Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hướng dẫn quy trình thu hút đầu tư

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 9:43 | 16/08/2014 Lượt xem: 833

Hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục đầu tư trên địa bàn huyện Thăng Bình

I. Mục đích, yêu cầu:

          - Nhằm công khai, minh bạch, giải quyết nhanh gọn thủ tục đầu tư liên quan đến trách nhiệm của UBND huyện cho các nhà đầu tư đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả việc thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn huyện;

          - Xây dựng một quy trình chung (thủ tục, biểu mẫu) của huyện khi tiếp nhận dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện, ngoại trừ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do nhà nước quản lý;

          - Nâng cao trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn ở huyện, UBND các xã, thị trấn trong việc phối hợp, giải quyết thủ tục đầu tư cho các tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện.

          II. Quy trình giải quyết thủ tục đầu tư:

          1. Chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án đầu tư.

  Khi nhận được thông tin của nhà đầu tư gửi đăng ký và đề nghị thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư vào huyện (theo mẫu) và kèm theo các thủ tục được quy định ở mục 2 dưới đây, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp  – thương mại, dịch vụ huyện tổ chức làm việc với nhà đầu tư, cung cấp các thông tin có liên quan đến dự án và các yêu cầu của nhà đầu tư; đồng thời, xem xét mục tiêu của dự án đầu tư có phù hợp với nhu cầu cần đầu tư của huyện, tham mưu UBND huyện văn bản đồng ý cho phép nghiên cứu dự án đầu tư hoặc không đồng ý. Thời gian trả lời nhà đầu tư tối đa sau 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đăng ký.

          2. Các thủ tục đăng ký đầu tư:

          Nhà đầu tư tiến hành lập và cung cấp các thủ tục sau:

          - Đơn đăng ký và đề nghị thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư (theo mẫu).

          - Quyết định thành lập doanh nghiệp (bản gốc hoặc bản phô tô có công chứng);

          - Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản gốc hoặc bản phô tô có công chứng);

          - Các văn bản chứng minh năng lực tài chính, đầu tư (bản gốc)

          - Báo cáo tóm tắt dự án đầu tư (bản gốc)

          - Nhu cầu sử dụng đất và cam kết thực hiện dự án (bản gốc)

          * Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các báo cáo trên.

         

          3. Thoả thuận địa điểm đầu tư:

          Khi UBND huyện có văn bản đồng ý cho phép nghiên cứu dự án, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp – TMDV huyện có trách nhiệm tham mưu UBND huyện lập thủ tục về thỏa thuận địa điểm theo đúng quy định:

          - Trường hợp địa điểm đầu tư nằm trong cụm công nghiệp: Trung tâm phát triển cụm công nghiệp – TMDV huyện lập Thông báo thoả thuận địa điểm trình UBND huyện phê duyệt đối với cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết; đối với cụm công nghiệp chưa được quy hoạch chi tiết thì tham mưu đề nghị Sở Xây dựng tỉnh và các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh thông báo thoả thuận địa điểm theo thẩm quyền.

          - Trường hợp địa điểm đầu tư nằm ngoài cụm công nghiệp: Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ trì, phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan kiểm tra, lập tờ trình và các hồ sơ liên quan, đề nghị Sở Xây dựng tỉnh và các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh thông báo thoả thuận địa điểm theo thẩm quyền.

          4. Cấp giấy chứng nhận đầu tư:

          Sau khi nhận Thông báo thoả thuận địa điểm đầu tư (nêu ở mục 3):

          - Trường hợp những dự án yêu cầu phải có giấy phép khai thác mỏ, vùng nguyên liệu …. nhà đầu tư tiến hành lập các thủ tục xin phép khai thác trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

          Ngoài trường hợp trên, nhà đầu tư hoàn chỉnh dự án, các hồ sơ đầu tư (nêu ở bước 2 và thông báo thoả thuận địa điểm); đồng thời làm đơn xin cấp giấy chứng nhận đầu tư nộp về Sở Kế hoạch đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh ra quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư.

          - Bản đăng ký/đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư – theo Phụ lục I-4 và hướng dẫn cách ghi các mẫu văn bản và các hồ sơ kèm theo được hướng dẫn tại Phụ lục IV.1 của Quyết định 1088/2006/QĐ-BKH ngày 21/9/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam.

  - Nhà đầu tư không phải đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định pháp luật (Theo Điều 42, Mục II, Chương 5 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ).

          5. Nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư:

          Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cho phép triển khai dự án đầu tư, nhà đầu tư tiến hành triển khai các nội dung công việc và đảm bảo tiến độ theo yêu cầu trong Giấy chứng nhận đầu tư; đồng thời làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh và huyện để hoàn tất các thủ tục triển khai đầu tư và các điều kiện khởi công dự án như sau:

          - Ký quỹ đầu tư theo định mức: 01ha ký cược 50 triệu đồng (đối với dự án đầu tư vào các xã vùng Trung và Vùng Đông), 20triệu đồng/ha (đối với đầu tư vào các xã vùng Tây) vào tài khoản tiền gửi số 010110000026606 tại Ngân hàng Phương Đông, chi nhánh Quảng Nam của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam được tính lãi tiền gửi cho doanh nghiệp.

          - UBND huyện tiến hành bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

          - Nhà đầu tư thuê tư vấn lập quy hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép xây dựng nếu dự án nằm ngoài cụm công nghiệp.

          - Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; và Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; đồng thời xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, trình cơ quan chức năng phê duyệt theo thẩm quyền.

          - Nhà đầu tư thuê đơn vị có chức năng lập phương án bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng, phuơng án san lấp mặt bằng trình UBND huyện phê duyệt (trong trường hợp UBND huyện chưa được giải phóng mặt bằng).

- Nhà đầu tư làm việc với Trung tâm phát triển cụm công nghiệp - TMDV hướng dẫn lập thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt.

6. Thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án: ngoại trừ các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được UBND tỉnh đồng ý tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện, UBND tỉnh sẽ quyết định chấm dứt hoạt động của dự án trong các trường hợp dưới đây:

          - Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật mà theo đó pháp luật quy định phải chấm dứt hoạt động.

          - Không hoàn tất thủ tục triển khai dự án đầu tư.

          - Trong trường hợp quá thời hạn quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư không triển khai hoặc triển khai các hạng mục không theo tiến độ mà không có lý do chính đáng.

          Khi dự án đầu tư bị thu hồi, chấm dứt hoạt động trong các trường hợp nêu trên thì số tiền ký quỹ đầu tư của các dự án được sung vào Ngân sách nhà nước.

          7. Triển khai thực hiện và chế độ báo cáo:

          - Các cơ quan và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; hướng dẫn cụ thể, kịp thời xử lý các vướng mắc và giải quyết nhanh gọn các thủ tục có liên quan cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu triển khai thực hiện dự án.

          - Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp - TMDV huyện là cơ quan chịu trách nhiệm trước UBND huyện, tổng hợp tình hình thực hiện của các dự án đầu tư theo chủ trương đầu tư đã phê duyệt theo thẩm quyền được giao; báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm cho UBND huyện, Ban chỉ đạo phát triển Công nghiệp – TMDV – Du lịch để kịp thời chỉ đạo xử lý các vướng mắc phát sinh nhằm cải thiện tốt môi trường đầu tư trên địa bàn huyện.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước có trách nhiệm tham mưu UBND huyện thực hiện chức năng quản lý về phát triển Công nghiệp – Thương mại và Dịch vụ trên địa bàn huyện.

Tác giả: Trung tâm phát triển Cụm CN-TM-DV

Nguồn tin: Trung tâm phát triển Cụm CN-TM-DV

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031216377