Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thực trạng và những giải pháp nhằm phát huy vai trò của phụ nữ huyện Thăng Bình trong hệ thống chích trị

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 8:50 | 16/10/2014 Lượt xem: 840

Hiện nay hơn một nửa dân số huyện Thăng Bình là nữ giới, vì vậy phụ nữ có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng và các hoạt động khác của đời sống xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó các chỉ tiêu về cán bộ nữ cần đạt được vào năm 2020. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, trong đó mục tiêu về “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”; Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTHĐ/HU về việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW.

Những văn bản chỉ đạo nêu trên cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong đó huyện Thăng Bình cũng đã ban hành nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. Như vậy, có thể nói, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm phát triển nguồn nhân lực nữ, lực lượng hiện chiếm hơn 50% dân số và khoảng 48% lực lượng lao động của huyện, là một giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Qua thống kê, kết quả thực hiện bình đẳng giới của huyện Thăng Bình nói chung được xếp hạng cao so với nhiều huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Nam. Trong đó tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực chính trị từng bước được nâng lên. Hiện nay HUV khóa XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 06/42 Đ/c đạt tỷ lệ 15,8%; mặt bằng chung toàn tỉnh là 10,18%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân Huyện nhiệm kỳ 2011-2016 là 08/37 đại biểu, chiếm 21,62%; tỷ lệ nữ cấp ủy xã, thị trấn là 41/285 Đ/c, chiếm 14,38%; Tính đến hết tháng 02/2014, có 11/30 cơ quan trực thuộc có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 36,66%; có 10/22 xã, thị trấn có cán bộ nữ đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Chủ tịch UBMTTQVN chiếm tỷ lệ 45,45%; Đặc biệt như xã Bình Tú, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội có 02 cán bộ nư đảm nhiệm chức vụ chủ chốt; khóa XIX Thăng Bình có 01 ủy viên Ban Thường Vụ là nữ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và thách thức. Với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam nói chung, huyện Thăng Bình nói riêng vẫn đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu. Phụ nữ được trông đợi như một nhân lực chính để duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Chính điều này đã phần nào hạn chế sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Mặc dù đội ngũ cán bộ nữ đã tăng cả về chất lượng và số lượng nhưng vẫn còn thấp so với nam giới, chưa tương xứng với tiềm năng và đông đảo lực lượng lao động nữ. Những con số thống kê cho thấy Thăng Bình có nguy cơ không đạt được các chỉ tiêu về cán bộ nữ như trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đề ra.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị còn thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau:

Về nguyên nhân khách quan:

Những định kiến giới vẫn còn tồn tại trong ý thức của nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, miền biển, miền núi. Thậm chí một số người đã được vào Đảng những vẫn không bài trừ được lối suy nghĩ “trọng nam khinh nữ”, luôn đề cao vai trò của nam giới và đánh giá thấp năng lực của phụ nữ. Điều đó thể hiện ở việc những vị trí chủ chốt, quan trọng hầu hết do nam giới đảm nhận và tỷ lệ nam giới trong lĩnh lực chính trị luôn chiếm số lượng lớn, đa số trong các địa phương, các ngành nam giới đều chiếm hơn 2/3.

Bên cạnh đó, xã hội hiện nay vẫn còn giữ quan niệm trong việc phân công lao động; Phụ nữ được biết đến với vai trò hiển nhiên là một người vợ, một người mẹ trong gia đình. Công việc nội trợ thường chiếm một lượng thời gian khá lớn nên rất khó để một người phụ nữ vừa làm trọn bổn phận trong gia đình, vừa hoàn thành tốt công việc ngoài xã hội. Chính sự đánh giá thiếu khách quan đó đã gây nên sự nhìn nhận thiếu chính xác về năng lực thật sự của người phụ nữ, là một vật cản khiến cho những người phụ nữ khó tiến thân hơn trong sự nghiệp.

