Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Thị Điểm, sinh năm 1957. Với chị, đổi thay trong những năm qua như là một giấc mơ. Nhìn cơ ngơi của bản thân ngày hôm nay chị vẫn không dám tin rằng mình đã làm được. Vốn là một người mẹ đơn thân nuôi con trai, những năm trước, quanh quẩn với vài sào ruộng nuôi con ăn học, cuộc sống 2 mẹ con túng thiếu, nỗi lo cơm áo cứ thế không nguôi đeo bám, đã có lúc người mẹ ấy tự vấn liệu rằng mình có đủ sức nuôi nổi con hay không. Chị kể, thời gian đó, Hội LHPN xã Bình Trị đã kịp thời giúp cho chị nhiều mặt như hỗ trợ gạo, heo giống, quần áo, xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập để con chị được đến trường. Tuy nhiên, nếu cứ nhận được sự hỗ trợ như vậy mà chính chị không có ý chí, không quyết tâm thay đổi thì cái nghèo sẽ mãi đeo đuổi gia đình chị. Vì vậy, được sự động viên giúp đỡ của Hội LHPN xã và các cấp chính quyền địa phương, chị thường xuyên tham gia sinh hoạt phụ nữ và các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do địa phương tổ chức. Ngoài ra, chị còn chăm nghe đài, xem ti vi, học hỏi bạn bè, bà con cách làm ăn. Nhưng rồi chị tự nghĩ, là thân phụ nữ một mình lại hay đau ốm, với vài sào ruộng, vài con heo thì không cách nào để thoát nghèo được, vì vậy chị mạnh dạn tìm đến Hội LHPN xã để nhờ sự giúp đỡ. Được Chủ tịch Hội LHPN xã tư vấn, tạo điều kiện cho chị vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chị dần hình thành ý tưởng với một công việc phù hợp với sức khỏe. Trong câu chuyện của mình, chị vẫn nhớ rõ như in, cái túp lều nhỏ tại ngã ba Bình Trị được chị dựng khi ấy để bán hàng tạp hóa. Thời gian đó, buổi sáng chị ra bán hàng, buổi chiều lại tất tả về nhà chăm heo nái. Không ngại khó, không ngại học hỏi, chị đăng ký tham gia các lớp tập huấn nuôi heo theo phương pháp mới do Hội phụ nữ xã tổ chức. Nhờ đó mà áp dụng được các phương pháp mới vào chăn nuôi nên đã thu được kết quả cao. Với số vốn kha khá từ 2 lứa heo sữa đầu tiên, chị tiếp tục đầu tư nuôi thêm gà thả vườn để tăng thêm thu nhập.
Năm 2009, Chợ Bình Trị thành lập, chị đăng ký một quầy tại chợ để buôn bán, lúc này chị được Hội phụ nữ xã tín chấp với ngân hàng Chính sách xã hội cho vay lên 20 triệu đồng để mở rộng buôn bán, tăng thêm các mặt hàng gốm sứ, nhựa, đồ gia dụng… Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, công việc buôn bán của chị có nhiều thuận lợi. Từ đó việc làm ăn của gia đình có nhiều thay đổi, chị có điều kiện nuôi con ăn học và mua một số đồ dùng trong gia đình. Ngôi nhà tạm bợ cũng được xây dựng kiên cố hơn nhờ số tiền chị dành dụm được từ việc buôn bán, nuôi heo, nuôi gà.
Nhận thấy kinh tế gia đình có phần phát triển, năm 2011, chị đăng ký với thôn xin thoát nghèo. Năm 2012, việc buôn bán có hiệu quả nên chị mở rộng thêm một số mặt hàng và bán tại chợ suốt cả ngày, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 4.000.000đ đến 5.000.000đ. Đến nay gia đình chị đã có nhiều thay đổi, tuy chưa phải là một hộ giàu của xã nhưng so với trước đây chị thấy gia đình mình khá hơn trước rất nhiều. Chị tâm sự đây là điều mà trước đây chị không dám tin là mình có thể thực hiện được.
Theo bà Nguyễn Thị Pho- Chủ tịch Hội LHPN huyện, bên cạnh việc phát triển kinh tế, bản thân chị Điểm còn thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Hội phụ nữ xã phát động, chị tham gia mô hình “Nuôi heo đất” để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo, tham gia nhóm góp vốn quay vòng để có vốn đầu tư vào buôn bán và giúp cho chị em cần vốn sản xuất, kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Pho cho biết: “Không chỉ là một người phụ nữ đầy nghị lực trong phát triển kinh tế, chị luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của Hội, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gia đình chị nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa. Gia đình chị cũng tham gia đầy đủ các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện gia đình 5 không 3 sạch”.”
Cuộc sống quá đỗi khốn khó đã có lúc người phụ nữ ấy tưởng như chùn chân trước thực tại nhưng với hướng suy nghĩ suy tích cực, sự quyết tâm bền bỉ cùng với sự đồng hành của địa phương, của Hội LHPN, chị đã vươn lên thoát nghèo. Có lẽ, một khi đã rơi vào cùng cực, vươn lên hoàn cảnh hay chấp nhận chung chịu là do chính mình, và chị, người phụ nữ là chủ hộ, đã vượt khó vươn lên để trở thành một người mẹ vĩ đại, đầy tuyệt vời với con trai của mình./.