“Trao cần câu, chứ không trao…”
Ngày đầu tiên được sống trong căn nhà mới tràn ngập tình yêu thương của cả cộng đồng, chị Phan Thị Liễu thôn Thanh Ly 2 xã Bình Nguyên nhắc đi nhắc lại cụm từ :“Mình phải xin thoát nghèo” . Bởi khi đã “an cư lạc nghiệp”, chị Liễu không muốn trông chờ vào sự ưu ái của Hội phụ nữ và cộng đồng mà muốn tự lực vươn tới một cuộc sống khấm khá hơn. Mới năm trước thôi, chị Liễu vẫn còn phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã Bình Nguyên, sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư, anh em trong dòng tộc đã giúp chị Phan Thị Liễu làm được một căn nhà mới khá khang trang, kiên cố như bây giờ. Ngôi nhà có tổng kinh phí trên 60 triệu đồng, trong đó Hội LHPN huyện Thăng Bình hỗ trợ 15 triệu đồng. Hội LHPN xã Bình Nguyên hỗ trợ 10 triệu đồng. Trong suốt quá trình thi công, chị em phụ nữ và hội viên nông dân thôn Thanh Ly 2 cũng đã hỗ trợ nhiều ngày công vận chuyển vật liêu xây dựng.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Pho - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình trao bò cho phụ nữ nghèo
Năm 1975, Chị Phan Thị Liễu là thanh niên xung phong, hai năm sau đó chị tham gia lực lượng vũ trang của xã, năm 1978 đến 1979, chị Liễu tham gia bộ đội tình nguyện tại Campuchia. Cả tuổi thanh xuân chị đã cống hiến cho Tổ quốc. Trở về quê nhà, chị Liễu sinh được đứa con gái nhưng hoàn cảnh gia đình luôn gặp khó khăn với người mẹ đơn thân. Các hội, đoàn thể xã Bình Nguyên cũng đã vận động trao 2 con bò cái sinh sản trị giá hơn 25 triệu đồng cho gia đình chị Liễu. Năm 2014, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã trao cho chị một cặp bò và một ngôi nhà tình thương. Chị Phan Thị Liễu tâm sự “Mấy năm nay, tôi được sự chở che giúp đỡ của bà con, xóm giềng. Nay, gia đình tôi được hỗ trợ cặp bò, tôi sẽ tích cực chăn nuôi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Chị Huỳnh Thị Nhung ở thôn Bình Trúc 2, xã Bình Sa cũng có một hoàn cảnh rất khó khăn, 17 năm về trước anh Nguyễn Lãnh chồng chị đã ra đi sau 2 năm vật vã với căn bệnh ung thư dạ dày, để lại cho chị 2 đứa con nhỏ cùng căn nhà nhỏ trống trơ, những thứ quý giá nhất cũng đã đi theo anh để chữa bệnh. Hụt hẫng và vô vọng khi nghĩ đến tương lại. Nhưng rồi nhìn 2 đứa con còn quá nhỏ, chị Nhung lại gạt nước mắt đứng lên. Chị tất tả mượn tiền từ bà con, họ hàng để bắt đầu công việc chăn nuôi bò phát triển kinh tế. Cuộc sống lúc này cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều nhưng gia đình chị vẫn là một trong những hộ nghèo nhất nhì của xã Bình Sa. Sau khi, UBND xã Bình Sa rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Nắm được danh sách gia đình chị Huỳnh Thị Nhung nằm trong những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, Hội LHPN xã Bình Sa đã hỗ trợ 2 con heo giống sinh sản cho gia đình chị. Cũng thông qua kênh của Hội LHPN huyện Thăng Bình, hộ gia đình chị Huỳnh Thị Nhung đã được vay số tiền 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Sau khi nhận 30 triệu đồng, chị Nhung bắt đầu mua thêm bò, làm chuồng và số tiền còn lại chị lại mua heo để chăn nuôi. Năm 2011, chị Huỳnh Thị Nhung là một trong những hộ nghèo đầu tiên xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Bình Sa. Chị Nhung tâm sự: “Hai đứa con đã tốt nghiệp Đại học hiện nay cũng đã có việc làm ổn định. Còn bản thân mình, cuộc sống bây giờ khá hơn trước rất nhiều”.