Điều kiện về thể chất của nữ giới thường kém hơn nam giới, nên thời gian nghỉ hưu của phụ nữ bắt đầu sớm hơn nam giới 5 năm. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân giải thích cho việc phụ nữ khó có được đỉnh cao sự nghiệp như nam giới, vì thế tỷ lệ nữ giới nắm vai trò quản lý, lãnh đạo cũng bị hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan:

Từ những nguyên nhân khách quan kể trên đã tác động tới tâm lý của nhiều phụ nữ; một số người còn mặc cảm với những nhìn nhận, đánh giá của xã hội dành cho mình. Hơn nữa, vì không được trang bị đầy đủ kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên họ còn thiếu tự tin, không mạnh dạn nhận và tham gia vào những công việc trong lĩnh vực chính trị.

Tuy Đảng và Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia công tác chính trị - xã hội nhưng số lượng còn kim tốn và thiếu sự thi hành đồng bộ giữa các địa phương, đơn vị, thiếu sự giám sát chặt chẽ trong việc nâng cao ý thức của người dân về bình đẳng giới. Điều đó chứng tỏ rằng còn nhiều thiếu sót trong công tác tuyên truyền và phổ biến các Văn kiện, nghị quyết của đảng, chương trình mục tiêu về bình đẳng giới tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những yếu tố trên chính là nguyên nhân khiến phụ nữ không thể tham gia vào công tác chính trị.

Để nâng cao tỷ lệ nữ giới tham gia vào lĩnh vực chính trị, từ những nguyên nhân trên, chúng ta có thể thực hiện những giải pháp cụ thể sau.

* Về phía những người phụ nữ:

Thứ nhất, để loại bỏ được sự yếu thế của phụ nữ trên trường chính trị, không ai khác chính những người phụ nữ phải tự giải phóng cho mình. Họ cần phải loại bỏ sự tự ti, cái suy nghĩ “an phận thủ thường” và phải tin vào năng lực của mình.

Thứ hai, để có được sự tự tin cần thiết, phụ nữ phải cố gắng trau dồi kiến thức và những kĩ năng cần thiết để có thể tham gia vào công tác chính trị - xã hội.

Thứ ba, làm mẹ và làm vợ vẫn là thiên chức của người phụ nữ, họ không thể chỉ làm công tác xã hội mà quên đi nhiệm vụ đó và để thực hoàn thành tốt tất cả những vai trò đó, người phụ nữ cần phải học cách sắp xếp, tổ chức thời gian thật hợp lý. Bên cạnh đó, họ có thể nhờ tới sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình để hoàn thành vai trò của một người nội trợ được tốt hơn, để giành thời gian cho công việc bên ngoài.

Thứ tư, công việc nào cũng được xây dựng trên cơ sở hợp tác, cùng giúp đỡ lẫn nhau. Việc xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh sẽ đem đến cho người phụ nữ nhiều cơ hội hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiến thân hơn trong sự nghiệp.

* Về phía xã hội:

Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền cần có sự quan tâm thỏa đáng, ban hành nhiều chính sách, biện pháp phù hợp để đảm bảo cho việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, tạo điều kiện cho tất cả mọi phụ nữ đều được bồi dưỡng, học tập tiếp thu tri thức.

Tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm tạo điều kiện cho những người phụ nữ được giao lưu, học hỏi nhằm nâng cao kĩ năng làm việc, bảo đảm cho sự tiến bộ của phụ nữ.

Tăng cường công tác tuyên tuyền nâng cao ý thức của người dân, giúp họ loại bỏ những định kiến, những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, cho họ có cái nhìn đúng đắn hơn về năng lực của phụ nữ hiện nay.

Khuyến khích, động viên nam giới cùng tham gia chia sẻ công việc gia đình để giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ.

Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trong những thành tựu mà huyện Thăng Bình đã đạt được có sự đóng góp tích cực của các tầng lớp phụ nữ. Là một lực lượng lao động xã hội đông đảo, phụ nữ Thăng Bình đã tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng với sự hội nhập và phát triển chung của đất nước. Cho dù là ở lĩnh vực chính trị hay lĩnh vực nào đi nữa thì sự đóng góp của người phụ nữ là vô cùng quan trọng. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương sẻ quan tâm hơn nữa và có những giải pháp cơ bản để thực hiện tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XIX đã đề ra.

Tác giả: Nguyễn Thanh Phong – HUV, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy

Nguồn tin: Bản tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031405485