Chi tiết tin

A+ | A | A-

Một bệnh binh nuôi tôm giỏi

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 8:50 | 10/10/2014 Lượt xem: 966

Thực hiện lời dạy của Bác: “tàn nhưng không phế” cựu chiến binh - bệnh binh 2/3 Lê Hồng Vương ở tổ 4 thôn Lạc Câu xã Bình Dương đã khắc phục khó khăn vươn lên trở thành nông dân sản xuất giỏi với mô hình nuôi tôm sú ven sông Trường Giang đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân học tập và làm theo.

               Đi qua cuộc chiến                                                                                   

      Xuất thân trong một gia đình là cơ sở nuôi giấu cán bộ lãnh đạo của tỉnh và huyện hoạt động bí mật tại xã Bình Dương, ông Lê Hồng Vương ở tổ 4 thôn Lạc Câu sớm giác ngộ gia cách mạng. Năm 17 tuổi, ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” chàng trai Lê Hồng Vương là thanh niên chèo thuyền rất giỏi và được giao nhiệm vụ giao liên đưa đón cán bộ lãnh đạo tỉnh và huyện đi họp bằng đường sông, rồi nhận truyền đơn, tài liệu theo sự phân công của tổ chức. Ông Vương nhớ lại: “Những năm 1960 - 1963, tụi lính Mỹ lùng sục ráo riết đến tận nhà bắt thanh niên đi lính, có lần đang chèo thuyền trên sông nhận tài liệu về, tụi lính phát hiện ra hiệu cho tôi đưa thuyền vào bờ để chúng khám xét. Trước tình huống căng thẳng này, tôi liền thả tất cả các thùng sắt đựng tài liệu xuống sông phi tang”. Nhờ tinh thần mưu trí, dũng cảm của ông Vương mà lực lượng của ta được đảm bảo an toàn trong một thời gian dài. Đến năm 1964, do chỉ điểm, cơ sở bí mật hoạt động tại nhà ông Vương bị lộ nên ông thoát ly lên núi gia nhập vào đơn vị bộ đội V15. Trong một trận đánh quyết liệt vào cầu ông Triệu xã Bình Định năm 1966, ông Vương đã bị thương ở đầu. Đất nước thống nhất, ông Vương về lại quê nhà ven sông Trường Giang được công nhận là bệnh binh 2/3.
                   

        Nông dân sản xuất giỏi                                                                                            

      Về quê hương Bình Dương 3 lần anh hùng, ông Vương tiếp tục tham gia công tác tại thôn Vạn Ghe, rồi ông lập gia đình với chị Huỳnh Thị Phụng, cũng là giao liên chèo thuyền đưa đón cán bộ hoạt động cách mạng trước đây. Các con ông lần lượt ra đời, là niềm vui và hạnh phúc của vợ chồng ông nhưng cũng là nỗi lo cơm áo luôn đè nặng. Bởi những năm đầu sau chiến tranh, cũng như nhiều nông dân khác, ông phải bắt tay vào sản xuất trên các cánh đồng hoang hóa với không ít bom mìn còn sót lại, đồng ruộng khô cằn vì thiếu nước tưới nên dù có bỏ bao công sức, cần cù “một nắng hai sương”, năng suất vẫn thấp, không đủ trang trải cho cái ăn hàng ngày cho một gia đình 8 người. Vợ chồng ông Vương xoay xở đủ nghề từ làm nông kiêm thêm nghề chươm, nò, rớ; khai thác thủy sản trên sông Trường Giang để tăng nguồn thu nhập. Trong “cái khó ló cái khôn”, sau quá trình đánh bắt cua, tôm, cá, ông suy nghĩ tại sao không đào một cái hồ để nuôi tôm cua. Năm 1995, ông cùng hai người con trai lớn bắt tay thực hiện ý tưởng táo bạo này. Ông đến UBND xã Bình Dương xin phép được khai hoang 5.000 m2 tại cồn Lạc Câu để đắp hồ nuôi tôm sú. Kể lại thời gian khổ của cha con ông khi triển khai đắp hồ nuôi tôm, ông Vương cho biết: “Thời kỳ đó đắp hồ khó khăn lắm chứ không như bây giờ, phải gánh từng gánh đất để đắp, nhiều người thấy cha con tôi làm quần quật từ năm này qua năm khác đều lắc đầu khó hiểu, có người còn cho cha con tôi làm chuyện không giống ai”. Qua 2 năm ròng rã gánh đất đắp hồ, cha con ông Vương mới hoàn thành xong hồ nuôi tôm. Đất không phụ công người, vụ tôm đầu tiên ông thả 3 vạn tôm sú giống, mặc dù ban đầu chưa am hiểu kỹ thuật nuôi, nhưng sau gần 3 tháng chăm sóc đã cho ông Vương trúng đậm và thu được 160 triệu đồng. Thấy nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục mở rộng diện tích thêm 3.500 m2 nữa cũng tại cồn Lạc Câu đưa vào nuôi tôm sú. Với nghề mới này, gia đình ông Vương đã hết khó khăn và có tích lũy. Năm 2001, học theo ông Vương, hơn 30 hộ dân ở ven sông Trường Giang đã khai thác cồn Lạc Câu để nuôi tôm và có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ đã đến học cách nuôi tôm đã được ông tận tình chỉ giúp. Giờ đây trên diện tích 5.000 m2, ông Vương thả 3 vạn tôm sú giống kết hợp nuôi 300 con cua. Thu nhập từ nuôi cua đủ để ông trang trải chi phí cho nuôi tôm nên mỗi năm sau 2 vụ tôm sú, ông có nguồn thu hơn 100 triệu đồng. “Từ khi nuôi tôm đến nay, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và lịch thời vụ nên chưa có vụ nuôi mô tôi bị lỗ vốn, dịch bệnh cũng ít xảy ra, nên thu nhập ổn định”. Ông Vương nói.

         Để giảm chi phí và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông mua bánh dầu về xay thành bột làm thức ăn cho tôm, cua là chính. Ở Bình Dương lượng bánh dầu nhiều lại rẻ, nên sau mỗi vụ thu hoạch đậu phụng, nông dân có bánh dầu để bán, ông thường mua với số lượng lớn để dự trữ.

         Ông Phan Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Dương rất tâm đắc với mô hình nuôi tôm sú đầu tiên ở xã Bình Dương của ông Lê Hồng Vương, mở ra thêm một nghề mới cho nông dân địa phương. “Từ một cựu chiến binh - bệnh binh 2/3, ông Vương đã khắc phục khó khăn vươn lên trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp xã nhiều năm liền, gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương và được UBND xã Bình Dương công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu” -  Ông Phan Phước Sơn nhận xét./.

Tác giả: Thúy Ưu

Nguồn tin: Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031405607