Chị Liễu và chị Nhung là hai trong số rất nhiều phụ nữ làm chủ hộ đã được nhận hỗ trợ thông qua các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững của Hội LHPN huyện Thăng Bình trong nhiều năm qua.
Hiệu quả của phong trào
Bà Nguyễn Thị Pho - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo cho Hội LHPN cơ sở tập trung rà soát các đối tượng hộ nghèo, chú trọng đến phụ nữ làm chủ hộ. Bởi đây là nhóm đối thượng rất khó thoát nghèo vì bản thân phụ nữ là chủ hộ. Từ việc phân tích nguyên nhân hộ nghèo từng năm và xác định địa chỉ, hằng năm Hội LHPN huyện Thăng Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội”.
Hội LHPN huyện đã huy động nguồn vốn trên 4 hình thức tiết kiệm: góp vốn quay vòng, tài khoản tín dụng, tiết kiệm tại chi, tổ, các chương trình dự án đã có 16.990 hội viên tham gia với số tiền trên 7 tỷ đồng cho 3.650 phụ nữ nhận vay. Trong năm 2014, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã trao 89 con heo giống; 5 con bò giống và hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà tình thương cho chủ hộ phụ nữ nghèo. Đồng thời chỉ đạo Hội LHPN 22 xã, thị trấn đăng ký mỗi năm giúp từ 2-3 phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo.Từ năm 2011 đến 2013, Hội LHPN cơ sở đăng kí giúp thoát nghèo 135 hộ, kết quả đến cuối năm 2013 đã giúp cho 115 hộ phụ nữ nghèo là chủ hộ thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã phối hợp với các nghành liên quan như Trạm khuyến nông, Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng KT-HT, tranh thủ dự án cải thiện chuỗi giá trị chăn nuôi lợn để giảm nghèo do Tổ chức IDE tài trợ, đã mở lớp tập huấn, trồng trọt cho trên 31.000 hội viên phụ nữ. Trên cơ sở hỗ trợ về kiến thức, Hội đã vận động chị em phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gần 7.000 phụ nữ được hỗ trợ nguồn vốn vay thông qua các chương trình của Ngân hàng CSXH huyện và nguồn vốn của Hội LHPN tỉnh Quảng Nam với tổng số tiền trên 134 tỷ đồng, trong đó trên 2.100 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được tiếp cận nguồn vốn. Tính đến tháng 6/2014, toàn huyện Thăng Bình có 4.491 phụ nữ nghèo là chủ hộ được Hội giúp đỡ, trong đó thoát nghèo 708 hộ. Đối với công tác đào tạo nghề, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của lao động nữ nông thôn, đến tháng 5/2014 có trên 3.200 phụ nữ có nhu cầu đào tạo nghề. Hội đã phối hợp với các ngành chức năng đào tạo nghề mây tre đan, may công nghiệp, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Qua đào tạo đã giới thiệu việc làm cho gần 1.000 chị. Song song với công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển bền vững, hội LHPN huyện Thăng Bình cũng thực hiện tốt các cuộc vận động ”xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn 132 thôn trong huyện. Tiếp tục duy trì hoạt động 22 mô hình bảo vệ môi trường: “Giỏ rác nhà ta và con đường tự quản”, “Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường”; 25 ”Chi hội phụ nữ tự quản môi trường xanh-sạch-đẹp”, thành lập mới 6 chi hội tự quản, nâng lên 31 mô hình.
Có thể thấy rằng, trong nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã tổ chức thực hiện tốt các phong trào do Hội cấp trên giao. Bên cạnh đó, vận dụng nhiều cơ chế, chính sách giúp đỡ hỗ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm được giao góp phần phát triển kinh tế, xã hội của huyện.