Chi tiết tin

A+ | A | A-

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THĂNG BÌNH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, ĐÔ THỊ VĂN MINH”

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 21:43 | 19/01/2017 Lượt xem: 446

Kế thừa, tích hợp những kết quả quan trọng của hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong công tác vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được phát động, hướng đến việc không ngừng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Qua 20 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thực sự phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư; đã khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh…

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” qua 15 năm thực hiện đã khẳng định được ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; phù hợp với ý Đảng, lòng dân, được sự hưởng ứng nhiệt tình của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cuộc vận động đã góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ của người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng chăm lo, giúp đỡ người nghèo, tạo điều kiện người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Kế thừa những kết quả quan trọng của hai cuộc vận động, khắc phục căn bản các hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua, đồng thời đảm bảo thống nhất nội dung trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng cộng đồng dân cư phát triển, góp phần thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chương trình, đề án của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án 04 tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Năm 2016, hưởng ứng đợt phát động của Trung ương Mặt trận, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình đã tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên toàn huyện, kết quả đã có những chuyển biến tích cực không ngừng nâng cao về mặt chất lượng, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã tạo nên những khởi sắc ở các khu dân cư trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

1. Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. 

Trong điều kiện của một huyện còn nhiều khó khăn, cuộc vận động đã tạo động lực góp phần vận động nhân dân đẩy mạnh việc phát triển kinh tế cải thiện đời sống, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của huyện. MTTQ các xã, thị trấn đã phát động nhân dân ở cộng đồng dân cư đầu tư vốn, kỹ thuật, tổ chức những vùng chuyên canh nhằm nâng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm hàng hóa bằng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Trên địa bàn huyện đã có nhiều làng nghề truyền thống, làng nghề mới được xây dựng ở nhiều địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cánh đồng mẫu đã được xây dựng, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay huyện đang triển khai thực hiện đề án tích tụ tập trung ruộng đất ở xã Bình Đào, thị trấn Hà Lam bước và tiếp tục triển khai cho các xã còn lại theo lộ trình. Những khu dân cư ở vùng trung du miền núi với lợi thế đất đồi, đất rừng nhân dân đã mở trang trại sản xuất trồng cây nguyên liệu, phục vụ công nghiệp và chăn nuôi. Các khu dân cư vùng cát ven biển phát triển ngành nghề, đầu tư ngư lưới cụ, tổ chức đánh bắt xa bờ, nuôi tôm nước lợ, hình thành các dịch vụ chế biến thuỷ sản, thu hút đông đảo người lao động ở khu dân cư góp phần nâng cao mức sống của người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Riêng các khu dân cư ở thị trấn Hà Lam đã từng bước bắt nhịp với sự phát triển các ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch giải quyết việc làm nâng cao mức sống nhân dân trên địa bàn, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phù hợp với các tiêu chí về đô thị văn minh.

Năm 2016, toàn huyện đã vận động trên 5,3 tỷ đồng đã triển khai xây dựng 47 nhà đại đoàn kết; trao hơn 300 con bò giống; trao 1.922 xuất quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; trợ cấp khó khăn, thăm hỏi cho gia đình khó khăn, hoạn nạn 2.600 xuất quà trong dịp Tết Nguyên đán... góp phần đưa tỷ lệ nghèo hằng năm giảm từ 1 – 1,5%

Thực hiện chủ trương tham gia xây dựng nông thôn mới, trong năm qua toàn huyện đã vận động được 3.690 ngày công, nhân dân đã hiến hàng ngàn m2 đất và tháo dỡ hàng trăm công trình, vật kiến trúc để làm đường giao thông nông thôn. Theo thống kê năm 2016, toàn huyện đã triển khai xây dựng 38,5 km giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; huy động nhân dân tham gia xây mới và sửa chữa 9 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trị giá 2,3 tỷ đồng; xây dựng được 7 sân bóng chuyền, sân cầu lông. Hiện nay toàn huyện có 121 khu dân cư có sân thể thao.

2. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái.   

Công tác xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư trên toàn huyện được chú trọng với các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú và thiết thực huy động sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư khi tham gia phong trào. Cùng với sự đầu tư của nhà nước cho văn hoá, nhân dân còn tham gia đóng góp ngày công, tiền để xây dựng cơ sở vật chất văn hoá. Có 126/132 khu dân cư trong toàn huyện đã xây dựng được nhà văn hoá làm điểm sinh hoạt cộng đồng, các thiết chế văn hoá từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện sinh hoạt của từng khu dân cư.

Thực hiện xã hội hoá về lĩnh vực giáo dục, quỹ khuyến học được hình thành, phát triển ở cộng đồng dân cư, trong dòng tộc. Năm qua, nguồn quỹ khuyến học huy động từ các tộc, họ lên đến hàng tỷ đồng, cấp phát học bổng và trợ giúp học tập cho con em gia đình nghèo, duy trì việc phát thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã cụ thể hóa nội dung tiêu chí cuộc vận động để phấn đấu thực hiện và bình xét danh hiệu. Chất lượng khu dân cư văn hóa, GĐVH có chuyển biến theo hướng tích cực. Năm 2016, 112/132 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, có 41.458/ 48.391 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 85,67%.

