Nhận thức rõ công tác từ thiện, nhân đạo có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các cảnh đời khốn khó vơi bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, Hội Chữ thập đỏ huyện Thăng Bình luôn chủ động, sáng tạo, thực hiện tốt các phong trào, hoạt động nhân đạo, từ thiện. Hội luôn lấy công tác xã hội làm trọng tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy lòng nhân ái của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; huy động hiệu quả các nguồn giúp đỡ, hỗ trợ của tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm khắp nơi, tạo điều kiện động viên, giúp đỡ những số phận không may mắn vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trong năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo địa phương tổ chức tốt việc cứu trợ, giúp đỡ các đối tượng nghèo, rủi ro, bất hạnh, đặc biệt khó khăn, các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa… Năm 2018, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, đã vận động được hơn 14.000 suất quà, hỗ trợ cho các đối tượng là hộ gia đình nghèo và nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá trên 5,5 tỷ đồng, dự kiến tết Kỷ Hợi này, Hội tiếp tục vận động khoảng 14.500 suất quà để hổ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, năm 2018 toàn huyện đã lập 326 hồ sơ đề nghị trợ giúp, kết quả đã vận động các tổ chức, cá nhân, giúp đỡ thường xuyên cho 310 đối tượng với tổng giá trị được trợ giúp trên 1,14 tỷ đồng; công tác chăm sóc hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật được quan tâm, đã vận động hỗ trợ, tặng hơn 300 suất quà cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật với số tổng số tiền trên 96 triệu đồng. Tổng giá trị vận động trong toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ tại huyện năm 2018 đạt trên 14,3 tỷ đồng; đã thực hiện các hoạt động tương trợ, cứu trợ, chăm lo cho trên 32.000 lượt đối tượng dễ bị tổn thương, neo đơn, nghèo khó, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, cho biết: “Ngoài chăm lo cho những đối tượng neo đơn, nghèo khó thì hội đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và nhân dân về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Các cấp Hội đã chủ động lập kế hoạch và phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai, chuẩn bị tiền, hàng, lực lượng sẵn sàng cứu trợ khi cần thiết và đặc biệt có phương án di dời dân vùng trũng thấp đến nơi an toàn trong mùa mưa bão. Nhờ đó, tổng giá trị công tác phòng ngừa ứng phó thảm họa năm 2018 đạt trên 2,7 tỷ đồng, trợ giúp cho trên 2.900 lượt đối tượng.
Hàng năm, công tác vận động hiến máu tình nguyện là một trong những điểm sáng trong công tác hội. Xác định hiến máu nhân đạo là nghĩa cử cao đẹp, cứu giúp được người bệnh, hội tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc làm này, từ đó cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, tích cực tham gia hiến máu cứu người, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, các xã, thị trấn triển khai thành lập CLB hiến máu 25 đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao (Bình Minh, Bình Định Bắc, Bình Tú). Đội dự bị Ngân hàng máu sống tại 22 cơ sở Hội được duy trì và củng cố, sẵn sàng hiến máu cấp cứu kịp thời khi có nhu cầu, trong năm đã tiếp nhận được trên 1.100 đơn vị máu, đạt 118% kế hoạch tỉnh giao.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động khám, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng nghèo, nạn nhân chất độc da cam/điôxin, trẻ em mồ côi và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện; tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chuẩn bị các điều kiện ứng phó với thiên tai, thảm họa để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và vật chất.

(Ảnh: Hội chữ thập đỏ huyện bàn giao nhà nhân đạo cho hộ nghèo tại xã Bình Sa.)
Bà Nguyễn Thị Lan cho biết thêm, thời gian đến, các cấp hội tiếp tục thực hiện tốt 7 hoạt động chữ thập đỏ được quy định trong Luật CTĐ. Đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, nhất là ở các cấp Hội cơ sở để góp phần thiết thực hơn nữa trong việc chăm lo đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, thực hiện hỗ trợ các chương trình mang tính phát triển bền vững để tạo điều kiện cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh và địa phương, các tổ chức trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ở những nơi khó khăn.
Có thể nhận thấy, trong những năm gần đây, hoạt động nhân đạo từ thiện trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhân rộng. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội chữ thập đỏ từ huyện đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các phong trào, khơi dậy và phát huy truyền thống nhân đạo, tương thân, tương ái. Từ đó giúp đỡ cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, giảm bớt nỗi đau, gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn./.