Cứ như một thói quen, chị Nguyễn Thị Tám- chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tổ 20 thôn Phước Châu, xã Bình Triều lại trích ra 10.000 đồng để ghi tên đầu tiên vào danh sách đóng tiền quỹ đầu tháng. Những nét chữ ngoằn ngèo nhưng lúc nào cũng đầy đủ 45 cái tên của các thành viên câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Hơn 10 năm qua, mọi thứ đều có thể đổi thay nhưng ba thành viên trong Ban chủ nhiệm vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Họ như những chú ong chăm chỉ vun đắp cho chiếc tổ của mình. Chị Nguyễn Thị Tám- Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái đã trở thành một sợi chỉ đỏ xuyên suốt để duy trì câu lạc bộ cho đến ngày hôm nay.
Năm 2005, khi đó chị Nguyễn Thị Tám là một trong những thành viên của Hội LHPN xã Bình Triều đi sinh hoạt, giao lưu với các Hội cơ sở khác trên địa bàn huyện Thăng Bình. Trong quá trình giao lưu, nhiều địa phương đều có mô hình nổi bậc để báo cáo thành tích. Nhìn lại địa phương mình, chị cảm thấy chột dạ. Cuối cùng, chị Tám họp bàn với các thành viên trong tổ và thống nhất thành lập câu lạc bộ với cái tên gia đình hạnh phúc. Theo chị Nguyễn Thị Tám, không phải ngẫu nhiên mà đặt tên gia đình hạnh phúc. Ở cái tổ 20 này chỉ có trên 60 nóc nhà, trừ những người già yếu, neo đơn, mỗi khi sinh hoạt giao lưu hay hội họp, các cặp vợ chồng đều tham gia rất sôi nổi. Thêm vào đó, nhiều gia đình ở đây sống rất hạnh phúc. Các phong trào do địa phương phát động họ hưởng ứng nhiệt tình. Nên câu lạc bộ mới quyết định lấy tên này. Đó cũng chính là mục tiêu mà câu lạc bộ luôn hướng đến.
Thuở sơ khai thành lập đã có 45 thành viên tham gia và duy trì tiếp tục đến ngày nay. Lúc ấy, mỗi thành viên trong câu lạc bộ đóng góp chỉ vỏn vẹn 2.000 đồng/tháng. Đến 4 năm sau, số tiền quỹ bắt đầu nhân lên, các thành viên trong câu lạc bộ bàn nhau mua một con bò cái sinh sản trị giá 7 triệu đồng. Hộ đầu tiên nhân nuôi chính là Chủ nhiệm câu lạc bộ chị Nguyễn Thị Tám. Chỉ vài năm sau, con bò đã sản sinh ra nhiều lứa, rồi cứ thế chuyền từ hộ này cho đến hộ thứ 6 trong tổ. Chị Lê Thị Hà- Chi hội trưởng phụ nữ thôn Phước Châu, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, khi con bò cái sinh được một năm thì sẽ tiếp tục chuyển đến hộ khác. Con bê con, hộ gia đình giữ lại. Sau đó bán đi, hộ gia đình sẽ phải nộp lại 50% giá trị con bò cho câu lạc bộ. Còn lại 50%, hộ gia đình giữ.

Ảnh: Chị Lê Thị Hà- Phó chủ nhiệm câu lạc bộ đang giữ nguồn quỹ là những con bò của câu lạc bộ.
Chuyển con bò đầu tiên từ hộ này sang hộ khác, đến nay quỹ của câu lạc đã dôi dư được 2 con bò mẹ, 2 bê con và 20 triệu đồng. Nhờ cách làm hay này, thời gian qua, tổ 20 đã có 10 hộ đăng ký và đã thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, trong những năm qua, câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt để chị em học tập và đăng ký 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hưởng ứng cuộc vận động này, câu lạc bộ đã gây quỹ tình thương, mỗi tháng 10.000 đồng/thành viên. Đến nay, quỹ này đã có tổng số tiền trên 12 triệu đồng. Số tiền này, câu lạc bộ cho 10 lượt chị vay không lãi với thời hạn từ 3 đến 6 tháng. Bên cạnh đó, câu lạc bộ đã tổ chức thăm hỏi động viên chị em bị ốm đau, hỗ trợ khó khăn đột xuất. Mỗi năm đều tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ để hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Từ khi thành lập cho đến nay, câu lạc bộ chưa có gia đình nào có con hư hỏng. Tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa là trên 95%. Trong năm 2014, 2015, không có hộ nào vi phạm tỷ lệ sinh 3 trở lên. Những thành tích đạt được, thời gian qua, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tổ 20 được UBND xã Bình Triều, Hội LHPN huyện Thăng Bình tặng nhiều giấy khen. Bà Nguyễn Thị Pho- Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, trong nhiều năm qua, Hội LHPN huyện chỉ đạo hội cơ sở thành lập các mô hình trợ lực trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đến nay, toàn huyện đã có trên 600 mô hình với nhiều tên gọi khác nhau với mục đích là giúp các hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đối với mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tổ 20 thôn Phước Châu, Bình Triều. Đây là mô hình được thành lập trên tinh thần tự nguyện từ rất lâu. Được duy và phát triển cho đến hôm nay chính là nhờ sự đoàn kết, thống nhất của các thành viên trong câu lạc bộ. Mô hình này làm rất nhiều việc ý nghĩa, thiết thực, đặc biệt trong phòng trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.