Phát huy vai trò của gia tộc trong việc nâng cao chất lượng cuộc vận động, nhiều khu dân cư hướng dẫn các tộc, họ khi xây dựng Quy ước chú trọng gắn nội dung vận động con cháu trong tộc thực hiện nếp sống văn hóa trong ứng xử; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thành lập hội nàng dâu hiếu thảo, xây dựng quỹ khuyến học của tộc để kịp thời động viên, giúp đỡ cho con em trong tộc có thành tích tốt trong học tập. Vận động con cháu bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử, trùng tu, tôn tạo nhà thờ, bia mộ nhằm bảo tồn truyền thống dòng Tộc và các di tích lịch sử được các cấp công nhận  Các Tộc họ trên địa bàn huyện tích cực vận động con cháu hiến đất, giải tỏa mặt bằng (chặt cây cối, dịch chuyển hàng quán, tường rào), di dời mồ mả, nhà thờ, đóng góp tiền, công sức để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 139/162 tộc được công nhận danh hiệu Tộc văn hóa. Có 28 tộc và 05 khu dân cư đăng ký mô hình không rãi vàng mã khi đưa tang.

Các địa phương tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong năm, các khu dân cư đã vận động được gần 800 triệu đồng giúp đỡ cho các gia đình bị thiên tai, hoạn nạn, người bị nhiễm chất độc da cam-đioxin, người già yếu không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.  

Các danh hiệu thi đua được tổ chức biểu dương, khen thưởng gắn với dịp tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” hằng năm. “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” đã trở thành ngày hội truyền thống ở khu dân cư. Đây cũng là dịp sinh hoạt chính trị - xã hội rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm ôn lại lịch sử, truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất và tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở từng khu dân cư, biểu dương các khu dân cư văn hóa, tổ đoàn kết xuất sắc, gia đình văn hoá và các cá nhân tiêu biểu; đồng thời ngày hội cũng là dịp để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố và nâng cao mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

3. Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. 

Cùng với các phong trào của địa phương, nhiệm vụ bảo vệ môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ quan trọng của từng khu dân cư. Được sự chỉ đạo tích cực của huyện, các thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các cấp đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường như: Chính quyền phối hợp với Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã xây dựng mô hình thu gom rác thải ở khu dân cư, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, mô hình thu gom vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân đã từng bước nâng cao ý thức của bà con nhân dân đối với việc bảo vệ môi trường, Đoàn Thanh niên với mô hình thắp sáng đường quê, vận động bà con tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa của hộ gia đình và của khu dân cư. Tiếp tục phát động phong trào xây dựng mô hình “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo gắn bảo vệ môi trường” tại thôn Hà Bình, xã Bình Minh. Phần lớn người dân ý thức cao trong việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, diện mạo nông thôn mới đã có những đổi thay rõ nét hơn.

4. Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới. Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia các hình thức “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” về ANTT. Nhiều mô hình đã thành lập, duy trì hoạt động như mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Tiếng loa an ninh”; “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự”, “Đoạn đường tự quản”... được triển khai thực hiện tốt ở hầu hết các xã, thị trấn.

Sự phối, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Công an và MTTQ cùng cấp đã tạo nên những kết quả nhất định trong việc duy trì xây dựng các mô hình tự quản, an toàn về an ninh trật tự. Có 120/132 khu dân cư đảm bảo an toàn về an ninh trật tự; hàng chục lượt người vi phạm pháp luật được cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ tại các khu dân cư.

Việc phối hợp triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” với các chương trình phòng chống tai, tệ nạn xã hội, đảm bảo ATGT trên địa bàn huyện được triển khai đông đảo nhân dân hưởng ứng thực hiện. Nhất là hằng năm bà con đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho ngành Công an về tố giác tội phạm. Đồng thời, hằng năm Mặt trận Tổ quốc chủ trì tổ chức diễn đàn “Công an nhân dân lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân” đã từng bước góp phần xây dựng lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ.

5. Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. 

Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được thể hiện rõ nét. Cùng với đó, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân, phát huy vai trò của nhân dân; các chính sách của Nhà nước được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch.

Kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chất lượng hoạt động Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng dần đi vào nề nếp và ngày càng có hiệu quả.  Đến nay, toàn huyện đã củng cố, kiện toàn được 22 Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 198 thành viên. Các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trong năm đã tổ chức giám sát 78 dự án, công trình xây dựng trên địa bàn khu dân cư và đã đề nghị 03 đơn vị thi công và chủ đầu tư dừng thi công để khắc phục những sai phạm trong xây dựng.

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn đã tổ chức hội nghị, diễn đàn, các cuộc họp khu dân cư và sinh hoạt đoàn thể để bà con nhân dân góp ý cho cán bộ, đảng viên, cho chi bộ, chi đoàn, chi hội các đoàn thể; giám sát chính quyền xã, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích cực đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các phần tử lợi dụng dân chủ, có hành vi gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

  Trong thời gian đến, để cuộc vận động thực sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư và đạt được những kết quả tích cực, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong huyện cần xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Xác định thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới là một nhiệm vụ  trọng tâm, thường xuyên của MTTQ các cấp. Thông qua cuộc vận động, MTTQ, các tổ chức thành viên góp phần thiết thực vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở và cộng đồng dân cư.

- Xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong đó chú trọng lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Kết luận 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị.

- Mặt trận các cấp phát huy vai trò hiệu triệu, tập hợp các tổ chức chính trị- xã hội để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, làm chuyển biến bộ mặt nông thôn, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”, hằng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp có kế hoạch phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng tổ chức chỉ đạo tốt ngày hội.

Qua quá trình triển khai cuộc vận động, với tư tưởng chủ đạo của cuộc vận động mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra là “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” và động lực để thúc đẩy cuộc vận động là “sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”. Cuộc vận động đã lan tỏa đến 132 khu dân cư trên địa bàn huyện và mang lại những kết quả thiết thực. Trong thời gian đến, để cuộc vận động thực sự là cuộc vận động của nhân dân, để nhân dân thực hiện vì nhân dân cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, lấy sức mạnh toàn dân để phát huy những tinh hoa, nhằm xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại./.

Tác giả: Võ Huấn - UVTV, Chủ tịch UBMTTQVN huyện

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031328522