Những thay đổi
Đến thăm gia đình em Nguyễn Thị Anh Thư, xã Bình Định Bắc sau hơn 1 năm kể từ ngày em được nhận hỗ trợ từ chương trình Mẹ đỡ đầu, cuộc sống của gia đình em đã đỡ vất vả hơn trước nhiều. Một căn bếp tuy không lớn nhưng có đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết. Đặc biệt, một công trình vệ sinh - ước mơ của cô bé nhỏ nhắn Nguyễn Thị Anh Thư hơn 1 năm trước đã được xây dựng. Công trình là sự hỗ trợ của các các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện thông qua sự kết nối của chương trình Mẹ đỡ đầu.
“Từ khi có bếp và nhà vệ sinh mới, gia đình con sinh hoạt rất thuận tiện. Bà nội của con không còn phải bị ngã mỗi lần phải đi vệ sinh xa như trước kia nữa, con cảm ơn các cô các chú rất nhiều” - em Nguyễn Thị Anh Thư vui mừng nói.
Nhiều năm vất vả nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học dường như đã lấy đi quá nhiều sức lực của chị Nguyễn Thị Tiên ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị. Chồng mất sớm, căn bệnh hen suyễn hành hạ thường xuyên khiến chị càng thêm suy sụp. Niềm an ủi và cũng là nỗi lo lớn nhất của chị là 4 đứa con, bởi chăm 4 đứa con như chị mà chỉ dựa vào vài ba sào ruộng là điều quá khó.
Thương mẹ, Khánh Linh chỉ biết cố chăm học với ước mong những danh hiệu học sinh giỏi mà em đem về hằng năm sẽ là động lực cho mẹ. Từ khi nhận được sự hỗ trợ từ chương trình Mẹ đỡ đầu, nỗi lo của mẹ con chị cũng vơi đi ít phần nào.
Sớm mồ côi mẹ, bố đi thêm bước nữa, cuộc sống của cô bé Phan Thị Như Quỳnh ở xã Bình Tú cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi mất mẹ vào năm lớp 6, Quỳnh ở cùng với ông bà ngoại, lớn lên chút, khi học cấp 3 thì Quỳnh lên sống cùng ông bà nội để thuận tiện hơn trong việc học tập. 11 năm liền, Như Quỳnh luôn là học sinh giỏi. Sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần mà Hội LHPN huyện và các nhà hảo tâm thời gian vừa qua là động lực để Quỳnh phấn đấu hơn trong học tập. “Đối với con, món quà đó có một giá trị lớn về mặt tinh thần giúp con có thêm động lực để học tập” - em Quỳnh chia sẻ.
Đồng hành và sẻ chia
Hơn bốn năm nay, chị Phạm Thị Thạnh cùng với nhóm thiện nguyện Hướng Tâm Duyên của mình đã hỗ trợ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã Bình Minh.
(Ảnh: Nhóm thiện nguyện Hướng Tâm Duyên trao tiền hỗ trợ cho em Nguyễn Hoàng Nhất Thiên, xã Bình Minh)
“Từ đầu năm 2022 đến nay, nhóm chúng tôi nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Hoàng Nhất Thiên tại thôn Hà Bình, xã Bình Minh. Mẹ mất sớm, nhiều năm nay, Thiên phải nương náu cùng bà ngoại già yếu nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm, nhóm hỗ trợ cháu 6 triệu đồng và được chia làm 2 đợt trao. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ thêm cho cháu vào mỗi đầu năm học để cháu có thêm điều kiện để học tập tốt hơn”, chị Phạm Thị Thạnh nói thêm.
Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt phát động, ngay từ năm 2021, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Thăng Bình đã tiến hành khảo sát các trường hợp trẻ mồ côi cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác liên hệ, tìm kiếm các tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ cũng được các cấp hội khẩn trương thực hiện.
Đến nay, qua hơn 01 năm triển khai thực hiện đã có 214 trẻ mồ côi hoàn cảnh khó khăn được Hội kết nối, vận động nhận đỡ đầu, với số tiền đỡ đầu từ 200.000 đồng- 1.000.000 đồng/tháng/cháu. Trong đó cấp huyện vận động nhận đỡ đầu 82 trẻ, cấp cơ sở vận động nhận đỡ đầu 132 trẻ.
(Ảnh: Chương trình Mẹ đỡ đầu đã giúp đỡ cho các trẻ mồ côi cả về vật chất lẫn động viên về tinh thần)
Đồng chí Nguyễn Đức Bình – Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng “Mẹ đỡ đầu” là chương trình có ý nghĩa để giúp các cháu mồ côi, điều kiện khó khăn có thể vươn lên học hành bằng các bạn cùng trang lứa. “Chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, đó còn là tình cảm giữa con người với con người, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Chương trình được thực hiện hiệu quả cũng đã thể hiện được trách nhiệm của xã hội đối với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. “Mẹ đỡ đầu” là chiếc cầu nối để các em mồ côi có thêm những người mẹ - những người không sinh ra các em nhưng đã có những đồng cảm, những sẻ chia để các em vững bước trong hành trình phía trước – hành trình chắp cánh những ước mơ”.