Chi tiết tin

A+ | A | A-

Nữ doanh nhân vươn lên từ hộ nghèo, hết lòng vì cộng đồng

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:41 | 17/02/2022 Lượt xem: 20849

Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thăng Bình ngày càng tỏ rõ năng lực và khẳng định bản thân với tinh thần cần cù, chịu khó học tập, nâng cao tri thức, thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ. Nhiều chị em phụ nữ đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Xuất thân từ gia đình nghèo khó ở vùng quê xóm Nghệ, chị Nguyễn Thị Sâm sinh năm 1982, là thành viên của gia đình có 5 chị em, sống chủ yếu bằng nghề nông. Chị Sâm là con gái lớn nhất trong gia đình. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chị học hết lớp 3 đã phải nghĩ học để phụ giúp gia đình. Đến năm 2007 chị kết duyên cùng anh Vương Hữu Đa người thôn Phước Châu, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình. Hiện nay, gia đình chị đang sinh sống ở tổ 19 của thôn Phước Châu.

Những ngày đầu mới lập gia đình, vì điều kiện kinh tế gia đình nhà chồng cũng rất khó khăn, cha mẹ chồng già yếu, vợ chồng chị làm đủ mọi công việc nhưng thu nhập hàng ngày không đủ trang trải cuộc sống. Sau nhiều lần bàn bạc tính toán, năm 2008, vợ chồng anh chị đã gửi đứa con đầu lòng mới sinh được 6 tháng về nhà ba mẹ ở Nghệ An chăm sóc giúp, còn vợ chồng chị ra Đà Nẵng xin làm phụ hồ để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Khi tiếp nhận công việc mới, chị càng thấm thía nổi vất vả của chị em nữ phụ hồ, một công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới. Hằng ngày, ngoài nâng vác nặng, nắng mưa, khói bụi thì công việc này còn đòi hỏi sức khoẻ dẻo dai và tính cẩn trọng để hạn chế thấp nhất những rủi ro, nguy hiểm của nghề.

Sau 02 năm cần mẫn, vừa học vừa làm, chị nhận thấy, nếu chỉ đơn thuần làm công ăn lương thì sẽ rất khó để vươn lên thay đổi kinh tế gia đình. Năm 2010, chị Sâm bàn với chồng chuyển sang hướng đi mới là thay vì vẫn tiếp tục làm công thì chuyển sang nhận thầu công trình. Ban đầu nhờ vào các mối quan hệ mà vợ chồng anh chị gây dựng được, chị nhận lại khối lượng nhỏ của các công trình để làm và thuê thêm nhân công để làm. Những phần việc mà chị thầu lại luôn đạt chất lượng, dần dần chị xây dựng được uy tín với chủ công trình và tạo được mối quan hệ gần gũi với đội ngũ nhân công, luôn quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ khi công nhân của mình gặp khó khăn. Tiếp nối được những thành công bước đầu dần dần chị đã mở rộng trực tiếp nhận công trình từ nhỏ đến lớn. Kết quả chị thu được từ khi chuyển sang hướng đi mới là lợi nhuận bình quân hằng năm của chị trên 300 triệu. Khi công việc ngày càng đi vào nề nếp và đội ngũ nhân công ngày càng nhiều và số lượng công trình chị nhận ngày càng lớn để thuận lợi trong việc quản lý và giao dịch, năm 2018 chị đã thành lập công ty TNHH xây dựng Sâm Đa do chị làm Giám đốc.  Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Thời điểm cao nhất vào năm 2020 chị chỉ huy hơn 100 nhân công, qua đó chị đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương và xã hội.



(Ảnh: Chị Sâm đang ở công trình)

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát việc xây dựng các công trình phần lớn bị ảnh bởi dịch bệnh nên việc vận hành, quản lý hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Không nản lòng, là người từng trãi, đi lên từ nghèo khó, nên khi gặp biến cố tác động do dịch bệnh Covid-19, chị không nhụt chí trong kinh doanh, mà ngược lại, thời điểm công ty ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị đã đầu tư chiếc máy may mới trị giá 3 triệu đồng và tranh thủ tự tay may khẩu trang để tặng cho các hộ dân trong thôn, các điểm chợ và các đoàn từ thiện của địa phương. Và như vậy đến thời điểm này chị đã may hơn 20 ngàn khẩu trang để ủng hộ chung tay cùng cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.



(Ảnh:  Chị Sâm may khẩu trang ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19)

Có được kết quả như ngày hôm nay và trải lòng về những việc mình làm, chị Sâm tâm sự: “Chính vì xuất phát từ điều kiện kinh tế nghèo khổ, tôi nghĩ cái nghèo sẽ đeo bám tôi đến suốt đời. Nhiều lúc nhìn lại những việc tôi đã làm và thành quả đạt được như ngày hôm nay, tôi nghĩ như mình đang mơ. Nên tôi rất thương và đồng cảm với những người nghèo khổ, khó khăn”.

Không chỉ giỏi giang, mạnh mẽ, quyết đoán trong làm kinh tế, trong gia đình chị Sâm luôn chu đáo, hiếu thuận với cha mẹ, là người vợ đảm đang, là người mẹ mẫu mực, là tấm gương sáng cho các con. Các con của chị đều chăm ngoan học giỏi.

Đối với các hoạt động, phong trào của Hội, dù bận rộn công việc của công ty và gia đình nhưng chị Sâm luôn sắp xếp thời gian tham gia tốt các hoạt động do Hội triển khai. Đặc biệt, từ lợi nhuận trong kinh doanh chị đã tiết kiệm trao trên 300 suất quà, trị giá trên 90 triệu đồng để hỗ trợ những trường hợp khó khăn đột xuất, những trường hợp phụ nữ nghèo, già yếu, neo đơn trong và ngoài xã.

Vươn lên từ nghèo khó, chưa qua trường lớp chuyên môn đào tạo trong ngành xây dựng, nhưng với tinh thần lạc quan, ham học hỏi, chịu thương, chịu khó, ý chí, nghị lực phi thường, chị Sâm đã vươn lên là hộ khá giỏi của xã, là chủ của một doanh nghiệp chuyên về xây dựng. Là gương điển hình phụ nữ tiêu biểu luôn cố gắng vươn lên để nâng cao kiến thức, luôn trau dồi rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, dù khó khăn hay giàu có chị luôn sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng được chị em quý mến, tin yêu./.

Tác giả: Huỳnh Thị Xuân

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031409196