Qua các giai đoạn cách mạng, nông dân luôn là lực lượng hùng hậu, trung thành nhất đi theo Đảng, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nhằm nâng cao đời sống của người nông dân. Trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn”; Kết luận 61–KL/TW của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quyết định số 673 /QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ “Hội Nông dân Việt Nam thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020”; Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền của các cấp Hội Nông dân trong thời kỳ CNH-HĐH”, trong đó phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp là một chương trình trọng tâm, xuyên suốt. Đây là cuộc vận động đòi hỏi sự nỗ lực tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ để nông nghiệp phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Với vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân, những năm qua Hội nông dân xã Bình Sa đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, từ đó phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hiện nay, Bình Sa với 1570 hội viên nông dân, chiếm gần 85% số hộ nông nghiệp trong xã, do đó để phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, xác định khâu quan trọng trước tiên là phải nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của người nông dân về chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông dân.
Chính vì vậy, hội đã tập trung tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, từng bước đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như thông qua việc học tập, nghiên cứu các văn bản hướng dẫn; thông tin tại các buổi sinh hoạt định kỳ; tọa đàm, hội nghị, tập huấn; sinh hoạt ở 6 chi hội; trên hệ thống đài truyền thanh của xã. Qua đó, góp phần giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn về mục đích, yêu cầu, nội dung và cổ vũ nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng.
Trong công tác xóa đói giảm nghèo, đã giúp cho hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, được BCH hội quan tâm, quỹ hỗ trợ nông dân xã được xây dựng dựa trên nguyện vọng chính đáng của các hội viên. Hội đã tăng cường các biện pháp huy động vốn bằng nhiều hình thức như vận động người con quê hương làm ăn khá giả ở các nơi, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nguồn ngân sách của địa phương, huy động từ hội viên nông dân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã. Nhờ làm tốt công tác vận động, quỹ hỗ trợ nông dân xã đã thu hút sự tham gia đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong nhiệm kỳ qua số tiền đã vận động và ngân sách của xã hỗ trợ, đến nay nâng tổng số vốn tiền là 94.600.000đ, từ nguồn vốn này BCH Hội đã tiến hành bình xét và cho hội viên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Thông qua chương trình vốn vay cho hộ nghèo, sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường và các chương trình khác qua ngân hàng chính sách xã hội hoạt động hiệu quả, dư nợ 9,4 tỷ đồng giải quyết cho 319 hộ vay. Hội thường xuyên vận động các hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi này, đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Góp phần ổn định kinh tế, xã hội, tạo lòng tin của nông dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều mô hình kinh tế đã và đang dấy lên và làm ăn có hiệu quả như mô hình nuôi trâu sinh sản của anh Trần Ngọc Anh, mô hình sản xuất rau sạch trái vụ của anh Trần Minh Phát; mô hình nuôi gà của anh Châu Văn Bình ở Châu Khê…Qua tổng kết đánh giá có 2.872 lượt hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, đã bình xét công nhận 01 hộ đạt cấp Trung ương, 34 lượt hộ đạt cấp tỉnh, 218 lượt hộ đạt cấp huyện, 1546 lượt hộ đạt cấp xã.

Mô hình trồng rau an toàn tại thôn Tiên Đỏa
Trong phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn: Đã thu hút được đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng góp gần 100 tỷ đồng, 5.000 ngày công lao động và hiến trên 15.000 m2 đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như: nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, làm mới, sửa chữa và nâng cấp hơn 10 km đường giao thông nông thôn; cứng hóa, nạo vét, nâng cấp gần 6 km kênh mương nội đồng; xây dựng hơn nhiều mô hình điển hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Bioga trong chăn nuôi. Tích cực hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện các chương trình, kế hoạch về đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm. Các chi hội chủ động phối hợp tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…Trên tinh thần đó, hàng năm có hơn 1000 hộ đạt danh hiệu “Gia đình nông dân văn hóa”.
Những kết quả trên đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một đổi thay; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vị thế vai trò của tổ chức Hội nông dân trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của xã giảm xuống còn 7,43%, cận nghèo 4%; trên 85% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; có 6 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện 3 năm liền (2015-2017), 10 tộc công nhân tộc văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế không ngừng tăng lên, năm 2017 đạt trên 85%; 100% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 33 triệu đồng/người.
Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ đến để tiếp tục nâng cao vai trò của Hội nông dân trong phát triển kinh tế, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bình Sa lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra, Hội cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, hoạt động của Hội Nông dân cần bám sát vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thường xuyên đổi mới nội dung, cập nhật thông tin, đa dạng hóa các hình thức hoạt động theo hướng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân; giúp đỡ họ giải quyết những khó khăn trong sản xuất và đời sống để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Hai là, huy động các nguồn lực để giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng từ thoát nghèo chuyển sang no đủ và làm giàu. Phối hợp khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp, tích cực vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh trong đó chú trọng đến mô hình trồng rau sạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ.
Ba là, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về: kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá - xã hội, pháp luật. Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tập trung nhất cho việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch cánh đồng tập trung để sản xuất nông sản có thế mạnh của địa phương.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân để tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nông dân, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của xã hội. Tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào nông dân thi đua yêu nước; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để hình thành mẫu người nông dân mới, đó là: Yêu nước, yêu chế độ, đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, có nếp sống văn hóa, văn minh, sống trung thực lành mạnh và hài hoà, là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp.
Năm là, xây dựng Hội nông dân vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và thống nhất về hành động, thực sự là “Trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân”. Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, nghề nghiệp cho nông dân; tập huấn cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hoá, thôn, bảo vệ môi trường.
Sáu là, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nhằm đưa các chủ trương nghị quyết của Đảng, các chính sách của nhà nước đến với nhân dân, tăng cường công tác dạy nghề cho nông dân gắn với tư vấn hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp trực tiếp đến với nông dân nhằm phục vụ sản xuất, tăng thu nhập nâng cao đời sống của nông dân trong tình hình đổi mới hiện nay./.