Tuy chưa quen biết nhau nhưng anh tỏ ra niềm nở, hớn hở “tay bắt, mặt mừng” mang dáng vẻ của một nông dân chất phát, mến khách. Bắt chuyện với tôi trong ngôi nhà cấp 4, giữa vùng núi heo hút bóng người từ tốn anh bộc bạch “Nói thiệt với anh là em sinh năm Mậu Thân (1968) trong một gia đình nghèo ở vùng quê này, không biết có số phận gì hay không nhưng cuộc đời của em vất vả, gian truân, lận đận vô cùng cho đến nay đã có tới 13 lần làm nhà, hỏi anh có ai nhiều hơn không vậy?”. Thật sự mới nghe tôi như cảm nhận được những đắng cay, khắc nghiệt của anh đã nếm trải thế nào. Bộc bạch câu chuyện về cuộc đời mình, anh Tính vừa như xót xa muốn tự thuật lại quảng thời gian nhọc nhằn, vất vả mưu sinh “nay đây, mai đó” của mình, anh cho biết khi vợ chồng cưới nhau chẳng có vàng bạc, vốn luyến gì cả ngoài 4 bàn tay trắng, cố gắng bươn chãi làm ăn vất vưởng qua ngày và cảnh túng thiếu, đói rét cứ bám víu triền miên. Năm 1989, khi đứa con đầu lòng ra đời chưa đầy một tuổi vợ chồng anh quyết định tạm gác lại rẫy nương, quê hương để lên đường tìm đến vùng đất đỏ Tây Nguyên làm ăn, kiếm sống. Với tinh thần vươn lên, ý chí vượt khó, giàu nghị lực của thời trai trẻ anh đã đặt chân đến nhiều nơi tại đất khách quê người như: Đắc Lắc, Đắc Nông, Eleo, E Súp, Buôn Hồ… và làm đủ nghề để mong có được nguồn tài chính nhằm thay đổi cuộc đời. Thời gian cứ mãi trôi, cuộc sống lầm lũi, vất vả của anh vẫn cứ thầm lặng tiếp diễn song chẳng có gì triển vọng, khấm khá “cái nghèo” vẫn đeo theo mãi.
Và rồi một ngày tháng 7 năm 1994 vợ chồng anh lại quyết định tạm xa vùng Cao Nguyên đất đỏ về lại vùng bán địa, sơn lâm Cao Ngạn, Bình Lãnh nơi chôn nhau cắt rốn của mình để mong làm lại từ đầu. Anh cho biết thời gian đầu về lại sau bao năm xa cách mọi thứ trở nên ngỗn ngang, nhà cửa đổ nát hoang tàn, cây cối mọc um tùm, cảnh tượng đìu hiu cô quạnh chỉ có tiếng chim hót và tiếng nước chảy rì rào từ dưới khe lồ ô vọng liên hồi. Vậy là anh bắt tay vào việc dựng lại ngôi nhà tạm, vách lá, lợp tôn đơn sơ để gia đình tá túc qua ngày. Bao chua xót đói khổ, thất bại của một thời đã qua vẫn hiện hữu, ám ảnh chập chờn song anh vẫn quyết chí vững tin vào ngày mai tươi sáng. Nhờ tố chất siêng năng giàu nghị lực, với tay cuốc, tay rựa ngày qua ngày trần trụi, chai lì anh đã chinh phục dần khu rừng này để thực hiện ước mơ có được một trang trại cho riêng mình. Được biết lúc đó anh là người đầu tiên bỏ công khai phá, mở mang khu vực rừng núi, vắng vẻ này. Thế rồi không uổng phí công sức, năm 2000 anh Tính được UBND huyện Thăng Bình, cấp quyết định cho phép xây dựng trang trại với mô hình tổng hợp (trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi). Đây cũng là thời điểm tạo bước ngoặc mới trong cuộc đời để người hội viên nông dân này tự tin vươn lên thoát khỏi đói nghèo, cơ cực bấy lâu. Ban đầu anh vay mượn đầu tư trồng keo, chuối…và làm chuồng trại nuôi gà thịt để có nguồn thu ngắn hạn để lo cái ăn, cái mặc và giải quyết khó khăn cho gia đình. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” hằng năm số tiền tích góp lại được anh lại tiếp tục đầu tư, mở rộng chăn nuôi. Thế rồi, mọi dự tính của anh đều tan biến khi cơn bão sangsen năm 2006 đổ bộ vào đã cuốn theo tất cả rừng keo, đàn gà sắp thu hoạch của gia đình. