Chi tiết tin

A+ | A | A-

"Cô giáo đặc biệt"

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 7:28 | 17/11/2014 Lượt xem: 261

“Dẫu trong bất hạnh, nhưng tôi sẽ vươn lên như loài xương rồng trên cát. Tôi tự hào vì đã được sống với niềm tin của một con người. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng vào cuộc đời này, dẫu sinh ra không được may mắn như bao người khác…nhưng tôi vẫn sẽ ngẩng cao đầu để đi hết quãng thời gian được sống trên cuộc đời tuyệt vời này”.

Đó là tâm sự của em Vương Thị Dung khi tôi gặp trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông. Trước mắt tôi là hình ảnh một cô gái trẻ ngồi trên xe lăn đang giảng bài cho những em nhỏ với một nụ cười hiền dịu và ánh mắt tràn đầy lạc quan, yêu đời. Vương Thị Dung, sinh năm 1991, là con út trong một gia đình có 6 anh chị em tại làng chài  nghèo ven biển ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, nơi mà ký ức về cơn bão Chanchu vẫn chưa bao giờ nguôi trong lòng mỗi ngư dân Bình Minh.


                       

 Ảnh: Vương Thị Dung cùng các em nhỏ trong xóm

Tuổi học trò hồn nhiên của Dung êm ả trôi cùng năm tháng cho đến một đêm sau khi ngủ dậy thì em bỗng thấy chân tay yếu đuối, không thể cử động được. Khi đó em đang là nữ sinh lớp 11 của trường THPT Nguyễn Thái Bình. Và rồi em được gia đình đưa đi khắp các bệnh viện để tìm cách cứu chữa. Nhưng cuối cùng các Bác sĩ kết luận Dung bị “viêm tủy cắt ngang vùng cổ” - một chứng bệnh hiếm gặp khiến em bị liệt từ cổ trở xuống chân. Gia đình Dung đã tìm cách đưa em đi chữa trị khắp nơi mong sao một phép màu nào đó có thể cho Dung trở lại với cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng tất cả đều vô vọng. Và cũng từ đó, con đường học vấn của Dung đành phải gác bỏ và phải tạm quên đi ước mơ trở thành cô giáo của mình. Sau hơn 2 năm nằm liệt giường, Dung đau đớn và đã khóc rất nhiều, nhiều lúc em tự hỏi sao ông trời lại bất công với mình như vậy? nhưng rồi Dung nghĩ lại trên đời này vẫn còn những hoàn cảnh thương tâm, những mảnh đời bất hạnh. Mình may mắn còn được sống, còn có ba mẹ, bạn bè. Cuối cùng Dung gạt những giọt nước mắt và quyết tâm luyện tập vượt qua số phận, để thay đổi cuộc đời.

Với một niềm tin cháy bỏng, trải qua bao khó khăn, đau đớn, Dung kiên trì luyện tập để mong muốn một ngày nào đó tự em có thể ngồi dậy được. Với sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đặc biệt là người mẹ, sau hơn 5 năm hai tay của Dung cũng bắt đầu vận động được và viết được những con chữ ngay ngắn. Lúc đó Dung vui mừng như muốn khóc. Khi đôi tay cử động được trở lại cũng là lúc Dung bắt đầu tự học trên giường. Những con chữ khó nhọc cũng được Dung miệt mài luyện tập trở lại. Và để cuộc đời bớt tẻ nhạt Dung bắt đầu làm thơ, viết văn. Nhiều tác phẩm được Dung gửi tới các báo, tạp chí như Thiếu niên tiền phong, Báo Hoa học trò, Áo trắng… Thơ của Dung rất hồn nhiên, là tiếng nói tâm hồn, là động lực và sức mạnh để giúp em có thêm niềm tin vào cuộc đời và vượt qua sự nghiệt ngã của số phận. 

Dẫu không tiếp tục được đến trường nhưng với mơ ước được làm cô giáo từ nhỏ nên Dung đã tự “mở lớp” dạy kèm miễn phí cho những học sinh nghèo vùng biển để hiện thực hóa ước mơ của mình, đồng thời cũng để mang lại niềm vui cho bản thân. "Những đứa trẻ ở đây có hoàn cảnh rất khó khăn, có nhiều đứa mất cha trong cơn bão Chanchu. Biết cái chi là em bày chúng nó thế thôi, chứ không tiền nong chi cả”. – Dung tâm sự. Và mặc dù, chưa từng học qua môi trường sư phạm nhưng với những kiến thức mình có được từ những năm tháng học trò và học hỏi trên mạng, ngày ngày Dung đã mang lại con chữ cho hàng chục học sinh của làng chài nghèo ven biển. Với đôi chân tật nguyền, Dung luôn phải ngồi trên giường hay trên xe lăn để giảng bài cho các em nhỏ. Lớp học của Dung gói gọn trong một không gian chật hẹp, không bục giảng, không phấn viết, chỉ với những chiếc bàn, chiếc ghế được bố trí ngay ngắn, gọn gàng. Đặc biệt, là cái tủ sách nơi Dung sắp xếp rất nhiều sách, một phần được em mua về, một phần được mọi người khắp nơi cảm phục mà mang đến tặng. Tất cả để phục vụ cho các em nhỏ trong xóm. Học trò đến nhà Dung học bất cứ lúc nào. Dung dạy kèm chủ yếu là các môn Văn, Toán và tiếng Anh từ chương trình lớp 1 đến lớp 10. Những buổi đầu mới kèm cặp chỉ có vài ba em nhưng càng về sau lớp học của Dung đã tiếp nhận thêm nhiều học sinh đến theo học. Đến nay học trò được Dung dìu dắt lên đến vài chục người, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Nhiều em tuy đã được thầy cô trên lớp giảng dạy nhưng vẫn chưa hiểu, về nhà nhờ cô Dung giảng dạy, kèm cặp nên chỉ sau một thời gian ngắn đã tiến bộ hơn hẳn. Trong số học trò ấy, có em giờ đã theo học đại học, cao đẳng. Tuy cô giáo ấy không thể đứng trên bục giảng, không cầm được viên phấn để viết lên những con số, con chữ nhưng vẫn được các học trò và các bậc phụ huynh yêu mến, kính trọng. Bởi lẽ, cô giáo ấy có được cái đầu trí tuệ, một trái tim tha thiết và một ý chí, nghị lực phi thường trong cuộc sống.

          Với nghị lực phi thường vượt qua số phận, Dung đã trở thành một trong số 200 đại biểu tiêu biểu của cả nước được vinh danh, khen thưởng tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ III do Trung ương Đoàn  thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng tám vừa qua.

   Dẫu cuộc đời không may mắn nhưng Dung đã không đầu hàng số phận, ngày ngày cô đã mang lại con chữ cho những học trò nghèo nơi miền cát trắng Bình Minh. Nghị lực phi thường của “cô giáo đặc biệt” đang có nhiều đóng góp cho đời ở vùng biển quê tôi thật đáng trân trọng./.                        

                                                                                                             P.T.H

                       

Tác giả: Phan Thị Hạnh

Nguồn tin: Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031260981