Có nhiều cách hiểu khác nhau về đạo đức, có thể hiểu theo nghĩa chung nhất: Đạo đức là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Vận dụng hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực vào trong mỗi nghề nghiệp cụ thể, đạo đức nghề nghiệp được hình thành. Do vậy, đạo đức nghề nghiệp là hệ thống những quy tắc, chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ nghề nghiệp. Mỗi nghề nghiệp do con người chọn lựa hoặc được xã hội phân công đều có những đặc điểm riêng, xuất phát từ đặc điểm ấy, qua thực tiễn, xã hội đặt ra những yêu cầu cụ thể về đạo đức nghề nghiệp trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đạo đức nghề nghiệp có vai trò xã hội to lớn. Trong quá trình xây dựng đạo đức mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, mỗi thành viên cần xác định rằng sự yêu nghề, chân thành giữ chữ tín, làm việc hợp đạo lý, có hiệu quả, năng suất cao nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc ngày càng tốt hơn, nhiều hơn… là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, linh hồn của đạo đức nghề nghiệp là tinh thần tận tuỵ phục vụ nhân dân, sự trung thành với Tổ quốc. Vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời kỳ cách mạng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chúng ta đều biết, việc rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trở thành vấn đề quan trọng và thường xuyên, quan hệ trực tiếp đến chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng, đến thành công của công cuộc đổi mới. Mặt khác, cơ quan nhà nước là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, là nơi dễ xảy ra quan liêu, tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề xây dựng những chuẩn mực trong thực thi công vụ, cũng như xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức là vô cùng quan trọng và cấp bách. Trong Kế hoạch số 51-KH/HU, ngày 5/4/2017 thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm: sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá thực hiện, hoàn thành trong quý II/2017. Trong hội nghị triển khai chuyên đề năm 2017, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng và bổ sung quy định chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Hồ Chí Minh phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị theo phương châm: Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đánh giá.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ. Trên cơ sở quy định đó từng cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch cá nhân của bản thân, cuối năm tự nhận xét mặt ưu, khuyết điểm và hướng khắc phục. Đây được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng đối với cán bộ, đảng viên hằng năm. Trong quy định chuẩn mực đạo đức của các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa một số nội dung chính như rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong công tác, gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, công tác cải cách thủ tục hành chính; chi tiêu nội bộ, công tác tiếp dân… Qua việc thực hiện nhiệm vụ được giao, chi bộ và cơ quan theo dõi việc triển khai thực hiện, cuối năm tiến hành tổng kết và đánh giá, xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức theo các tiêu chuẩn đã được cam kết để phân loại, đánh giá.
Có thể nói, việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức một cách nghiêm túc đã tạo được sự chuyển biến cơ bản, quan trọng về nhận thức của cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị theo tấm gương của Bác, qua đó sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thể hiện được tinh thần đi đầu, gương mẫu thực hiện, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, từ đó tác động làm chuyển biến về hành động, nâng cao trách nhiệm, ý thức rèn luyện, cải tiến lề lối làm việc, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong mỗi cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực, vi phạm kỷ luật, đạo đức, lối sống, mất đoàn kết, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tóm lại, việc xây dựng và thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ không những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Việc xây dựng và thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Thăng Bình hiện nay sẽ tạo sự chuyển biến tích cực để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn là tấm gương về tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong phong cách phục vụ nhân dân, để có sức cảm hóa, giáo dục và lan tỏa những giá trị nhân văn trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào cuộc sống, góp phần xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng niềm tin yêu của nhân dân toàn huyện.