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn “tay trắng lại hoàn trắng tay” với người nông dân chân trần, chất phát vùng sơn lâm này. Sóng gió cuộc đời, thất bại là thế song với con người giàu nghị lực anh nói “Lúc đó vợ con cứ còm ròm, than vãn tiếc của mãi, không muốn làm gì nữa, nhưng em vẫn quyết chí thua keo này thì bày keo khác cho đến cùng”. Thế rồi qua tìm hiểu thông tin, tham quan học tập nhiều nơi anh quyết định vay mượn tiền để đầu tư nuôi dê. Anh cho biết lúc ban đầu nguồn thức ăn tương đối dồi dào nên đàn dê phát triển mạnh, nguồn thu nhập từ chăn nuôi củng có tiền trang trải chi phí cuộc sống của gia đình qua ngày. Được thời gian sau đó đất đai ở đây bà con nông dân khai phá trồng keo, trồng nghệ, chuối…lấn chiếm dần diện tích, điều kiện nguồn thức ăn gặp khó khăn, cùng với giá cả đầu ra không ổn định, cuối cùng gia đình anh phải đành lòng bán đứng đàn dê hơn 40 con. Mọi niềm tin tươi sáng, tốt đẹp từ đàn dê bổng vụt tan biến và khiến người nông dân này phải suy nghĩ lại. Vậy là anh quyết định tạm gác lại chuyện làm kinh tế trang trại một thời gian, rẻ sang một công việc hoàn toàn khác là mua máy rà sắt thép. Hằng ngày với chiếc xe đạp “cà tàng” và chiếc máy rà anh dong ruỗi khắp nơi từ núi Rướng đến Hiệp Đức, Phước Sơn để tìm phế liệu. Đây cũng là nhân duyên để anh có điều kiện gầy dựng lại sản nghiệp cho đến hôm nay. Anh nói “nhờ số tiền kiếm được từ bán phế liệu mỗi ngày đủ lo cái ăn, cái mặc cho gia đình và con cái học hành, anh còn tích góp lại mua heo giống, bò gống về cho vợ nuôi để sinh sản kiếm lời”. Đàn vật nuôi của gia đình anh cứ thế ngày càng sinh sôi, nảy nở nhân lên mỗi năm một nhiều. Những năm qua có lúc riêng đàn trâu, bò đã lên đến 20 con, số tiền thu được từ chăn nuôi trung bình mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Đối với cây lâm nghiệp hơn 4ha trồng keo lai thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra chị Nguyễn Thị Tặng vợ anh Tính hằng ngày thu mua hàng nông sản của bà con nông dân tại Cao Ngạn chuyển lên chợ Việt An, Hiệp Đức bán, rồi mua các mặt hàng nhu yếu phẩm về bán tại thôn nhà, mỗi ngày thu lời hơn vài trăm ngàn đồng.
Nhờ có lòng yêu quê hương và giàu nghị lực vượt khó vươn lên mà hội viên nông dân Lê Văn Tính đã gạt bỏ đói nghèo dai dẳng của một quảng thời gian dài trong đời lại phía sau. Giờ đây anh trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, tại vùng đất Cao Ngạn thành đồng trong thời chiến tranh oanh liệt năm xưa. Gia đình anh nay đã xây dựng được 2 ngôi nhà cấp 4 đàng hoàng, có đủ các tiện nghi cần thiết và còn có cả ô tô tải để vận chuyển hàng hóa, chạy dịch vụ…và một trang trại đang ngày một đổi thay, phát triển với tổng khối tài sản anh sở hữu hiện nay lên đến hàng tỷ đồng. Song ở đây cái đáng trân trọng để nêu gương học tập ở hội viên nông dân này là tính cần cù vượt khó, bền bĩ, kiên trì và giàu nghị lực sau bao nhiêu lần biến động đổ ngã, thất bại thế rồi vẫn vực dậy đi đến thành công.
Được biết ngoài là một hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có tiếng, anh còn tham gia công tác xã hội, với vai trò được giao là thôn phó vừa thôn đội trưởng, song cả hai nhiệm vụ hằng năm đều hoàn thành tốt được UBND, HND xã Bình Lãnh khen thưởng, đánh giá cao. Trước lúc chia tay với tôi anh cho biết “em vẫn cảm thấy chưa có gì thỏa mãn, bằng lòng dừng lại ở đây cả, em mong tiếp tục nhận được các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như các cấp, các ngành về kinh tế trang trại nhất là nguồn vốn vay ưu đãi để gia đình có điều kiện đầu tư thêm các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây để làm giàu thực sự tại mảnh đất quê hương mình”. Thực tế hiện nay, trang trại của anh đang có thêm 200 chuối tiêu đang lên xanh mơn mởn, trong đó một số sắp bắt đầu đơm hoa, kết trái và hằng trăm cây cau, tương lai sẽ làm đẹp cho trang trại và đó là những nguồn thu không nhỏ trong thời gian tới. Với tinh thần cần cù, vượt khó, năng động trong cách làm kinh tế và tố chất, bản lĩnh giàu nghị lực như anh Tính, tin rằng một ngày không xa trang trại này sẽ phát triển với bao đổi thay, kỳ dịu bất ngờ được nhiều người biết đến người nông dân vùng “sơn lâm” này./.