Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hội LHPN huyện trong công tác tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 10:41 | 10/10/2022 Lượt xem: 15146

Bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay đang là một vấn đề vô cùng nhức nhối, có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, nó để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ cho một cá nhân, một gia đình mà là cả xã hội. Trong những năm gần đây, số lượng các vụ án liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng. Nạn nhân thường là trẻ em thuộc các lứa tuổi khác nhau, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ của người lớn. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa số là người có quan hệ gần gũi với nạn nhân như người quen, hàng xóm, bạn bè của cha, mẹ. Rất ít trường hợp nạn nhân và bị hại không quen biết nhau.

Hằng năm, Hội LHPN huyện đã đưa nội dung về công tác tuyên truyền, giám sát chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào GƯTĐ và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở Hội thực hiện. Qua đó, các cấp Hội đã phối hợp tổ tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các chuyên đề về an toàn cho mẹ và con, các kỹ năng tự bảo vệ, phòng, ngừa các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em, mua bán người, cách phòng, tránh, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo độ tuổi, các kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống bạo lực học đường,… có trên 25.600 lượt phụ nữ và trên 4.100 học sinh dự. Bên cạnh đó, thông qua nhiều hình thức như qua hội họp, sinh hoạt, qua zalo, facebook của Hội, qua chuyên mục phát thanh của Hội “Phụ nữ với đời sống gia đình và xã hội”, qua các cuộc thi,… Hội luôn tuyên truyền về quyền trẻ em, nhắc nhở phụ huynh nên quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội của trẻ, phòng ngừa các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội để kết bạn, làm quen với trẻ để nhắn tin, gửi những hình ảnh nhạy cảm, đồi trụy để dụ dỗ và xâm hại trẻ. Đồng thời tuyên truyền các thành viên trong gia đình cần hạn chế tối đa việc tạo ra những tình huống có thể đẩy con mình vào thế bị xâm hại như cho người lạ đến thuê nhà, đến chơi, ngủ qua đêm hoặc cho con cái tiếp xúc với người từ nơi khác đến, những người say xỉn,… mà mình không thể kiểm soát được; kịp thời lên tiếng, cộng tác với cơ quan chức năng, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

       Để nội dung tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu Hội đã lồng ghép đưa ra những tình huống, hình ảnh, đố vui pháp luật để HVPN, các em học sinh suy nghĩ, thảo luận và ghi nhớ lâu hơn về các kỹ năng bảo vệ phòng, tránh các hành vi xâm hại, bạo lực.
       Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sơ Hội tổ chức các buổi đối thoại, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề lắng nghe tiếng nói của trẻ em để nắm và giải thích rõ những vấn đề các em còn vướng mắc, chưa hiểu về luật pháp, các quy định về quyền và nghĩa vụ của trẻ em, những vấn đề về giới nhằm giúp các em định hình phát triển tâm sinh lý dựa trên nền tảng đạo đức, tri thức và nghị lực sống. 

Đặc biệt, các cấp Hội đã xây dựng 22 tuyến đường hoa sáng, xanh, sạch, đẹp để góp phần tạo môi trường sống trong lành, chiếu sáng về đêm đảm bảo an ninh trên các tuyến đường ở thôn quê; đồng thời tranh thủ vận động kinh phí xây dựng các khu vui chơi trẻ em, xây dựng tủ sách cộng đồng để các em thuận tiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn như Bình Minh Bình Đào, Bình Hải,…

Tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã kết nối, vận động nhận đỡ đầu 184 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ mỗi em từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng, trong đó cấp huyện đã kết nối, vận động quý mạnh thường quân nhận đỡ đầu 80 trẻ. Từ sự lan toả của Chương trình, Hội đã kết nối hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh và nhà bếp cho gia đình em Nguyễn Thị Anh Thư – xã Bình Định Bắc, tổng kinh phí 64.000.000 đồng giúp cho gia đình em ổn định cuộc sống.



(Ảnh: Chương trình Mẹ đỡ đầu do Hội LHPN huyện tổ chức)

Hội đã xây dựng và duy trì hoạt động của nhiều mô hình hay, hiệu quả như mô hình “An toàn cho Mẹ và Con”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tủ sách cộng đồng”, “Phụ nữ đọc sách”,… Đến nay, toàn huyện có 93 mô hình với 4.250 thành viên tham gia. Định kỳ các mô hình tổ chức sinh hoạt tuyên truyền kiến thức pháp luật, hướng dẫn kiến thức nuôi dạy con, phòng chống các TNXH,... Duy trì 49 địa chỉ tin cậy phòng chống bạo lực gia đình.

Hằng năm, lồng ghép trong tập huấn nhiệm vụ công tác Hội, qua các hoạt động chuyên đề,… Hội đã tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, các chính sách của Nhà nước và quy định của pháp luật về quyền trẻ em và chăm sóc, bảo vệ trẻ em,… cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, chi, tổ, lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Cùng với công tác tuyên truyền vận động, thời gian qua các cấp Hội đã tham gia giám sát, góp ý theo Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI), các cấp Hội đã chủ động tham gia xây dựng, tích cực đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản pháp luật, các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phối hợp tham gia/tổ chức giám sát về phòng chống bạo lực gia đình, về tình hình hoạt động của các nhóm trẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường Mầm non, việc cấp BHYT cho trẻ em, về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, vệ sinh môi trường,... với 24 cuộc giám sát và gần 300 ý kiến tham gia góp ý/năm. Trong năm 2022, Hội LHPN huyện đã thành lập đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật tại xã Bình An. Qua giám sát, góp ý Hội đã kiến nghị những vấn đề liên quan chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh, khắc phục, phát huy tính dân chủ, đồng thuận trong nhân dân nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và đảm bảo quyền trẻ em trên địa bàn huyện.

Với những cách làm hiệu quả như trên, các cấp Hội trên địa bàn huyện luôn không ngừng cố gắng để thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, góp phần chung tay bảo vệ để trẻ em có được môi trường phát triển lành mạnh. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tăng cường công tác phối hợp đồng bộ từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em; hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực xâm hại cho trẻ, cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em,...; tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ gia đình HVPN vươn lên phát triển kinh tế xây dựng gia đình hạnh phúc, có điều kiện để chăm sóc giáo dục trẻ; đồng thời tiếp tục hưởng ứng tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Tiếp sức cho em đến trường”, xây dựng các khu vui chơi giải trí, tuyến đường phụ nữ tự quản “Sáng, xanh, sạch, đẹp”,… ; đồng thời, phát huy tốt vai trò giám sát của tổ chức Hội, HVPN trong xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, điểm vui chơi cho trẻ, phát huy tinh thần dân chủ trong công tác giám sát việc xử lý các vi phạm về quyền trẻ em; kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc liên quan đến trẻ em cho cơ quan chức năng để xử lý răn đe./.

Tác giả: Huỳnh Thị Xuân - Hội LHPN huyện

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031368182