Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, đất đai thổ nhưỡng bạc màu, diện tích canh tác đa phần là cát trắng, trong khi đó sản xuất của người dân chủ yếu dựa vào yếu tố thời tiết. Với truyền thống cách mạng của quê hương đất nước, trong lúc Đảng cần, dân muốn, năm 1980 ông Mai Văn Lâm đã hăng hái lên đường tòng quân nhập ngũ vào Sư đoàn 307 Quân khu 5 tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của quân Pôn Pốt Iêng xa ri, sau đó bị thương và được xuất ngũ về địa phương.
Sau khi rời quân ngũ trở về với đời thường, mặc dù mang trong mình thương tật, nhưng ông Lâm luôn tự nhủ làm sao thể hiện thương binh tàn nhưng không phế theo lời Bác Hồ căn dặn. Đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trong lúc quê hương còn đang nghèo, kinh tế gia đình khó khăn, ông luôn trăn trở làm sao để thoát cảnh đói nghèo đeo đuổi bao đời nay. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ và trao đổi bàn bạc với vợ con, với sự nỗ lực cố gắng, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt qua khiếm khuyết của bản thân, ông đã lặn lội đi tìm tòi, học hỏi các mô hình làm kinh tế hiệu quả để tìm hướng đi trong phát triển kinh tế của gia đình mình, cố gắng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Sau khi nghiên cứu các mô hình kinh tế thực tiễn địa phương và qua tìm tòi học hỏi sách báo, cùng với việc tích lũy kinh nghiệm qua việc tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi do Hội và địa phương tổ chức. Đặc biệt, tranh thủ được nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội mà Hội đang quản lý cũng như góp vốn quay vòng hay vay mượn của anh em đồng đội, ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống giếng đóng tưới bằng mô tơ để phục vụ cho việc sản xuất canh tác trái vụ gồm 5.000m cây nén, kiệu, 2.000m cây môn hương, 2.000m cây cà chua, 1.000m trồng ớt, 1.600m trồng lúa nước. Bên cạnh đó còn tranh thủ nuôi thêm 5 con bò lai sind và heo, gà, vịt… Ông cho biết, từ việc sản xuất và chăn nuôi hằng năm đã đem lại thu nhập cao cho gia đình, sau khi trừ hết các khoản chi phí còn lãi trên trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đi lại, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Không ngừng phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông Lâm luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, gương mẫu trong các phong trào ở địa phương, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia đóng góp xây dựng tổ chức cơ sở hội và địa phương. Ngoài ra bản thân ông còn tích cực giúp đỡ anh em hội viên cựu chiến binh gặp khó khăn trong cuộc sống như cho vay mượn vốn để đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, hướng dẫn cách làm...
Khi hỏi về kinh nghiệm trong thành công với mô hình phát triển kinh tế gia đình, ông Lâm chia sẻ: “Là một người lính được tôi luyện trong khó khăn, gian khổ vẫn không lùi bước nên sau khi rời quân ngũ, về lao động sản xuất ở địa phương trước hết phải có ý chí, nghị lực và quyết tâm, kiên trì, chịu khó, biết phát huy lợi thế để đạt hiệu quả. Luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và biết linh hoạt ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Tranh thủ nguồn vốn vay mượn của bà con, bạn bè, đồng đội, đặc biệt là nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển. Đồng thời, phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường để định hướng cho việc sản xuất và chăn nuôi”.

(Ảnh: Diện tích trồng kiệu của cựu chiến binh Mai Văn Lâm tại thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục)
Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu, cựu chiến binh Mai Văn Lâm là một tấm gương sáng về tinh thần vượt lên hoàn cảnh. Ông nhiều lần được chính quyền, đoàn thể địa phương biểu dương, khen thưởng, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi và được tuyên dương khen thưởng tại Đại hội thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” lần thứ VI, giai đoạn 2014-2019, luôn nêu gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Nhận xét về cựu chiến binh Mai Văn Lâm, ông Nguyễn Sơn- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Phục cho biết: cựu chiến binh Mai Văn Lâm là người rất cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, có tư duy nhạy bén, biết phát huy khả năng của mình trong việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với điều kiện của địa phương, có quyết tâm cao và mạnh dạn đầu tư đúng thời điểm, vì vậy mô hình sản xuất và chăn nuôi của ông Lâm ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất ở địa phương, ông Lâm còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn phát triển kinh tế, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, bà con có hoàn cảnh khó khăn, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa đáng tin cậy của các cấp ủy đảng, chính quyền và thể hiện trọn vẹn nghĩa tình đồng đội.