Khai thác tối đa tiềm năng
Trong quy hoạch phát triển vùng Đông Nam của tỉnh, Thăng Bình được xác định nằm trong cụm động lực số 2, với vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội hành lang khu vực Trung Quảng Nam. Đồng thời là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, có 8 xã nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. Lợi thế về đất đai, cùng với chiều dài 25 km bờ biển đẹp, có 26 km sông Trường Giang, 27 km đường bộ ven biển, đường Võ Chí Công và quỹ đất rộng lớn dọc hai bên các tuyến đường này, vùng Đông Thăng Bình có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị, công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai các dự án trọng điểm tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần thay da, đổi thịt vùng cát ven biển bao đời gian khó, vừa tạo tiền đề, lan tỏa để phát triển vùng Trung và vùng Tây còn nhiều khó khăn của huyện. Do đó, trong suốt thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình đã nỗ lực, phấn đấu, chung sức đồng lòng tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TU ngày 29/3/2016 về định hướng, giải pháp thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam của tỉnh và các dự án đầu tư bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh cho vùng Đông Nam của tỉnh.
Để đưa những chủ trương lớn của tỉnh đi vào thực tiễn, Thăng Bình đã triển khai thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, tổ chức lập, hoàn thiện hồ sơ các Quy hoạch vùng huyện; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Minh giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030; tập trung quy hoạch và đầu tư các khu tái định cư, khu nghĩa trang nhân dân tại các xã vùng Đông; tổ chức khảo sát và lập quy hoạch đầu tư các dự án phát triển nhà ở theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 16/01/2019 của UBND tỉnh tại các xã vùng Đông và vùng lân cận. Chỉ đạo thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai các xã vùng Đông đạt kết quả tích cực. Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, bồi thường, GPMB, tái định cư để triển khai Dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An với tổng diện tích 179,2 ha tại các xã Bình Dương và Bình Minh đã đi vào hoạt động, góp phần giải quyết cho hơn 1.500 lao động; Dự án Khu nghĩ dưỡng Nam Hội An có diện tích 224,52 ha thuộc xã Bình Dương. Phối hợp cới các ngành của tỉnh, các chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư để đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch như đường Võ Chí Công, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các tuyến giao thông giao thông kết nối với đường cao tốc, với Quốc lộ 1A, 14E... và xây dựng một số cầu vượt sông Trường Giang.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định định hướng phát triển vùng Đông huyện trong giai đoạn 2020-2025 là: Tập trung khai thác tối đa lợi thế vùng biển và ven biển để phát triển mạnh dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản và công nghiệp sạch. Tiếp tục phối hợp với BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai để quy hoạch, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn vùng Đông của huyện theo định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh. Triển khai thực hiện mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng, Khu công nghiệp Đông Quế Sơn về phía Thăng Bình. Hình thành khu công nghiệp Đông Nam Thăng Bình theo định hướng (800 ha), thu hút phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp khác. Xây dựng, phát triển khu đô thị Đông Nam Thăng Bình tại các xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Triều, Bình Sa, Bình Nam; phối hợp triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao… Đẩy mạnh liên kết vùng Đông với các địa phương lân cận để phát triển du lịch, dịch vụ, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, dịch vụ giáo dục đào tạo cao cấp và trung cấp. Tiếp tục giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đã được cấp phép đầu tư. Xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, hình thành các khu vực đô thị năng động, các khu dân cư tập trung, các khu tái định cư gắn với quá trình đô thị hóa. Tập trung phát triển kinh tế biển; nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, nuôi tôm công nghệ cao.

(Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI)
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thăng Bình quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:
Trước hết, cần khơi thông tư tưởng, tạo đồng thuận cao trong Nhân dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong triển khai các nhiệm vụ để xây dựng Thăng Bình thành vùng động lực phía Đông của tỉnh. Tạo chuyển biến rõ nét, để người dân xem nhiệm vụ phát triển vùng Đông là yêu cầu, nhiệm vụ để thay đổi cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn.
Thứ hai, sẽ xây dựng và ban hành Nghị quyết về công tác sắp xếp dân cư, tái định cư và cải táng mồ mả trên địa bàn các xã vùng Đông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm vùng Đông – Đây được xem là giải pháp tháo “nút thắt” để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhân tố con người là khâu quan trọng, vì vậy, huyện sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn Tổ công tác vùng Đông của huyện và tiếp tục điều chuyển, sắp xếp, củng cố các chức danh chủ chốt các xã vùng Đông đảm bảo đủ năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, tổ chức thực hiện các dự án trên địa bàn.
