Những ngày giữa tháng 11.2017, chúng tôi cùng đoàn công tác của huyện Thăng Bình có dịp đến thăm gia đình bà Trần Thị Minh ở tổ 3 thôn 2 xã Bình Định Bắc. Năm nay đã gần 60 tuổi, thế nhưng hàng ngày bà Minh đều rất tất bật với công việc đồng áng. Nếu không đi làm đất, nhổ cỏ cho mấy hàng khoai vừa trồng thì bà lại đạp chiếc xe đạp cũ kỹ để đi cắt cỏ cho bò. Thấy có khách lạ, bà Minh vội dựng tạm chiếc xe đạp vào mép tường rồi mời chúng tôi vào nhà. Nhìn di ảnh của người con trai đã mất, khi chúng tôi chưa kịp hỏi bà Minh đã nghẹn ngào nước mắt. Bà Minh kể, đó là con trai út trong nhà, tên là Qúy, mất cách đây vừa tròn một năm khi mới 19 tuổi. Bà Minh tiếp lời, thời điểm đó là vào những ngày cuối tháng 10 năm 2016, trên đường đi làm về, khi lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn qua xã Bình Nguyên đã va chạm với xe contenner chạy cùng chiều, tai nạn đó đã cướp đi của bà người con trai yêu quý với biết bao dự định dang dở. Bà Minh chia sẻ, nhà có 6 anh em, các anh chị của Qúy đều đã có gia đình, lại ở xa cha mẹ; thêm phần kinh tế cũng không mấy khá giả, nên cháu Qúy chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc của vợ chồng bà trong những ngày đau ốm, bệnh tật. Tới đây, bà Minh chặt lưỡi, của cải, vật chất thì có thể làm ra, nhưng mất đi đứa con thì tôi lại đau xé lòng mỗi khi nhắc đến.
Chia tay bà Minh, chúng tôi tìm đến gia đình của ông Trần Cường ở tổ 7 thôn Đồng Đức xã Bình Định Nam. Bên ấm trà nóng vừa mới pha, ông Cường kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đáng tiếc mà gia đình phải trải qua đó là sự ra đi vĩnh viễn của đứa con gái bị tai nạn giao thông khi đang còn “tuổi ăn tuổi lớn”. Tên cháu là Trần Thị Thu Huyền, mất khi mới 14 tuổi. Hôm chúng tôi đến thăm gia đình ông Cường chỉ một ngày sau khi gia đình làm lễ “giáp năm” cho cháu. Ông Cường cho hay, cuối tháng 11.2016, trên đường đến trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu, khi đến đoạn đầu thôn, cháu bất ngờ bị một xe máy cày va chạm ép vào tường, cú va đập mạnh khiến cháu Huyền chết tại chỗ. Kể tới đây, cả hai vợ chồng ông Cường lại đẫm lệ; các thành viên trong đoàn chúng tôi đã thật sự chua xót trước mất mát quá lớn của gia đình. Từ sự việc bất ngờ của gia đình, ông Cường mong muốn, mỗi người dân khi tham gia giao thông phải thực sự là tấm gương để con cháu noi theo. Chính sự thờ ơ, thiếu ý thức của người lớn đã khiến không ít trường hợp trẻ em “chết oan”.

Ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện đến thăm và động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống
Theo thống kê từ Công an huyện Thăng Bình, năm 2016, trên địa bàn đã xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 41 người, bị thương 13 người, tăng cả số vụ và số người chết so với năm 2015. Tính đến tháng 11.2017, trên địa bàn huyện đã xảy ra 39 vụ, làm chết 33 người, bị thương 30 người, đó là chưa kể những vụ va quẹt nhẹ giữa các loại phương tiện. Thượng tá Phan Văn Ngạt – Phó Trưởng Công an Thăng Bình cho biết, qua theo dõi các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian qua, có thể thấy đa số các vụ tai nạn mà người bị nạn nằm ở độ tuổi còn trẻ. Hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra là rất lớn, có gia đình vợ mất chồng, con mất cha, mất đi lao động chính trong gia đình khiến cuộc sống trở nên khó khăn. Đó là chưa kể nỗi đau về tinh thần có thể theo họ đến suốt cuộc đời. Đa số các vụ việc xảy ra đều do ý thức tham gia giao thông của người dân còn nhiều hạn chế.
“Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì việc tuyền truyền về luật an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân nhìn nhận, thay đổi cách ứng xử khi tham gia giao thông luôn được đơn vị chú trọng thường xuyên. Đặc biệt là việc tuyên truyền, lồng ghép trong các hoạt động ngọai khóa tại các trường học trên địa bàn, tăng cường hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh” – ông Ngạt cho biết thêm.
Ngày 19.11 hằng năm đã được chọn là ngày “Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong bị tai nạn giao thông”. Đây là dịp để cộng đồng hướng về những nạn nhân giao thông thông qua các hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đây còn là dịp để toàn xã hội nhìn nhận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần bảo vệ chính bản thân và cộng đồng xã hội./.