàn gà số lượng lớn của ông mất khá nhiều thời gian, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại để phòng chống dịch bệnh. Nhưng từ khi sử dụng đệm lót sinh học đã đem lại nhiều lợi ích thấy rõ, đó là giảm công lao động trong việc làm vệ sinh chuồng trại, khử được mùi hôi, chuồng trại sạch sẽ, cải thiện và làm sạch môi trường, mỗi tuần chỉ phun thuốc tiêu độc sát trùng và rắc vôi xung quanh để bảo vệ. Hiện nay, tổng đàn gà của ông khoảng 3.000 con, được hai tháng tuổi, khỏe mạnh, mau lớn hơn so với nuôi theo phương pháp cũ trước đây. Thông thường sau 3 tháng nuôi, gà đạt khoảng 1,7 kg/con, tùy theo giá cả thị trường nhưng trung bình ông bán với giá 65.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Từ mô hình chăn nuôi gà của ông Đức có thể khẳng định: việc áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh thái đã mang lại hiệu quả rõ rệt; không chỉ giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Với những lợi ích thiết thực như trên, mô hình chăn nuôi này cần được nhân rộng ra nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn. Ông Đức cho biết thêm, một kinh nghiệm nữa rất quan trọng để phòng tránh dịch bệnh cho gà ở trang trại của ông, đó là ngoài việc thực hiện tốt công tác tiêm phòng, thì công tác vệ sinh chuồng trại và luân phiên thay đổi vị trí chuồng nuôi đã giúp đàn gà của ông luôn khỏe mạnh, hạn chế tối đa dịch bệnh. Vì vậy, trang trại của ông không sử dụng hết diện tích để nuôi gà thường xuyên, mà ông khoanh vùng chia thành 9 chuồng nuôi với diện tích mỗi chuồng khoảng 80m2, tập trung nuôi vào thời điểm lễ, tết, sau khi xuất bán ông vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và nghỉ thời gian cho môi trường ổn định rồi mới nuôi tiếp. Thời gian rỗi đó, ông tranh thủ trồng sen trên diện tích 4ha ao mặt nước thuê của xã, mỗi năm cũng cho thu nhập thêm khoảng trên 100 triệu đồng.
Nền chuồng đệm lót sinh học tại trại gà ông Lê Duy Đức
Thành công trong chăn nuôi của trang trại ông Đức đã giúp ông trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả của xã Bình Nam. Theo ông, đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi khoa học kỹ thuật, tích luỹ kinh nghiệm, tích cực phòng trừ dịch bệnh và liên hệ đầu ra cho sản phẩm... là những yếu tố cơ bản quyết định thành công của hộ chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà thịt nói riêng. Nhờ phát triển chăn nuôi, vợ chồng ông Đức đã có điều kiện chăm sóc chu đáo hơn cho con cái. 3 người con của ông đều học hành đỗ đạt và công việc ổn định: người con gái lớn đang làm công tác Thống kê tại công ty May Hòa Thọ, còn người con trai thứ hai đã tốt nghiệp kỹ sư Điện Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đang công tác tại Đà Nẵng và người con trai út cũng vừa tốt nghiệp ra trường, hiện là giáo viên tại xã nhà. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Đức còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, và luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn, xóm tin yêu, quý trọng. Tấm gương vượt khó làm giàu của hộ ông Đức ở thôn Tịch Yên – xã Bình Nam đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, là một tấm gương nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phong trào thi đua phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo cho gia đình và xây dựng quê hương.