Chi tiết tin

A+ | A | A-

“Một cửa trong một cửa” để thu hút đầu tư

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 11:39 | 02/12/2014 Lượt xem: 1746

Như Báo Quảng Nam đã phản ánh, tăng cường đầu tư đúng mức, phát triển chiều sâu… là định hướng về phát triển công nghiệp của huyện Thăng Bình. Theo đó, nhiều giải pháp đã được bàn thảo và triển khai thực hiện.



Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là thế mạnh của Thăng Bình 


Rắc rối từ cơ chế

Thực hiện kế hoạch 5 năm (2006- 2010), trong cơ cấu kinh tế chung của địa phương, huyện Thăng Bình chú trọng phát triển ngành công nghiệp. Sau 5 năm phấn đấu thực hiện, công nghiệp của huyện đã đạt được kết quả tương đối khả quan với tốc độ tăng bình quân hàng năm là 31,95 %. Tuy nhiên, tiềm năng của huyện vẫn chưa được phát huy đúng mức. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, trong quá trình xúc tiến đầu tư đã nổi lên nhiều khó khăn, trong đó cơ bản nhất là công tác thỏa thuận địa điểm.

“Đây là thủ tục ban đầu trong công tác đầu tư. Bởi vậy, sau khi đi khảo sát chọn địa điểm thích hợp, nhà đầu tư mới cân nhắc quyết định đầu tư. Vấn đề là ở chỗ, đối với những vị trí ngoài cụm công nghiệp thì theo phân cấp quản lý đầu tư, dù nhỏ hay lớn cũng đều do các sở, ban, ngành của tỉnh kiểm tra xác định rồi mới đề nghị UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm. Trong khi đó, quy trình kiểm tra, thỏa thuận tốn quá nhiều thời gian; vì thế nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ kế hoạch đầu tư của mình mà ưu tiên sang hướng khác” - ông Ngữ cho biết.

Thủ tục ban đầu thỏa thuận địa điểm đã khó, công tác kiểm kê, áp giá, đề nghị phê duyệt dự án cũng khó theo. Cũng theo ông Ngữ, mức giá đền bù không ổn định mà luôn thay đổi theo hướng càng tăng lên, nếu cứ kéo dài thời gian kiểm tra thỏa thuận. Điều đó càng khó khăn hơn khi ngân sách của huyện còn eo hẹp, vì thế, vô hình trung đã gây khó trong công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, xác định giá đất đối với các diện tích nằm ngoài cụm công nghiệp cũng bất cập. 

Bởi, thông thường, hàng năm UBND các xã đều  tiến hành lập kế hoạch sử dụng đất. Nhưng khi nhà đầu tư khảo sát chọn địa điểm thì những địa điểm ấy thường là không nằm trong kế hoạch quy hoạch sử dụng đất công nghiệp. Vì vậy, để thực hiện công tác thỏa thuận địa điểm, kiểm kê áp giá bồi thường, UBND xã lại phải lập kế hoạch quy hoạch sử dụng đất bổ sung và phải chờ quyết định chuyển đổi diện tích đất trên sang đất dùng cho công nghiệp. Công việc này nảy sinh nhiều tốn kém làm ảnh hưởng xấu đến thu hút đầu tư.

Hướng mở... 

Thăng Bình là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng, đặc biệt là các ngành may mặc, chế biến vật liệu xây dựng và nông- lâm- thủy sản. Thế nhưng, đến nay, ngành công nghiệp ở địa phương chưa tạo được chuyển biến sâu rộng về kinh tế - xã hội. Bởi vậy, để tránh tình trạng nhiều nhà đầu tư đến khảo sát rồi lại quyết định… không đầu tư, huyện Thăng Bình đã chú trọng những giải pháp thích hợp. Yếu tố đầu tiên và được xem là “sợi chỉ đỏ” tạo nên sự xuyên suốt trong thu hút đầu tư của huyện là sự thông thoáng cho đầu tư. 

“Ưu tiên phát triển công nghiệp là định hướng cần thiết của huyện Thăng Bình. Bên cạnh việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng tốt để thu hút đầu tư, huyện cần có định hướng quy hoạch tổng thể phù hợp. Vì vậy, bên cạnh chú trọng quy hoạch ven biển, cần có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động dồi dào của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ vốn để huyện có thể làm tốt những quy hoạch tổng thể”.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Đinh Văn Thu)


“Để tránh tình trạng nhiều nhà đầu tư “lơ là” sau khi đã thống nhất địa điểm đầu tư với địa phương, huyện sẽ đề xuất với tỉnh cơ chế “một cửa trong một cửa” để tạo nên “cửa mở” thông thoáng trong đầu tư. Chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ lớn nhất không phải là tiền mà chủ yếu là hỗ trợ bằng cơ chế rõ ràng” - ông Ngữ khẳng định.

Một giải pháp khác mà ngành chức năng cũng đã định hướng đưa vào thực tế tại địa phương là “tạo mặt bằng sạch”. Ông Phạm Phú Hòe - Phó trưởng phòng Công thương huyện Thăng Bình cho biết: “Để khai thác tối đa tiềm lực kinh tế, đặc biệt là các ưu thế về nguồn lực như lao động và nguyên liệu chế biến vật liệu xây dựng…, huyện Thăng Bình chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng. Yếu tố cốt lõi này sẽ tạo đà chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế ưu tiên về công nghiệp của huyện”.

Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông, được xem là hướng ưu tiên trong thu hút đầu tư ở huyện Thăng Bình. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, để cải thiện hơn nữa về vấn đề này, sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh là rất cần thiết. 

Theo Báo Quảng Nam

Tác giả: ba

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031216683