Đặc biệt, năm 2017 dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, sự triển khai hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. HND huyện đã đăng ký với Huyện ủy 2 mô hình cụ thể về học tập và làm theo Bác đó là “Tăng cộng – Giảm trừ” và “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng đến việc làm cụ thể”. Đây là 2 mô hình vừa biểu thị tinh thần quyết tâm cao nhất của toàn các cấp Hội để cộng điểm tăng bậc thi đua trong năm 2017, vừa thể hiện tình cảm trách nhiệm, giảm hành chính hóa, sâu sát cơ sở hướng đến những việc làm cụ thể đồng hành, chăm lo, bảo vệ nông dân. Nhờ có kế hoạch cụ thể cùng các giải pháp phù hợp kèm theo, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua nhiều hình thức đa dạng khác nhau nên sau một năm đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Đáng kể với nhiều việc làm, nhiều chương trình thiết thực như: Chương trình trao cho nông dân “cần câu” hướng dẫn cách làm ăn thay vì cho “con cá” như trước đây, HND huyện đã cho khảo sát nắm bắt nhu cầu cụ thể, thực tế với điều kiện từng vùng, địa phương và nhóm đối tượng để có kế hoạch đào tạo nghề cho hợp lý. Sau đó nhờ làm tốt công tác phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng, Trường Cao đẳng lương thực, thực phẩm Đà Nẵng, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam mở tổng cộng 8 lớp nghề cho 269 học viên là nông dân. Với phương châm “ở đâu nông dân cần nghề gì cho học nghề đó” nên các lớp nghề cho nông dân học là nhu cầu hết sức thiết thực như: Trồng lúa năng suất cao; trồng tiêu; nuôi cá nước ngọt, chế biến rau củ quả, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi… Qua các lớp nghề trên học viên là những nông dân này được trang bị, cung cấp những kiến thức cơ bản về khoa học, kỹ thuật cần thiết để áp dụng trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến… phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo cho mỗi gia đình. Đây cũng là cách làm từng bước giúp cho nông dân thay đổi tư duy, nhận thức của mình về tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trở của Nhà nước lâu nay.
Với chương trình trao phương tiện, vật nuôi, giúp sinh kế cho hội viên nông dân nghèo, khó khăn được Hội quan tâm triển khai. Qua khảo sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của từng hộ, nhất là những thứ mà hội viên nông dân cần, nông dân đồng ý lựa chọn. Do đó, HND huyện quyết định chương trình trao con giống và ngư lưới cụ cho nông dân năm 2017. Đồng thời xác định nguồn lực chính là vận động cán bộ, hội viên nông dân và bằng mọi cách tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài. Trong đó nhờ linh động tìm hiểu quan hệ được với Quỹ Thiện tâm thuộc tập đoàn Vingroup sẵn lòng ủng hộ giúp đỡ nông dân Thăng Bình với việc trao tặng 150 con bê giống sinh sản cho 150 hộ gia đình nông dân nghèo, cận nghèo với tổng giá trị 2,5 tỷ đồng. Riêng đối với nguồn vận động tại chỗ về “đồng tiền tương trợ” trong cán bộ, hội viên nông dân được hơn 88 triệu đồng. HND huyện đã trao tặng 4 con bê giống, 10 con heo giống và trao ngư lưới cụ cho 4 hộ nông dân nghèo ven biển. Những việc làm ý nghĩa này đã giúp cho nhiều hộ gia đình nông dân nghèo có được điều kiện, sinh kế để làm ăn, phát triển kinh tế thoát nghèo trong tương lai.
Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, HND huyện đã tiến hành phát động chương trình “Tiếp sức con em nông dân nghèo đến trường” và đã được một số công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ. Kết quả năm 2017, Công ty CP thức ăn Greenfed đã đồng hành trao 36 suất học bổng cho 36 học sinh, sinh viên là con em của gia đình nông dân nghèo tại Bình Quý, Bình Chánh với tổng số tiền là 46 triệu đồng. Riêng anh Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VIDAN tại TP Hồ Chí Minh trao 31 suất cho 31 em là con cán bộ, hội viên nông dân trị giá 15.500.000 đồng. Đối với HND 22 xã, thị trấn cũng làm tốt chương trình “đồng tiền khuyến học” cùng với huyện Hội hoàn thành chương trình “Tiếp sức con em nông dân đến trường” năm 2017 đạt con số 73,3 triệu đồng. Kết quả trên đã góp phần tạo dựng niềm tin, cơ hội và đặc biệt là động lực giúp cho nhiều em học sinh, sinh viên là con em gia đình nông dân nghèo, cận nghèo hoàn cảnh khó khăn khỏi bỏ lỡ con đường học vấn để vững bước tới trường cùng bạn bè trang lứa, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Đây cũng là những việc làm cụ thể, thiết thực học tập theo tư tưởng, đạo đức về lòng nhân ái bao la, cao cả của Bác là "Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" và “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Ngoài ra, với tình cảm, trách nhiệm, lòng hữu ái với giai cấp nông dân thông qua các hoạt động, việc làm nhằm chăm lo, bảo vệ nông dân hiện nay. HND huyện đã trực tiếp làm việc, kết nối với công ty BH Bảo Long và Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Quảng Nam để đưa chương trình Bảo hiểm tai nạn con người đến với cán bộ, hội viên nông dân. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu mà HND tỉnh đề ra ban đầu rất khó thực hiện. Song với quan điểm tư tưởng của Bác từng căn dặn “Việc gì có lợi cho dân thì gắn sức làm” do đó Hội đã tập trung xây dựng Kế hoạch quán triệt triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ của người tham gia Bảo hiểm tai nạn. Trong đó xác định hội viên nông dân là những người chịu nhiều thiệt thòi, trực tiếp lao động, sản xuất, làm dịch vụ… dễ bị rủi ro, tai nạn nhất nên trước hết mỗi người nông dân phải có ý thức “nông dân lo bảo vệ nông dân” là chính. Nhờ vậy kết quả năm 2017 đã có 2.881 hội viên nông dân tham gia mua thẻ bảo hiểm với tổng số tiền lên đến 211.000.000 đồng. Đây là một kết quả rất lớn về mặt kinh tế, xã hội khi đồng hành cùng chương trình này năm qua đã có 155 trường hợp bị tai nạn trong sinh hoạt, lao động được các công ty Bảo hiểm chi trả số tiền 177,86 triệu đồng. Điều đáng nói là với mức phí mỗi thẻ từ 56.000 đến 70.000 đồng song có trường hợp không may bị tai nạn tử vong lại nhận được số tiền bảo hiểm tối đa lên tới 20.000.000 đồng/người. Chính vì vậy, chương trình đồng hành cùng nông dân với thẻ BHTN là việc làm cụ thể, thiết thực tạo điều kiện cho nhiều trường hợp hội viên nông dân gặp tai nạn, rủi ro sớm ổn định cuộc sống. Những việc làm trên của Hội xuất phát từ tình người và vì con người đây cũng là việc làm theo lời căn dặn của Bác “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Đồng thời làm cho vai trò, vị trí của HND ngày càng được đề cao trong đời sống chính trị, xã hội hiện nay.
Ngoài những mô hình việc làm trên căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể của từng cơ sở Hội căn cứ kế hoạch của HND huyện để triển khai, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đạt kết quả. Trong đó mô hình giúp nông dân thoát nghèo, sau một năm đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vừa đẩy mạnh vận động nhiều nguồn lực, phát huy truyền thống “tương thân tương ái” giúp đỡ lẫn nhau bằng nhiều hình thức như: tiền, ngày công, con vật nuôi… HND toàn huyện đã giúp đỡ 66 gia đình hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo. Kết quả trên đã góp phần cùng hệ thống chính trị nhân dân huyện nhà thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đối với chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” nhân 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) bằng các việc làm thiết thực như tặng sổ tiết kiệm, thăm tặng quà gia đình thương binh, liệt sỹ với số tiền 48.900.000 đồng. Chương trình “đồng tiền hữu ái” vì nông dân đã trao phương tiện, sinh kế cho nông dân có điều kiện làm ăn với tổng số tiền 52.000.000 đồng. Chương trình xây dựng Nông thôn mới, làm đường bê tông GTNT, GTNĐ với hàng ngàn ngày công và đặc biệt là vận động đóng góp trên 2,5 tỷ đồng vốn đối ứng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chương trình vận động nông dân hiến đất, hiến cây, vật kiến trúc làm đường ĐH tại Bình Dương trị giá hàng tỷ đồng…
Nhìn chung việc học tập và làm theo Bác ở cơ sở còn có nhiều mô hình khác như: Mô hình nông dân tự quản, Thắp sáng đường quê, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp…Với những kết quả trên trong năm 2017 là minh chứng sống động cho phong trào học tập và làm theo Bác của HND huyện Thăng Bình ngày càng trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả. Đồng thời nói lên sự đổi mới về mặt tư duy, cách làm sáng tạo, gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giảm hành chính hóa, hướng đến sâu sát cơ sở bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhằm đồng hành bảo vệ, chăm lo cho nông dân. Đây vừa là tình cảm, trách nhiệm vừa là đạo lý nghĩa vụ của mỗi chúng ta và vì mục tiêu chung là “Vì con người” và vì sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Kết quả trên đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Hội và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.