Thời gian qua, huyện Thăng Bình đã tập trung đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, triển khai thực hiện các dự án trọng điểm vùng Đông đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc các dự án đi vào hoạt động đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, làm thay đổi, tạo nên một diện mạo mới tại vùng Đông của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành dịch vụ. Công tác đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ cho các dự án được quan tâm cũng như đầu tư các tuyến giao thông kết nối ven biển với Quốc lộ 1A, với cao tốc, tạo thuận lợi cho giao thương, buôn bán đi lại của người dân, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Một số dự án lớn đã triển khai như tuyến đường bộ ven biển qua địa phận Thăng Bình, mở ra hướng đi mới cho vùng đất cát ven biển của huyện. Dự án du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An với quy mô 985ha, riêng diện tích dự án trên địa bàn Thăng Bình 196ha, với tổng mức đầu tư 4 tỷ USD đã và đang triển khai, dự kiến 10/2019 sẽ khánh thành đưa vào hoạt động sân golf, casino, chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng. Đặc biệt từ khi dự án Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động, khách trong và ngoài nước nườm nượp kéo đến tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng lân cận, các khu vực làng nghề, người dân xã Bình Dương và Bình Minh dần quen với nếp sống đô thị khi đường sá khang trang, khách sạn mọc lên, homestay cũng manh nha hình thành...; giải quyết hơn 1.400 lao động địa phương, cùng với đó là việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trên địa bàn huyện, nhất là các tuyến kết nối ven biển với Quốc lộ 1A, với cao tốc… Riêng ở Vinpearl Nam Hội An đã thu hút xấp xỉ 500 lao động địa phương vào làm việc với nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng. So với các nghề làm nông, đánh bắt hải sản ven bờ trước đây thì nguồn thu nhập đó là khá cao. Hạ tầng được đầu tư khang trang, các tiềm năng về du lịch ở xã Bình Dương như làng nghề sản xuất nước mắm Cửa Khe, biển Bình Dương, phát triển du lịch đường sông Trường Giang, du lịch sinh thái làng quê được đánh thức. Các dịch vụ nhà hàng ven biển, phục vụ nghỉ dưỡng cũng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân...
(Hạ tầng vùng Đông được đầu tư xây dựng khang trang)
Tuyến quốc lộ 14E nối trung tâm xã Bình Minh với thị trấn Hà Lam sau khi được nâng cấp, sửa chữa trở nên sôi động, nhộn nhịp hẳn lên. Ở thôn Hà Bình xã Bình Minh, một số khách sạn đã mọc lên thay thế cho các nhà nghỉ quy mô nhỏ. Du lịch ở Bình Minh đã chuyển biến khi khách đến tham quan, tắm biển tại các bãi biển kết hợp với khám phá đời sống của ngư dân, chiêm ngưỡng loại hình văn hóa hát múa bả trạo và nghỉ ngơi ở khách sạn. Hiện nay nhiều dự án lớn đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn xã Bình Minh như Khu phức hợp nghỉ dưỡng quốc tế An Thịnh - PPC, Làng biển nhiệt đới... đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển đô thị và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ, thương mại. Quy hoạch chung đô thị Bình Minh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã có chủ trương thống nhất của UBND tỉnh, kế hoạch đạt chuẩn đô thị loại V vào năm 2020.
Định hướng thời gian đến, vùng Đông Thăng Bình sẽ tiếp tục phát triển du lịch- dịch vụ, phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao (1.200ha); nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương: 278ha, Bình Sa: 160ha và các xã khác…Tiếp tục đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp và nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; tiếp tục quảng bá, kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển mạnh mẽ dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai và các sở, ngành của tỉnh, các nhà đầu tư triển khai có hiệu quả các dự án trọng điểm ở vùng Đông theo Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy, tạo điều kiện triển khai các dự án. Phối hợp thực hiện tốt Quyết định 1737 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu KTM Chu Lai về phía Thăng Bình khoảng gần 10.000ha...
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo tại Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 25-KH/HU của Huyện ủy, thời gian đến UBND huyện, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong kết luận và kế hoạch nêu trên, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung: Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vùng Đông để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các chủ trương về định hướng phát triển các nhóm dự án trọng điểm. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường quản lý chặt chẽ hiện trạng sự dụng đất theo Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 25-KH/HU của Huyện ủy. Đồng thời tăng cường công tác quản lý hiện trạng, trật tự xây dựng và đất đai trên địa bàn; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng, cơi nới, chuyển mục đích sử dụng đất, trồng cây trái phép trong vùng dự án. Tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi thu hút đầu tư. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chọn dự án bồi thường, giải tỏa, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư công nghiệp, đô thị, dịch vụ là dự án điểm về giải phóng mặt bằng phục vụ xúc tiến đầu tư. Tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Tập trung giải quyết tốt các thủ tục cho nhà đầu tư; nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tạo môi trường đầu tư chuyên nghiệp, thông thoáng. Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án sau cấp phép. Tăng cường phối hợp với BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai trong việc triển khai các dự án. Ngoài ra, tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng các khu tái định cư. Khảo sát quy hoạch và triển khai một số trục giao thông kết nối giữa vùng Đông và vùng Tây để tạo sự thuận lợi trong giao thông và phát triển lan tỏa. Một trong những nhiệm vụ trước mắt, đó là tập trung đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu. Chú trọng đào tạo lao động phục vụ các dự án vùng Đông Nam và nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nguồn lao động phục vụ tại Khu phức hợp nghĩ dưỡng Nam Hội An tại xã Bình Dương, lao động có tay nghề tại cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được. Ngoài ra, cần phải củng cố tổ chức, bộ máy chính quyền các cấp trong vùng dự án, nhất là chính quyền cấp cơ sở để đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương kết hợp với nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng Đông Nam./.