Đã mấy ngày trôi qua nhưng anh Dương Văn Vấn (thôn 1, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) vẫn không khỏi vui mừng khi tìm lại được ví tiền của mình. Anh Vấn kể, vào khoảng 2h chiều 10/8 vừa qua, trên đoạn đường từ ngã Tư Hà Lam đến tổ 6, thị trấn Hà Lam, không may ví tiền của anh bị rơi. Ngoài giấy tờ quan trọng như CMND, cà vẹt xe còn có số tiền 5 triệu đồng. Tiền của mình mất thì không nói làm gì, trong khi đây là toàn bộ số tiền anh nhận thay cho cô ruột mình từ tiền trợ cấp thương binh. Khi đến nhà cô, anh mới tá hỏa phát hiện ví bị rơi. Anh lặng lẽ di chuyển nhiều lần trên đoạn đường mình đã đi qua để mong tìm lại ví. Hơn 1 giờ đồng hồ tìm kiếm, mọi thứ đều vô vọng. Khi đó, anh từng nghĩ sẽ phải đền lại số tiền làm mất, còn phải bỏ khoảng thời gian để làm lại giấy tờ. Tuy nhiên, lúc này anh cũng thử ghé vào Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện Thăng Bình để đăng thông báo tìm giấy tờ. Thật bất ngờ, khi anh vừa nhắc tên của mình thì nhận được thông tin đã có một cụ ông đến đăng thông báo tìm chủ nhân của ví tiền và hoàn toàn trùng khớp với tên, địa chỉ của anh. “Nghe tin vậy, tôi vui lắm. Tôi xin lại tờ thông báo để liên lạc với người nhặt được ví. Ai ngờ, người nhặt được là cụ ông cũng ở gần Đài nên tôi đến nhận lại giấy tờ luôn trong ngày bị mất. Cái số mất tiền, ai ngờ lại quá may mắn. Khi nhận được tiền và giấy tờ, tôi ngỏ ý biếu 2 ông bà ít tiền để tỏ lòng cảm ơn nhưng 2 người nhất quyết từ chối”- anh Vấn kể.

Nguồn thu chính của vợ chồng bà Trần Thị Hiền đều nhờ vào cửa hàng bán mũ bảo hiểm
Ông Đích nhớ lại, hôm đó, khi 2 vợ chồng đang ngồi ở nhà nhìn ra đường thì chợt thấy một cái ví màu đen nằm trên mặt đường. Nghĩ có người đánh rơi, ông ra nhặt. Khi mở ra thấy trong đó có giấy tờ tùy thân và tiền mặt, ông mang vào nhà. Ông nghĩ để ở cửa hàng nếu có người tìm thì cho lại. Nhưng do lúc ấy cuối tuần, ông bà tranh thủ đóng cửa hàng sớm để ra Đà Nẵng thăm con cái. Do vậy, ông vội đến Đài TT- TH huyện Thăng Bình để thông báo tìm chủ nhân. Không riêng gì anh Vấn mà nhiều người khác đã nhận lại được của rơi nhờ nghĩa cử cao đẹp của 2 vợ chồng già này. Bà Hiền vẫn còn nhớ như in, chuyện cách đây hơn 1 năm, có người phụ nữ mới vừa ở tiệm vàng Khải Hoàng ra thì đánh rơi hộp vàng. Nhìn thấy hộp rơi, nằm chỏng chơ trên đường, bà Hiền nhặt và khi lắc lắc hộp nghe âm thanh phát ra thì bà đoán chắc trong đó có vàng nên mang vào nhà. Lát sau, khi thấy có người phụ nữ cứ đi đi lại lại trên đoạn đường trước nhà để tìm kiếm thì bà Hiền bắt chuyện, khi biết được cô ấy mất vàng, bà Hiền đã gửi trả lại. Lần khác, khi có người đến mua mũ bảo hiểm ở cửa hàng nhà bà, không may để quên ví tiền trên sạp hàng. Bà Hiền đã dùng bì bóng gói cẩn thận ví ấy lại và giữ cẩn thận bởi bà nghĩ họ sẽ quay lại tìm. Khi cô gái ấy quay lại miêu tả đúng hình dáng của ví, bà trả lại trong niềm vui không nguôi của chủ nhân. “Nhà tôi bán mũ bảo hiểm nên 2 vợ chồng cứ thế ngồi ở trước này nhìn ra, cứ thấy cái gì rơi là lại nhặt và mang cất. Nếu họ không quay lại tìm thì chúng tôi thông báo trên Đài Truyền thanh huyện, thế nào họ cũng sẽ nghe được.”- bà Hiền cho hay. Khi được hỏi vì sao lại không ngại ngần trả lại của rơi, trong khi đó, có những lần số tiền nhặt được khá lớn. Bà Hiền nói ngay, cứ mở ra mà thấy nhiều tờ 500 nghìn hay tiền USD trong đó là vợ chồng tôi không dám đếm, cứ vậy gói kỹ rồi trả lại cho người đánh rơi. Nhiều năm nay, thu nhập của 2 vợ chồng đã luống tuổi này dựa cả vào sạp bán mũ bảo hiểm. Có khi khách mua nhiều thì cũng đủ trang trải chi tiêu hàng ngày, những ngày thiếu thì dựa vào con cái. “Thiếu thì cũng thiếu rồi. Kẻ ăn người khóc, với lại không phải tiền của mình thì giữ làm của riêng làm gì.”- bà Hiền nói thêm.
Còn ông Đích, ông vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lo lắng, xót của, đau lòng của ông cách đây 10 năm khi đánh rơi ví. Sau đó, ông nhận lại được giấy tờ nhưng số tiền lương của 1 tháng vất vả làm thợ mộc của ông đã không cánh mà bay. Chính vì thế mà ông luôn tự dặn mình, dặn vợ và con cháu, không nên tham của rơi. Ông Đích nói. “Cái gì của mình là của mình, không phải là của mình mà lấy thì tâm không thanh thản. Thấy thì nhặt, không làm ngơ. Mà đã nhặt thì trả lại cho người mất. Thế thôi, không mong được trả ơn hay đền đáp gì.” Bởi, nhìn thấy niềm vui của người nhận, đó là hạnh phúc của ông bà./.