Chi tiết tin

A+ | A | A-

Vượt lên chính mình

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 12:15 | 21/10/2014 Lượt xem: 218

Ngồi trước mặt tôi là người đàn bà ngoại lục tuần có khuôn mặt phúc hậu nhưng vẫn còn hằn những vết sẹo do bị địch tra tấn trong những năm kháng chiến, giọng nói quả quyết, đôi mắt nhanh nhạy cương nghị, ấy vậy mà thi thoảng chị lại vén vạt áo lau những giọt nước mắt khi nhắc đến đồng đội, đồng chí mình đã hy sinh. Chị là Phan Thị Hồng Minh, thương binh nặng ¼, mấy chục năm qua đã âm thầm chịu đựng những trận đau dữ dội, vươn lên hòa mình vào cuộc sống cộng đồng và tích cực tham gia các phong trào của địa phương

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, mười bốn tuổi Chị Minh đã tham gia làm giao liên sau đó trở thành một chiến sỹ du kích dũng cảm chuyên săn lùng bọn ác ôn, việt gian bán nước để tiêu diệt. Chị kể “Một tối ra bờ sông Trường giang cùng mẹ tiếp tế cho cách mạng, vừa quơ tay khỏa xuống  nước, chị giật bắn mình đụng phải đôi chân của một cán bộ. Chưa kịp phản ứng thì một chiến sỹ cho biết đó là ba chị, phải tuyệt đối không được nói với ai, nếu không địch sẽ phát hiện bắn chết”. Về nhà, chứng kiến cảnh đồng bào bị địch bắt bớ giam cầm, đánh đập dã man, lòng căm thù trỗi dậy chị xin vào du kích xã. Được tổ chức tin cậy giao cho làm giao liên, nhiều lần chị cải trang đi mót khoai, mót lúa để chuyển tài liệu từ cơ sở ra vùng căn cứ, hoặc quanh quẩn gần khu vực địch đóng quân dò la tin tức báo cho du kích tìm cách chống càn. Có lần chị đóng giả là người bán đậu hũ vào tận đồn ấp của địch ăn cắp lựu đạn bỏ dưới đáy thùng đem về giao cho du kích sử dụng. Một lần trên đường chuyển tài liệu ra Đà Nẵng, tới chợ Hàn bị địch phát hiện vây bắt, chị nhanh chóng ném tài liệu đã bị xé nát xuống giếng và nhảy xuống giếng tự sát nhưng một tên địch đã nắm lấy chân chị kéo lên. Chúng tra khảo, dùng gậy đánh chị gãy 4 cái răng cửa nhưng chị nhất mực không khai. Giam giữ thời gian không tra khảo được gì, chúng đành phải thả chị. Về lại quê, năm 1971 tổ chức giao cho chị vào khu dồn dân tập trung, tiếp tục dò la tin tức và trực tiếp tham gia tiêu diệt bọn ác ôn (Du kích mật). Tại khu dồn dân Thanh ly - Hương An, chị trực tiếp gài mìn tiêu diệt một tên lính ngụy, đánh bị thương tên Hội đồng xã khi bọn chúng đang chơi bài xóc dĩa tại khu dồn. Thoắt hiện thoắt ẩn, địch run sợ trước sự gan lỳ và mưu trí dũng cảm của chị Minh (còn có tên bí danh là Mai) chúng kêu giá lùng bắt và thưởng cho ai  cung cấp những thông tin về chị. Em gái chị cũng bị địch bắt giam, chúng tuyên bố: “Bắt được con Cả (chị Minh), thì thả con Cùng (em gái chị)”, sau đó một cơ sở phản bội nên chị bị bắt giam tại quận. Chính tên Thiếu tá quận trưởng Nguyễn Minh Đăng đã trực tiếp ra lệnh bọn thuộc hạ còng tay, xiềng chân đánh chị đến móp đầu, chết đi sống lại nhiều lần, có lúc chúng bỏ chị vào thùng phi lăn trên đường, máu chảy lênh láng. Tra tấn giã man như vậy nhưng bọn chúng không khai thác được gì, chúng bỏ mặc chị tại khu quận lỵ, tranh thủ tối trời chị vượt qua hàng rào tìm cách trốn thoát, trở về Bình Dương. Tám lần bị địch bắt giam cầm, bảy lần chị vượt ngục thành công. Sau lần trốn thoát từ quận lỵ Thăng Bình vì sức khỏe quá yếu và đã bị lộ nên tổ chức cho chị về khu căn cứ Bình Phú tham gia phục vụ kháng chiến cho đến ngày chiến thắng.

