Tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh năm 2006, anh Đặng Ngọc Thọ (thôn Quý Hương, xã Bình Quý, Thăng Bình) có hơn 6 năm bôn ba làm việc xa quê. Một ngày đầu năm 2012, anh quyết định rời phố về quê phấn đấu làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Về quê, Thọ suy nghĩ khá nhiều trong vấn đề chọn nghề, chọn hướng làm ăn. Anh đã bỏ nhiều thời gian tìm nghề, nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, cuối cùng anh nhận thấy các xưởng sản xuất các sản phẩm từ gỗ loại ra rất nhiều phế liệu từ đó xuất hiện ý tưởng tận dụng phế liệu gỗ nói trên để phục vụ cho ngành mây tre đan. Ban đầu, Thọ chỉ mở xưởng chế biến gỗ phế liệu nhỏ nhưng đến nay anh đã thành lập công ty. Gỗ phế liệu được công ty của Thọ mua về từ nhiều nguồn ở khắp các địa phương, mỗi loại sẽ được xử lý và sẽ có giá trị sử dụng riêng. Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, những mảnh gỗ phế liệu thì chỉ có vứt đi hoặc dùng để làm vật liệu đun nấu. Nhưng ở cơ sở này, từng mảnh gỗ phế liệu sẽ được công nhân tỉ mỉ nhổ từng cây đinh, cắt gọt và mài dũa cho ngay ngắn và tập kết lại vận chuyển đến nơi sản xuất.
Hiện nay, công ty của Thọ đang hoạt động ổn định với tổng thu nhập hằng năm khoảng 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, công ty của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhân công ở đây chủ yếu là những người lớn tuổi, ở địa phương không xin được việc ở các khu công nghiệp, những người có hoàn cảnh khó khăn. Một vài người biết làm nghề, có sức khỏe thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật, còn phụ nữ, người lớn tuổi thì đánh giấy ráp, thu gom phế liệu, mùn cưa… “Công việc cũng tương đối nhẹ nhàng, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật. Khi về làm ở đây, mình thấy cuộc sống ổn định” - anh Nguyễn Văn Sỹ, một nhân công chia sẻ.
Mô hình kinh tế khá mới mẻ đã được Thọ đầu tư đúng hướng và cho ra những kết quả khá bất ngờ. Thọ chia sẻ: “Làm gì cũng phải biết nắm bắt cơ hội, sau khi suy nghĩ thật kỹ thì phải quyết đoán. Tôi nghĩ làm kinh tế nếu có kế hoạch, lộ trình rõ ràng thì phải mạnh dạn đầu tư. Mình còn trẻ chẳng may thất bại vẫn còn đủ thời gian làm lại từ đầu”. Vừa qua, anh Thọ vinh dự được Huyện đoàn Thăng Bình tuyên dương là một trong những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Thọ chia sẻ, anh mong muốn các ngành liên quan và Đoàn Thanh niên cần tăng cường giới thiệu các mô hình kinh tế, hỗ trợ kiến thức giúp cho thanh niên tiếp cận được những cơ chế chính sách để phát triển kinh tế.