Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được xem là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác Hội Phụ nữ hằng năm và nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn trong huyện. Do đó, sau khi được BTV Hội LHPN huyện phát động, Cuộc thi đã được Hội LHPN từ huyện đến xã, thị trấn quan tâm triển khai, tạo điều kiện, khuyến khích, động viên, hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.

(Ảnh: Mô hình Cá cơm rim mè của chị Đặng Thị Tuyết - Bình Minh)
Song song với tổ chức cuộc thi, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội cơ sở tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu, như: Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; tranh thủ chương trình, đề án để đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; nghiên cứu, khảo sát khả năng, nhu cầu của phụ nữ và khai thác các nguồn lực hỗ trợ để vận động xây dựng, thành lập các loại hình hợp tác, liên kết sản xuất, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm…
Qua gần 4 tháng phát động, đến ngày 23/3/2021, cuộc thi đã có 23 cá nhân tham gia với 23 bài thi đã gửi về Ban tổ chức, bao gồm các lĩnh vực: Nhóm sản phẩm nông nghiệp: 03 bài, Thủy sản: 02 bài, Nhóm ngành nghề: 05 bài, Nhóm ngành sản xuất thực phẩm, tinh bột: 10 bài, Nhóm ngành dược liệu: 03 bài. Trên cơ sở các ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi, Ban Giám khảo đã tiến hành chấm chọn ra 09 bài dự thi đạt ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong phụ nữ năm 2021 huyện Thăng Bình để trao giải.
Các ý tưởng đạt giải đều có nội dung mang tính đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm/dịch vụ mới, hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, góp phần tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng, địa phương. Hầu hết các ý trưởng khởi nghiệp đã triển khai thực hiện trong thực tế, đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, dễ nhân rộng nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giải quyết lao động nữ, liên kết với các hộ dân để phát triển nguồn nguyên liệu tại địa phương như: ý tưởng pha chế nước uống từ hoa Atiso đỏ của chị Phan Thị Mỹ Duyên - Bình Triều; cá cơm rim mè của chị Đặng Thị Tuyết - Bình Minh. Nhiều bài dự thi đầu tư về nội dung, ý tưởng hay, sản phẩm mới, sáng tạo, có tính khả thi, trình bày đẹp, có hình ảnh minh họa như bài thi của chị Trần Thị Hiền - Bình Nam, ý tưởng là chả cá, cá trích phi lê; Lê Thị Nga - Bình Sa, ý tưởng măng tây Bình Sa; Mai Thị Hà Trang - Bình Phục, ý tưởng sản xuất kinh doanh thảo mộc Linh Trang. Một số ý tưởng sáng tạo cao như bánh đậu xanh hình trái cây của chị Nguyễn Thị Ngọc Liên - xã Bình Đào; ý tưởng hay trong phát triển kinh tế như sản xuất giá đỗ gắn với mô hình vườn ao chuồng của chị Nguyễn Thị Tiền - Bình Dương .

(Ảnh: 04 sản phẩm khởi nghiệp của Phụ nữ huyện Thăng Bình được quảng bá tại Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 2 năm 2021)
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn từ nay đến 2025, Hội LHPN huyện Thăng Bình tiếp tục phát động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực thi đua thực hiện các hoạt động Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2021 và các năm tiếp theo. Tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có sinh kế, thu nhập ổn định; quan tâm tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến xây dựng thương hiệu cho phụ nữ và hỗ trợ tối đa cho phụ nữ tiếp cận kiến thức, vốn phục vụ khởi nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ hội viên mạnh dạn xây dựng, cụ thể hóa ý tưởng sản xuất, kinh doanh thông qua các hình thức kinh tế hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; tiến hành rà soát, đánh giá thực chất các mô hình, rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng, duy trì những mô hình thực hiện có hiệu quả, đồng thời xây dựng những mô hình mới, ngày càng hướng đến những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của phụ nữ và toàn xã hội về phong trào phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo môi trường cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo,… mạnh dạn tham gia khởi nghiệp, qua đó thể hiện sự khát vọng, vươn lên phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, thể hiện khả năng, bản lĩnh của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh “Tự tin phát triển kinh tế gia đình”; “Tự tin - sáng tạo - đổi mới - khởi nghiệp”, vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định khả năng và vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội./.