 

                        

                                   Chị Minh trong ngôi nhà mới khang trang của mình. Ảnh N.Q

          Trở về quê hương, với những gì học được từ chiến khu trong những năm phục vụ cách mạng, chị được lãnh đạo xã giao phụ trách công tác y tế xã với chức danh Trạm trưởng Trạm y tế. Ngày đó, cơ sở vật chất con người phục vụ cho công tác y tế xã hầu như không có gì, đường về trung tâm huyện lỵ lại xa xôi cách trở. Mỗi lần có người đau, người đẻ, dân chỉ biết bỏ lên võng khênh chạy bộ hàng chục cây số về huyện. Với ý chí của một đảng viên vừa đi ra từ chiến tranh, chị mạnh dạn nhận lấy phần việc đỡ đẻ cho các sản phụ. Ca đầu thành công, tiếng lành đồn xa, thế là hàng trăm ca đẻ do chính tay chị đỡ đã thành công ngay tại trạm y tế xã trong suốt 10 năm chị tham gia công tác tại đây. Không chỉ có nhân dân trong xã mà cả những xã lân cận, có nhiều ca sinh hai. Cái thời chị làm trạm trưởng, trạm y tế xã Bình Dương luôn là đơn vị dẫn đầu ngành y tế của huyện. Bây giờ tuy tuổi đã cao, vết thương luôn dằn vặt cơ thể khi trái gió, trở trời  nhưng bằng kinh nghiệm của mình, mỗi khi có người gọi đỡ đẻ hoặc chích thuốc chị vẫn không ngại gió mưa, khuya khoắt, sẵn sàng giúp đỡ. Chị quan niệm làm được gì có ích cho dân thì nên làm. Những năm trước cuộc sống còn khó khăn, dù bệnh động kinh liên tục hành hạ nhưng khi dứt bệnh, bà con lại thấy chị quần quật ngoài trảng cát, miệng nói tay làm gánh từng thùng nước tưới khoai tưới lúa giữa tiết trời nắng như nung, như đốt. Lúc nông nhàn, chị lại nhận hàng về may vá và cả việc gia công hàng hải sản. Siêng năng, cần cù như vậy, nên từ bàn tay trắng, tự lực vươn lên không trông chờ ỷ lại vào ưu ái của Nhà nước, đến nay chị đã có một cơ ngơi đàng hoàng ngay tại ngã ba thôn 6 Bình Dương.

          Hạnh phúc được làm mẹ không đến với chị do bị địch tra tấn dã man và nhiễm chất độc da cam tại vùng căn cứ, chị đã lần lượt xin 5 người con về nuôi. Hai đứa đầu nuôi được vài năm thì cha mẹ chúng đến xin lại chị vẫn vui vẻ, đứa thứ 4 người ta đẻ xong vứt ngoài rừng dương chị đem về nuôi nhưng không sống nổi. Bây giờ chị đang sống cùng hai con nuôi một trai một gái. Người con trai đã có vợ và hai con, chị làm cho một ngôi nhà và tạo điều kiện mở tiệm sửa chữa xe máy. Con gái làm công nhân công ty may mới cưới chồng. Hai người con nuôi rất thương yêu chị. Chị bảo “Được như thế này là hạnh phúc lắm rồi, nhiều đồng đội cùng trang lứa với mình đâu còn nữa” nói chưa dứt câu chị lại vén vạt áo lau nước mắt. “Một đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng, dũng cảm - mưu trí trong chiến đấu; đi đầu trong các phong trào của quê hương sau ngày giải phóng; giàu lòng nhân ái, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”, Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương Phan Văn Nam nhận xét về chị Minh. 

          Tạm biệt chị Phan Thị Hồng Minh, tôi khâm phục nghị lực của một thương binh nặng đã biết vượt lên chính mình, đúng như Bác Hồ đã dạy “Thương binh tàn mà không phế”.

 

Nguồn tin: Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031263840