Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã chỉ đạo cho BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở huyện Thăng Bình tổ chức kiểm tra được hơn 10 đơn vị, 10 doanh nghiệp và hàng trăm cuộc kiểm tra đối với các xã, thị trấn (kể cả kiểm tra riêng và lồng ghép vào các cuộc kiểm tra của Dân vận). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở huyện đã tổ chức kiểm tra 11 xã, thị trấn, gồm Bình Hải, Bình Nam, Bình Minh, Bình Nguyên, Thị trấn Hà Lam, Bình Lãnh, Bình Định Nam, Bình Quý, Bình Triều, Bình Đào và Bình Dương. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ đạo cho Ban Dân vận Huyện ủy (cơ quan Thường trực của BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở huyện) thường xuên lồng ghép kiểm tra chuyên đề về thực hiện QCDC ở cơ sở vào các cuộc kiểm tra định kỳ 6 tháng, một năm của Ban Dân vận Huyện ủy. Qua các cuộc kiểm tra, các Đoàn kiểm tra của BCĐ đã tổng hợp báo Ban Thường vụ Huyện ủy những mặt ưu điểm, khuyết điểm, đề xuất kiến nghị của các địa phương để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc của các địa phương.

Ảnh: Đ/c Nguyễn Đức Tám – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Trưởng BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở chủ trì buổi làm việc với xã Bình Hải
Có thể nói, việc thực hiện QCDC ở cơ sở ở các địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể xã, thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ “về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”,... . BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở xã, thị trấn luôn được kiện toàn, đảm bảo thành phần, ngày càng phát huy vai trò trách nhiệm và hoạt động có hiệu quả. UBND các xã, thị trấn quan tâm chú trọng thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt việc công khai một số nội dung để nhân dân biết, bàn bạc, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã đã phát huy được vai trò của mình trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt vai trò dân chủ đại diện, nâng cao năng lực phản biện xã hội; tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC tại các địa phương vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Công tác triển khai, tuyên truyền các văn bản về thực hiện QCDC chưa thường xuyên, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đảng viên, cán bộ, công chức, nhân dân. Trách nhiệm của một số cán bộ chưa cao, chưa cải tiến lề lối làm việc theo hướng sát dân, gần dân. Một bộ phận cán bộ trong đấu tranh phê bình và tự phê bình còn ngại va chạm, nể nang. Công tác sơ kết đánh giá thực hiện QCDC chưa được quan tâm; công tác kiểm tra việc thực hiện QCDC tuy có thực hiện nhưng chưa sâu sát; thường xuyên. Trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án vẫn còn một số hộ dân trong vùng dự án nhận thức chưa tốt, nên việc thực hiện các chủ trương về giải phóng mặt bằng chưa nghiêm túc. Thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ chưa xây dựng nội quy cơ quan treo tại cơ quan để cán bộ, công chức tổ chức thực hiện,…
Phát biểu chỉ đạo tại các cuộc kiểm tra, các Trưởng đoàn kiểm tra cũng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện như: Tiếp tục triển khai thực hiện QCDC cơ sở theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ đến đảng viên, cán bộ và nhân dân và các văn bản liên quan đến QCDC. Tập trung chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách hành chính và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, chủ trì các cuộc họp, giao ban định kỳ đánh giá kết quả đạt được, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến, quản lý sử dụng cán bộ, phòng ngừa hành vi tham nhũng, ban hành quy chế làm việc, quản lý tài sản cơ quan; tăng cường đối thoại với nhân dân, thực hiện tốt việc tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp và không để xảy ra các điểm nóng. Tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động có hiệu quả, tăng cường công tác chỉ đạo đối với Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng để thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định. Mặt trận, các hội đoàn thể cần phát huy vai trò trong việc tuyên truyền và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở; định kỳ 6 tháng, 01 năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở và báo cáo cấp trên,...
----------------------------------------