Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Lương Thị Lợi – Hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong thị trấn Hà Lam vẫn rất hăng hái nhiệt tình tham gia vào công tác hội, mặc dù hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khấm khá. Từng tham gia vào liên đội thanh niên xung phong Võ Thị Sáu, sau này làm chính trị viên trưởng Đại đội C2 Quân khu 5, những năm tháng chiến tranh là khoảng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời của bà Lợi. Bà kể, chúng ta thực sự trải qua gian khổ mới thấm thía được giá trị của cuộc sống hôm nay. Câu chuyện về cựu thanh niên xung phong Võ Thị Lợi gây xúc động với chúng tôi ở chỗ, ngay sau khi lập gia đình bà Lợi mới phát hiện là mình đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Đứa con trai đầu lòng của bà cũng đã mang di chứng bởi chất độc hóa học, sau khoảng thời gian đó chồng bà cũng đã qua đời. Nỗi đau lại chồng chất nỗi đau, sau đó không lâu, con trai của bà đã mất khi chỉ mới 13 tuổi. Dù phải chịu nhiều nỗi đau là vậy, nhưng bà Lợi vẫn cố gắng vượt qua, cho đến hôm nay, chứng kiến nhiều hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh bà lại thấy… nhói lòng. Bằng trái tim của người trong cuộc bà Lợi cùng các hội viên trong Hội cựu thanh niên xung phong thị trấn Hà Lam đã mang một làn gió mới, một liều thuốc tinh thần cho các hội viên khó khăn, bất hạnh trên địa bàn. Thậm chí, những phần quà thăm ốm đau dành cho bản thân bà đều không nhận, mà để phần đó, cho các hội viên khó khăn hơn.
Còn với bà Võ Thị Hồng Vân ở tổ 4 thị trấn Hà Lam, nếu ngày nào mà không đến hỏi chuyện với các hội viên trên địa bàn thì ngày đó bà cảm thấy không yên. Năm 1966, mặc dù khi ấy mới chỉ có 16 tuổi, như bà Vân đã “lên cầu danh dự” tạm biệt người thân, quê hương để tham gia lực lượng thanh niên xung phong lên đường chống Mỹ cứu nước. Trong quá trình tham gia vận chuyển lương thực ở chiến trường Quảng Đà, bà Vân đã chứng kiến không ít đồng đội đã nằm lại trên chiến trường. Trong ngày trở về, bà Vân lại cảm thấy mình thật sự may mắn hơn những người đồng chí, đồng đội. Và chính điều đó, đã thôi thúc trong trái tim của người cựu thanh niên xung phong ấy, đó là việc giúp đỡ đồng đội bây giờ, có người vì hoàn cảnh chiến đấu trong những năm tháng ác liệt mà không có gia đình, đến bây giờ không nơi nương tựa. Cũng có người vì di chứng chiến tranh để lại, cuộc sống của họ quá đỗi vất vả khiến cựu thanh niên xung phong Võ Thị Hồng Vân cảm thấy mình thật may mắn. May mắn vì mình vẫn còn sống, vẫn còn có gia đình, con cái chăm sóc. Thế nên cứ mỗi tháng, vẫn chiếc xe đạp quen thuộc bà Vân lại đi vận động từ các tổ chức cá nhân quyên góp tiền để có nguồn kinh phí hỗ trợ các hội viên khó khăn, ốm đau. Có lúc bà Vân còn quyên góp quần áo, nhu yếu phẩm cần thiết, trao tăng lại đồng đội năm xưa. Bà Vân cho biết, tất cả là vì cái tâm và tấm lòng, chứ bây giờ ai nấy đều già cả, cái họ cần không chỉ ở vật chất mà là một lời động viên lúc về già.
Hội Cựu thanh niên xung phong thị trấn Hà Lam ra đời vào năm 2007. Hiện nay, toàn Hội có 60 hội viên, thành phần chủ yếu là những người đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Cam Pu Chia.

Đại hội Hội Cựu thanh niên xung phong thị trấn Hà Lam, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Dinh - Chủ tịch Hội thanh niên xung phong thị trấn Hà Lam, những ngày đầu mới thành lập, hội gặp rất nhiều khó khăn từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Khách quan ở đây là việc nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, chưa xây dựng được quỹ chung. Và cái khó nhất chính là việc vận động cựu thanh niên xung phong tham gia vào công tác hội. Những thành viên trong Ban chấp hành hội đã đến từng nhà động viên, vận động hội viên tham gia, điều cốt lõi mà hội hướng đến tham gia hội không phải vì quyền lợi mà đây chính là nơi để hội viên có điều kiện gặp gỡ, an ủi động viên, đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc về già, vượt qua bệnh tật để sống vui, sống khỏe.
Theo đó, vào đầu năm 2011, toàn hội đã triển khai phong trào nuôi heo đất để góp vào quỹ “nghĩa tình đồng đội”. Hằng tháng, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, mỗi hội viên sẽ mở heo đất đóng góp vào quỹ hội. Đến nay, nguồn quỹ đóng góp trong hội là hàng chục triệu đồng, từ số tiền này, hội sẽ trích ra để thăm hỏi, động viên hội viên những lúc ốm đau, bệnh tật. Xem xét những hội viên trẻ hơn để cho mượn để phát triển kinh tế, khi nào khấm khá sẽ bàn giao lại cho hội để cho hội viên khác mượn. Bên cạnh đó, sẽ tặng sổ tiết kiệm cho các hội viên neo đơn, già yếu với số tiền từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng. Vào những dịp lễ, tết sẽ trao quà cho hội viên khó khăn, giúp họ có một cái tết ấm áp hơn.
Trở về với cuộc sống đời thường hôm nay, đôi chân những người cựu thanh niên xung phong năm xưa vẫn cứ đi, họ đi với khí thế của một thời thanh xuân, như chính những gì họ đã làm được trong khói lửa chiến tranh./.