Thứ ba, tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Hoàn thiện các Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện, Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Minh trình phê duyệt làm cơ sở định hướng trong công tác quản lý đất đai, quản lý hiện trạng và thu hút đầu tư. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai làm cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Đối với các đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì tiến hàng rà soát và ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện ngay; trong đó chú ý đến hạ tầng kỹ thuật khung đảm bảo khớp nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; trường hợp các đồ án quy hoạch không thể thực hiện thì xem xét hủy bỏ quy hoạch và công bố rộng rãi cho nhân dân khu vực biết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý hiện trạng, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án. Trong đó, chú trọng công tác xác nhận nguồn gốc đất để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, hoàn thiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Thứ tư, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển thành 3 vùng theo định hướng đã xác định, cụ thể: Vùng Đông: gồm 08 xã ven biển và ven sông Trường Giang, trong đó trung tâm là Bình Minh, phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại V trong năm 2020. Định hướng phát triển ngành mũi nhọn là dịch vụ. Theo đó phải hình thành các du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị sinh thái ven biển, du lịch cộng đồng ven sông. Tiếp tục giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đã được cấp phép đầu tư. Triển khai nạo vét luồng lạch tuyến sông Trường Giang khai thác phát triển du lịch; vùng Trung: gồm 06 xã và 01 thị trấn ven Quốc lộ 1A, trung tâm là thị trấn Hà Lam. Định hướng phát triển ngành mũi nhọn là công nghiệp. Theo đó, phải tập trung nghiên cứu lập quy hoạch phát triển các khu công nghiệp theo quy hoạch phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, quy hoạch vùng. Triển khai thực hiện chủ trương mở rộng và nâng cấp đô thị Hà Lam, hình thành các khu dân cư tập trung dọc Quốc lộ 1A tại ngã ba Bình Nguyên - Ngọc Phô - Kế Xuyên - Quán Gò kết nối với đô thị Hà Lam để phát triển thương mại, dịch vụ ; vùng Tây: gồm 07 xã phía Tây đường cao tốc, trung tâm là xã Bình Trị. Định hướng phát triển ngành mũi nhọn là nông nghiệp, do đó cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, vườn đồi, trang trại theo mô hình nông, lâm kết hợp; phát triển trồng rừng sản xuất, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây nguyên liệu, dược liệu, cây ăn quả. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tích cực huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển. Thực hiện các dự án khai thác quỹ đất tại các địa phương nhằm tạo nguồn thu phát triển kết cấu hạ tầng, trước mắt là các dự án theo danh mục Quyết định số 147 của UBND tỉnh tại xã Bình Minh, Bình Dương. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để địa phương có nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thứ năm, tập trung xây dựng phát triển đô thị, góp phần hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch, đầu tư các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư theo hướng vừa giải quyết nhu cầu tái định cư cho nhân dân, vừa phải tính toán đến các tiêu chí hiện đại, hài hòa và phát triển đô thị trong tương lai. Đối với Hà Lam tập trung xây dựng thị trấn cơ bản đạt chuẩn đô thị loại IV; định hướng sẽ mở rộng về phía Nam; đồng thời về lâu dài sẽ mở rộng thị trấn Hà Lam ra các vùng phụ cận để đạt chỉ tiêu quy mô dân số của đô thị loại IV. Tiếp tục xây dựng xã Bình Minh đạt chuẩn đô thị loại V. Xác định Bình Minh là đô thị động lực vùng Đông của huyện và của tỉnh, định hướng tiêu chuẩn đô thị hiện đại, đô thị mới gắn với phát triển thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch.
Thứ sáu, thực hiện tốt các nhiệm vụ đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là cải tạo, mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông hiện có và hình thành một số tuyến giao thông mới, đầu tư mới các cầu qua sông Trường Giang để kết nối trục Bắc - Nam, Đông - Tây, giữa các địa phương trong huyện và với các huyện khác để hoàn thiện mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Khuyến khích phát triển thị trường lao động; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, quan tâm đào tạo nghề cho lao động ở các xã nằm trong vùng dự án, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo nguồn lao động phục vụ các dự án vùng Đông Nam của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
Trong thời gian sắp đến với nhiều dự án được đầu tư, vùng Đông huyện đang đứng trước thời cơ, vận hội để phát triển. Tin rằng với định hướng phát triển và đầu tư đúng đắn, sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân và những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, vùng Đông huyện Thăng Bình sẽ có bước phát triển đột phá, làm đầu tàu cho kinh tế của toàn huyện, góp phần là động lực phát triển quan trọng trong chiến lược phát triển vùng Đông Nam của tỉnh Quảng Nam.